Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Ngôi thánh đường màu đá của họ đạo Song Vĩnh
Ngày đăng: 14/08/2019

Ngôi thánh đường màu đá của họ đạo Song Vĩnh 

 

Nằm ngay mặt tiền quốc lộ 51, đoạn qua huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), nhà thờ mới của họ đạo Song Vĩnh gây chú ý cho những ai đi ngang qua đây, bởi dáng vẻ đẹp mắt, nguy nga của ngôi thánh đường đậm nét kiến trúc cổ điển Tây phương đang dần hoàn thiện từng ngày...

 

Nhà thờ Song Vĩnh bắt đầu được khởi công từ 2011, lúc bấy giờ cha sở Augustinô Vũ Văn Xuân phụ trách giáo xứ. Ðến năm 2015, cha Giuse Nguyễn Quang Hóa được thuyên chuyển về đây, tiếp nối công việc xây dựng ngôi thánh đường. Tính đến nay đã là 8 năm, song vẫn chưa hoàn thiện, là do “những người con Song Vĩnh đòi hỏi mọi thứ phải tỉ mỉ, trau chuốt đến từng chi tiết”, cha sở Giuse Nguyễn Quang Hóa chia sẻ. Nhìn chung các hạng mục chính của nhà thờ đã hoàn thành. Giờ đây chỉ còn làm đẹp phần nội thất của gian cung thánh với những chi tiết bằng gỗ được chạm trổ gia công từ các làng nghề ngoài Bắc; phần kiếng màu do công ty nước ngoài cung cấp đang thực hiện…

 

“Mái nhà chung” của họ đạo Song Vĩnh được xây dựng trên nền dài 82m, rộng 35m, với hai tháp cao theo lối kiến trúc Gothic cùng kiểu vòm nhọn cổ điển đặc trưng. Vì muốn ngôi thánh đường đồng nhất theo lối kiến trúc cổ, nên mọi chi tiết đều được chủ ý nằm trong một khối thống nhất. Nhà thờ xây cửa sổ nhiều hơn và lớn hơn theo đúng kiểu Gothic. Mặt chính của công trình tuân giữ các quy tắc, theo đó được chia làm ba tầng (từ dưới lên), phần dưới cùng là cửa có các hốc cửa sâu, phần giữa là cửa sổ tô điểm bằng kính màu, phần trên cùng là tháp chuông... Như nhiều thánh đường mang phong cách Gothic, nhà thờ Song Vĩnh cũng được xây dựng bằng hệ thống kết cấu của không gian lớn, dùng khung chịu lực, vòm mái hình múi có sống và nhiều cột. Ðiều này khiến không gian thánh đường mênh mông, khoáng đạt và ngập ánh sáng... Kết cấu gạch đá, điêu khắc tỉ mỉ cũng đòi hỏi cần không ít công sức xây dựng.

 

Ngoài sự nhất quán trong đường nét kiến trúc, chất liệu xây dựng cũng là điểm đáng ghi nhận nơi ngôi thánh đường này. Song Vĩnh ở trong vùng núi đá, có nhiều công ty khai thác đá, và số lao động gắn với nghề đá phần lớn là tín hữu Song Vĩnh. Họ quen thuộc với sắc màu xanh xám của những khối đá, nay đá cũng trở thành chất liệu chính của ngôi thánh đường. Chúng được gắn kết bằng hỗn hợp xi măng trộn vôi và mật mía... Cha sở Giuse giải thích, ngoài yếu tố đá là tài nguyên đặc trưng của vùng đất, đá còn bền bỉ trước môi trường khắc nghiệt của gió và muối miền biển.

 

Nhà thờ Song Vĩnh còn tỉ mỉ đến độ phần mái ngói đỏ cũng được đặt riêng với thành phần pha từ màu đá vùng này. Dưới mái là phần trần được thực hiện rất công phu bằng vôi trộn rơm theo kinh nghiệm cổ xưa… “Mọi người mong ngôi thánh đường sẽ lâu bền cho thế hệ mai sau”, đó chính là lý do của sự kỳ công, theo linh mục chánh xứ bày tỏ.

Song Vĩnh xây nhà thờ để đón trước một tương lai sẽ đến. Xứ đạo nằm trong vùng có các khu công nghiệp như Mỹ Xuân, Phú Mỹ…, dân cư sẽ đông dần. Theo cha chánh xứ, so với giai đoạn đầu, người dân mưu sinh bằng nông nghiệp, làm rẫy, bắt cá, hái măng, bẻ củi... khá chật vật, nhưng từ ngày có các khu công nghiệp, đời sống người dân đã có những đổi thay. Số giáo dân hiện nay vào khoảng 3000, chưa tính di dân. Dân đông dần, đời sống tinh thần mở mang, cũng gợi thêm những thách đố trong việc mục vụ, nhất là mục vụ cho công nhân di dân, người trẻ. Ðây cũng là một trong những lý do xây dựng nhà thờ mới để thêm không gian cho những sinh hoạt, chẳng hạn đáp ứng nhu cầu học giáo lý của giới trẻ, người di dân.

 

Là một xứ đạo có phần lớn giáo dân thuộc gốc Bùi Chu và Quảng Bình, Song Vĩnh còn giữ được nhiều nét truyền thống quê xưa như hội kèn, đội rước kiệu. Mỗi dịp lễ lớn ở họ đạo là mỗi dịp những sinh hoạt truyền thống ùa về. Ngôi thánh đường Song Vĩnh lúc này lại thêm nét chấm phá cho một vùng đất có đến hơn 50 ngôi chùa lớn nhỏ, mà ở đây tinh thần hòa hợp, liên tôn vốn đã phong phú thể hiện qua những ngày lễ lớn cùng các sinh hoạt đặc trưng của cả mỗi tôn giáo trong bao năm qua.

 

Năm 1972, một số bà con giáo dân từ nhiều nơi về lập cư ở Song Vĩnh. Họ cùng với các tín hữu địa phương hình thành giáo họ Song Vĩnh, thuộc xứ Phước Lộc. Sau 3 năm quy tụ, xây dựng nề nếp sống đạo chung, năm 1975, Ðức cha GP Xuân Lộc Ðaminh Nguyễn Văn Lãng đã nâng Song Vĩnh lên thành giáo họ biệt lập. Giáo họ hình thành được một ngôi nhà nguyện nhỏ làm bằng vật liệu nhẹ. Năm 1989, Ðức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật nâng Song Vĩnh lên hàng giáo xứ.

 

 cgvdt.vn  -  Minh Hải

 

You are here: Trang chủ >> Tin tức >> Tin Giáo Phận