Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Tình người tỏa sáng từ tâm dịch Vũ Hán
Ngày đăng: 10/02/2020

Tình người tỏa sáng từ tâm dịch Vũ Hán 

 

TÌNH NGƯỜI TỎA SÁNG TỪ TÂM DỊCH VŨ HÁN 

 

Hiện nay, địa danh Vũ Hán không chỉ gợi cho chúng ta về một đại dịch do virus cúm corona gây ra đã và đang đe dọa toàn thế giới loài người chúng ta, nhưng mặt khác, nó lại là nơi mà tình người đang âm thầm tỏa sáng từ những con người anh hùng và những tấm lòng dũng cảm vô biên. Quả đúng như người ta đang nhận định: “Vũ Hán không phải là một thành phố đang chiến đấu với virus, mà còn là nơi yêu thương và chia sẻ”.

 

1- Người anh hùng đáng ngưỡng mộ

 

Theo báo Tuổi Trẻ online (TTO) ngày 6-2-2020, bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), 34 tuổi, một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã qua đời vì chính căn bệnh này.

 

Được biệt, cuối tháng 12-2019, bác sĩ Lý theo dõi một số bệnh nhân nhiễm virus giống SARS gây bệnh viêm phổi, từ đó ông đã cảnh báo về loại virus mới này trên nhóm WeChat của các cựu sinh viên Vũ Hán. Các ca bệnh được cho là xuất phát từ chợ hải sản Vũ Hán, nơi buôn bán nhiều động vật sống hoang dã. Các bệnh nhân được cách ly tại bệnh viện mà bác sĩ Lý đang làm việc. Lúc này, bác sĩ Lý vẫn chưa biết đây là virus corona chủng mới.

 

Sau đó ảnh chụp màn hình đoạn cảnh báo của bác sĩ Lý được đưa lên mạng và nhanh chóng lan truyền. Không lâu sau, ngày 3-1, cảnh sát Vũ Hán triệu tập bác sĩ Lý và một số đồng nghiệp, đồng thời kêu gọi ông Lý dừng lại với cáo buộc ông “tung tin đồn thất thiệt!”. Cảnh sát bắt bác sĩ Lý ký vào văn bản thừa nhận “đưa ra bình luận sai lệch làm xáo trộn trật tự xã hội”. Theo BBC thì giới chức thành phố Vũ Hán muốn che giấu thông tin về loại virus mới này.

 

Bs Lý kể, ông bị cảnh báo rằng nếu tiếp tục việc làm này thì anh sẽ bị xử lý theo pháp luật. Và một tuần sau đó, bs Lý điều trị cho một phụ nữ bị tăng nhãn áp, người này bị nhiễm virus corona chủng mới. Bs Lý lúc này không mặc đồ bảo hộ vì không cần thiết theo quy trình khám bệnh thông thường. Bệnh nhân nữ lúc đó cũng không có biểu hiện sốt. Ngày 10-1, bs Lý xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho và phải nằm viện. Trên giường bệnh, bác sĩ Lý kể lại câu chuyện của mình trên mạng xã hội Weibo. Mười ngày sau, Trung Quốc công bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp do virus corona.

 

Sau đó, đến ngày 30-1, bs Lý nhận được xét nghiệm dương tính với virus corona dù trước đó bác sĩ đã nhiều lần xét nghiệm và kết quả luôn là âm tính. Cuối cùng vào hôm 6-2, bs Lý qua đời vì chính loại virus mà ông cố gắng cảnh báo cộng đồng. Anh là một trong tám bác sĩ đầu tiên cảnh báo virus corona ở Vũ Hán.

 

Bs Lý ra đi bỏ lại một con nhỏ, cùng người vợ đang mang thai, dự sinh vào mùa hè này. Cha mẹ của anh cũng đã ngã bệnh và đang nhập viện.  Bài của bs Lý đăng trên Weibo nhận được hàng trăm nghìn lượt tương tác và những lời ca ngợi bác sĩ là anh hùng “đáng ngưỡng mộ”. Ngoài ra, nhiều bình luận cũng nhắm đến thái độ bưng bít thông tin của giới chức thành phố Vũ Hán với lập luận nếu chính quyền ứng xử khác thì dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn. [1]

 

2- Chuyện cha và con

 

Ông Vương Vệ Quốc, 66 tuổi, thành phố Trường Trị, tỉnh Sơn Đông, là bác sĩ đã phải chia tay con gái duy nhất của ông là bác sĩ hô hấp Vương Đình, 36 tuổi ở bệnh viện Trường Trị. Cô tình nguyện đến Vũ Hán dù mẹ phản đối gay gắt. Khi con gái thông báo tình nguyện đi Vũ Hán, ông đưa cô chiếc một chiếc vali kỷ niệm. Đó là chiếc vali ông được phát để đựng đồ dùng cá nhân suốt thời kỳ dịch SARS cách đây 17 năm. Ông nói, “Hồi đó đã hứa nếu còn khỏe mạnh, tôi sẽ mang chiếc vali về làm kỷ niệm. Giờ tôi đưa lại nó cho Vương Đình, hy vọng con sẽ trở về an toàn như tôi”.

 

Đêm trước khi con đi, người cha không ngủ được. Sáng sớm ngày 2-2-2020, ông cùng con rể đưa cô ra bến xe. Trước khi lên xe, Vương Đình đột ngột chạy lại ôm chặt cha và khóc nức nở. Người cha đã bình tĩnh nói: “Mọi việc sẽ ổn, con hãy mạnh mẽ lên”. Ông cũng tâm sự: “Không biết bao giờ dịch bệnh mới kết thúc nhưng tôi luôn hy vọng con gái sẽ sớm quay về nhà như chính tôi năm xưa. Tôi ủng hộ con đi vào vùng tâm chấn bởi đó là trách nhiệm của một bác sĩ”. [2]

 

3- Nữ bác sĩ đạp xe 300 km trở lại Vũ Hán

 

Cam Như Ý là một nữ bác sĩ trẻ đang làm việc tại phòng thí nghiệm bệnh viện Kim Khẩu, quận Giang Hạ, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Khi dịch bệnh do virus corona gây ra bùng phát, cô đang nghỉ phép năm ở quê nhà, nhưng vì lo lắng nên cô đã quyết định trở lại bệnh viện làm việc. Bố mẹ cô kịch liệt phản đối vì thương con. Trong khi đó thì từ nhà cô tới Vũ Hán là quãng đường dài 300 km, giờ đã bị phong tỏa không còn xe cộ gì mà đi. Cô bèn kiếm một cái xe đạp và liên hệ với chủ tịch bệnh viện Kim Khẩu để xin giấy xác nhận làm việc. Và nhất quyết từ biệt cha mẹ về bệnh viện vì cô biết bệnh viện còn rất ít nhân viên, nếu vắng cô thì công việc sẽ ùn tắc.

 

Ngày 31-1-2020, bs Cam Như Ý bắt đầu hành trình trở lại tâm dịch bệnh Vũ Hán. Từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, đoạn đường cô đã đạp xe đi qua là 50 km. Tối ngày đầu tiên, cô ngủ nhờ ở nhà một người họ hàng xa. Ngày 1-2, Cam Như Ý khởi hành lúc 8 giờ sáng, đến 5 giờ chiều cô đã đến bờ sông Trường Giang. Quãng đường cô đã đi trong ngày thứ 2 là hơn 100 km. Lúc này, vì không thể tiếp tục đạp xe đi tiếp, cô đã gửi xe tại một cửa hàng tạp hóa rồi đi bộ qua cầu Trường Giang. Buổi tối, cô đã tìm được một khách sạn, sau khi ăn một bát mì cô đi ngủ lấy sức cho ngày tiếp theo.

 

Sáng sớm ngày 2-2, Cam Như Ý quyết định đến Vũ Hán bằng taxi nhưng không một tài xế nào muốn đến ổ dịch này. Cô buộc phải tìm một chiếc xe đạp khác, dựa vào định vị trên điện thoại để đến Vũ Hán. Hôm đó, Như Ý gần như dầm mưa cả ngày, lương khô mang theo cũng đã cạn. Khoảng 8 giờ tối, cô phát hiện ra nhiều cảnh sát đứng ở góc đường, lúc này cô mới nhận ra là cuối cùng cô cũng đến Tiềm Giang (tỉnh Hồ Bắc). Từ đây cô bỏ xe, đi nhờ xe cảnh sát một đoạn dài rồi lại thuê một xe đạp khác đi về nơi làm việc.

 

Ngày 5-2, bs Cam Như Ý đã lao ngay vào công việc. Mỗi ngày cô phải thử nghiệm hơn 20 mẫu máu cho những người bị nghi nhiễm virus nCoV, bữa ăn cũng chỉ mì gói hoặc bánh quy. Cô quả là một lương y như từ mẫu, quên mình và luôn nghĩ đến tính mạng của mọi người. [3]

 

4- Câu chuyện về bác sĩ người Pháp Philippe Klein làm việc tại Vũ Hán

 

Một bác sĩ người Pháp làm việc tại Vũ Hán đã từ chối sơ tán cùng đồng bào của mình và ở lại để giúp đỡ người bệnh. Kênh truyền hình France 24 đưa tin, Philippe Klein, vị bác sĩ Pháp đứng đầu Bệnh viện Quốc tế SOS ở Vũ Hán, tâm điểm của dịch coronavirus mới, cho biết ông “hữu ích hơn nhiều” ở Vũ Hán so với ở nhà. Là một người cha có bốn con, ông đã cho vợ con về cố quốc. Nhưng ông quyết ở lại để chăm sóc một số bệnh nhân người nước ngoài và gia đình của họ, vì họ không thể rời Vũ Hán vì các lý do khác nhau. Được biết, Vũ Hán là nơi có 500 người Pháp sinh sống.

 

Bs Klein hàng ngày đến nhà của bệnh nhân để được tư vấn sức khỏe và đặt tất cả các thiết bị bảo vệ của ông trong xe để tránh làm lây nhiễm họ.

 

Giữa mối quan tâm trên toàn cầu và thậm chí một số phản ứng thái quá đối với dịch bệnh, bs Klein nói rằng nên có thái độ chính xác và khoa học, và sự tự tin là cần thiết để chống lại căn bệnh này. Mọi người nên phòng dịch cẩn thận và giữ sự kiên nhẫn. Ông tin Vũ Hán sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau trận chiến. Bs Klein nói về quyết định ở lại của mình, “Đó không phải là một hành động của chủ nghĩa anh hùng. Nó đã được suy nghĩ kỹ, đó là công việc của tôi”. Ông nói cách hài hước, “Tôi là một người thuần hóa virus”, và ông cũng nói rằng việc ông ở lại Trung Quốc “như thể đang ở cùng với một con sư tử trong chuồng” ./.

 

conggiao.info  -  Aug. Trần Cao Khải 

_____________

 

[1]- tuoitre.vn

[2]- Nguồn FB Nguyễn Thị Bích Hậu

[3]- Nguồn FB Nguyễn Thị Bích Hậu

[4]- ncctv.net

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Kỹ năng sống