Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Khủng hoảng tuổi tiền vị thành niên: Làm thế nào giúp các con đối phó tốt hơn
Ngày đăng: 17/04/2021

Khủng hoảng tuổi tiền vị thành niên: Làm thế nào giúp các con đối phó tốt hơn 

 

Một số trẻ em từ 8 đến 12 có vẻ như đang bước vào tuổi thiếu niên và chao đảo giữa những cơn khóc lóc và cần ôm ấp.

 

Những lời khuyên để giúp cha mẹ đối phó với các em trong độ tuổi này.

 

Những câu nói sau giờ học: “Con không còn nhận ra bạn Tuấn! Bạn đóng sầm cửa lại, bạn la hét giận dữ, bắt nạt anh chị em của bạn. Bà Thảo không biết cách nào đối phó với đứa con trai đầu lòng 9 tuổi của bà. Bà Phương cũng vậy, không biết làm sao để xử trí với cô con gái 10 tuổi: “Lan quá nhạy cảm, chuyện không có gì cũng làm ầm lên. Em đứng hàng giờ trước gương để trang điểm và ăn mặc như một nữ sinh trung học. Em sợ người khác đánh giá mình.” Một người cha kể: “Trung tham gia vào mọi thứ, thảo luận, phân tích, bắt bẻ từng li từng tí không ngừng. Đúng là một đứa bé ở tuổi tiền vị thành niên!” Tiền vị thành niên: từ ngữ buột ra khỏi miệng cha mẹ. Đây có phải là một phát minh của các cha mẹ lỏng lẻo, tự hào vì đã có những đứa con gần như đã đến tuổi “vị thành niên” hay theo thời, mong muốn mau có các khách hàng nhỏ sớm tiêu thụ không?

 

Theo các nhà tâm lý học Bernadette Lemoine và Véronique Lemoine-Cordier, trẻ em đã thực sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Chúng ta phải lưu ý và cân nhắc chuyện này. Bà Véronique Lemoine-Cordier nói: “Trong đời hành nghề của tôi, tôi không còn gặp các em như trước nữa. Bây giờ các em bị kích hoạt quá sức bởi một xã hội đang phát triển cực kỳ nhanh chóng. Các em tham dự quá sớm vào mọi chuyện trong thế giới người lớn. Các em làm chủ các phương tiện kỹ thuật tốt hơn chúng ta. Thông minh hơn và tiếp thu rất nhanh những gì các em muốn biết và điều này làm cho các em trưởng thành nhanh hơn rất nhiều”. Tuy nhiên bà nhấn mạnh: “Các em đang trải qua một cuộc cách mạng về nhận thức, nhưng sự trưởng thành về cảm xúc và tâm sinh lý của các em không nhanh chóng bằng.” Vì thế làm thế nào để giúp sự đột biến nhỏ này lớn lên? Nhà tâm lý học cho biết, không được xem các em là trẻ vị thành niên vì các em chưa đến tuổi.

 

Tạo cho các em một môi trường phong phú

 

Theo người cha Xavier Piron, từ 8 đến 12 tuổi, “đứa trẻ vừa bước ra khỏi tuổi thơ ấu, và với nó, dường như thế giới thuộc về nó. Nó tưởng tượng mình là hiệp sĩ, là phi công, có những ước mơ lớn lao. Thay vì vui vẻ, đầy sáng kiến thì nó lại đòi phục vụ. Nó không muốn bị chán”. Bà Anne Kolly, giáo viên và nhà giáo trường Montessori đã quan sát trẻ em trong hơn 25 năm, bà cho biết: “Ở lứa tuổi này, chúng tìm chìa khóa để hiểu thế giới, để có thể khám phá thế giới, quan tâm đến vũ trụ, lịch sử trái đất. Chúng có khả năng trí tuệ cao, có thể nắm bắt các khái niệm rất phức tạp. Chúng cũng có kinh nghiệm đời sống xã hội.” Đây là tuổi của băng nhóm, của chạy theo mã số, của tình trạng bị loại trừ. Tuấn cô lập ở nhà, nhưng ở trường Tuấn có một nhóm bạn tốt và có chân trong đội bóng bầu dục. “Đứa trẻ đòi hỏi có thêm không gian, nhiều tự do hơn để xây dựng bản thân, phát triển trí thông minh mạnh mẽ của mình. Để năng lượng quan trọng này được phát triển, điều cần thiết là nhà trường, người lớn cho các em một môi trường phong phú và đầy hứng khởi. Nếu không, các em trở nên thiếu thiện cảm và không thể chịu đựng được.”

 

Ngày nay, thật khó để các em tuổi teen vui vẻ một mình trong thiên nhiên, để đáp ứng nhu cầu tự lập của các em! Hướng đạo, trại hè, các chương trình bảo trợ là một sự tiếp sức tuyệt vời. Các sinh hoạt này giúp các em đảm nhận những rủi ro đã được đo lường trong một khuôn khổ cụ thể. Bà Kolly nhắc lại: “Tự do nhưng phải có trách nhiệm.” Nếu Tuấn muốn đi xe đạp một mình với các bạn cách nhà vài cây số? Cha mẹ sẽ cùng đi với con lần đầu tiên, chỉ các hiểm nguy có thể có và sẽ cho con đi một giờ là phải về. Cẩn thận không để cho đứa bé có tự do mà nó không có khả năng đảm nhận, người cha Piron cảnh báo: “Chúng tôi sẽ không giao con dao bếp cho một đứa bé 4 tuổi, chúng tôi sẽ không để nó một mình với internet trước tuổi 12.” Bà Bernadette Lemoine cũng vậy, tự do nhưng có điều kiện: “Bạn phải kiên quyết với đứa trẻ, giải thích với nó rằng việc đặt ra các giới hạn là để bảo vệ nó, và dần dần chúng ta sẽ càng ngày càng tin tưởng ở con cái hơn.”

 

Giúp một đứa bé tuổi tiền vị thành niên nói lên những gì nó cảm nhận, nhưng không bao giờ phán xét

 

Một điểm thiết yếu khác: giáo dục sự hụt hẫng ở một xã hội cung cấp tất cả các loại thú vui tức thời. Bà Bernadette Lemoine và Véronique Lemoine-Cordier khuyên: “Đứa trẻ dễ uốn nắn, dễ điều khiển, điều cần thiết là giúp các em học cách lựa chọn những gì tốt cho mình, và điều này có thể là điều nó ít mong muốn hơn những gì cám dỗ nó. Đây là cả một vấn đề giáo dục ý chí.”

 

Cho con những gì nó cần, đó là cho con có ảo tưởng mình đầy quyền năng.

 

Tuổi tiền vị thành niên thường quá nhạy cảm và dễ xúc động. Qua việc học cách lựa chọn để đi theo điều tốt, tìm kiếm điều chân thật, đứa bé sẽ dần dần làm chủ được tình cảm và quản lý được cảm xúc của mình. Bà Véronique Lemoine-Cordier nêu rõ: “Trẻ trước tuổi vị thành niên thường quá nhạy cảm và dễ xúc động. Các em thường có phản ứng không cân xứng với một tình huống dù tình huống này dễ chịu hoặc khó chịu. Điều quan trọng là giúp các em nói lên những gì các em đang cảm thấy mà không bao giờ phán xét.”

 

Cuối cùng, sự cân bằng của các em tùy thuộc vào uy quyền cân bằng tốt của cha mẹ. Nếu cha mẹ biết cách đưa ra các quy tắc và không ngại thiết lập mối quan hệ theo chiều dọc với con cái, thì các con có thể trưởng thành trong an toàn. Bà Anne Kolly kết luận: “Từ ngữ ‘uy quyền’ có cùng gốc với từ ngữ ‘người giám hộ’. Nếu không có thẩm quyền, trẻ con không thể xây dựng bản thân cũng như không thể phát triển để hướng về ánh sáng.”

 

Marta An Nguyễn dịch

(phanxico.vn 16.04.2021/ fr.aleteia.org, Edifa, 2021-04-07)

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Kỹ năng sống