Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Giữ luật vì luật hay vì con người?
Ngày đăng: 16/01/2020

Giữ luật vì luật hay vì con người? 

 

Từ đầu năm mới 2020 đến nay, mọi người dân cả nước đều băn khoăn và lo lắng về quy định phạt những ai uống rượu bia khi tham gia giao thông. Người ta băn khoăn vì từ nay phải từ bỏ một thói quen quá thông thường, như một tập quán cố hữu, đó là uống rượu bia thoải mái khi đi dự đám cưới đám hỏi, đám giỗ đám tang, đám tiệc thôi nôi sinh nhật, tiệc liên hoan tất niên tân niên hay cuộc vui họp mặt bạn bè vv. Nhiều người cũng tỏ ra rất lo lắng tự hỏi như thế nào thì được coi vượt quá mức độ nồng độ cồn cho phép, ăn hoặc uống nước hoa quả hay dùng một loại nước ngọt nào đó có được không vv.

 

Chúng ta đều biết rằng, ngày 1-1-2020 vừa qua, tại Việt Nam, nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo…) đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường. Người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn dù chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg /1l khí thở vẫn bị xử phạt. [1]

 

Sau khi Nghị định 100 này có hiệu lực, người ta đã có thể ghi nhận được những con số và sự kiện đáng lưu ý sau:

 

* VÀI CON SỐ VÀ SỰ KIỆN

 

- Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1-1-2020. Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

 

- Theo báo chí, chỉ sau 6 ngày áp dụng Nghị định 100, CSGT toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ cồn là 2.673 trường hợp. [2]

 

- Tại cuộc họp, báo chí đặt câu hỏi về quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe” được trong Luật Phòng Chống tác hại của rượu bia, nhưng trong Luật giao thông đường bộ lại quy định người tham gia giao thông vi phạm mức nồng độ cồn mới bị xử lý. Vậy cần có sự điều chỉnh gì? Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh đây là biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia. Vì vậy, luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Đồng thời, quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện trong phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia. [3]

 

- Theo khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 quy định, với hành vi không chấp hành hiệu lệnh trong việc kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích thì người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy. [2]

 

- Quy định về nồng độ cồn trong máu khi lái xe ở các nước như thế nào?

 

Trước Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng quy định về nồng độ cồn trong máu được cho phép khi lái xe, cũng như khung hình phạt với những tài xế vi phạm. Các nước trên thế giới cũng có quy định về nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông. Quy định về nồng độ cồn của các quốc gia không nhất thiết phải giống nhau, mỗi khu vực sẽ áp dụng mức giới hạn cho tài xế tùy theo thực trạng giao thông trong nước. Ví dụ, Mỹ cho phép người lái xe từ 21 tuổi trở lên có nồng độ cồn trong máu (BAC) là 0,08%. Với những tài xế trẻ tuổi hơn ngưỡng này, nồng độ BAC phải duy trì ở mức dưới 0,02% hoặc thậm chí là 0, đồng nghĩa là họ không được uống rượu khi lái xe.

 

Canada và Mexico cũng áp dụng hạn mức 0,08% đối với nồng độ cồn của tài xế. Con số này giảm xuống còn 0,05% ở Peru, Bolivia và Argentina.

 

Càng xuôi về phía nam, quy định của các nước càng hà khắc. Paraguay, Uruguay và Brazil chỉ cho phép một lượng cồn cực nhỏ xuất hiện trong hơi thở của tài xế, chẳng hạn như cồn từ nước súc miệng hoặc thuốc ho. Nếu trót dùng một ly bia lạnh rồi lái xe về nhà, rất có thể bạn sẽ bị cảnh sát giao thông “tuýt còi”.

 

Tại Trung Quốc, tài xế có nồng độ cồn trong máu giữa ngưỡng 0,02 – 0,08% đã bị xem là phạm luật. Nếu vượt qua mức này, họ sẽ bị tạm giữ, tước bằng lái và từ chối cấp lại trong 5 năm. Khu hành chính Hong Kong đặt ra giới hạn tối đa 0,05% cho người điều khiển phương tiện giao thông. Singapore sẽ xử phạt tài xế có lượng cồn trong máu từ 0,08% trở lên, nồng độ càng cao hình phạt càng nặng.

 

Nhật Bản và Hàn Quốc đồng áp dụng tiêu chuẩn dưới 0,03% đối với các tài xế có nồng độ cồn trong máu. Luật pháp xứ Hàn cho phép cơ quan chức năng đình chỉ hoặc tước bằng lái của người vi phạm, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi. Nhật Bản cũng có quy chế xử phạt hà khắc với người lái xe trong tình trạng nồng độ cồn vượt mức quy định, nhất là chủ xe máy. [4]

 

- Giảm hẳn số ca tai nạn giao thông do 'quá chén': Một tuần từ khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, số ca tai nạn giao thông do sử dụng bia, rượu phải nhập viện gần như giảm hẳn.

 

Buổi sáng ngày cận Tết tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), các bác sĩ đang trong giờ đi thăm khám, theo dõi các bệnh nhân nhưng vài ngày nay họ bình tĩnh hơn, không thấy cảnh “toát mồ hôi” sắp xếp giường cấp cứu, đón tiếp. Tại khoa này chủ yếu là các bệnh nhân nhập viện do tai nạn, cũng có những trường hợp khá nặng nhưng bệnh nhân tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia giảm hản so với trước.

 

 

Quả thực, những con số và sự kiện nêu trên đủ cho ta thấy rằng việc cấm triệt để uống rượu, bia trước và trong khi lái xe theo NĐ 100 từ ngày 1-1-2020 là điều hết sức hợp tình, hợp lý và cần thiết để đảm bảo tính mạng của mọi người.

 

* GIỮ LUẬT VÌ LUẬT HAY VÌ CON NGƯỜI

 

Sau khi NĐ 100 có hiệu lực, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc xử phạt những ai uống rượu bia khi tham gia giao thông. Người thì cho rằng quy định quá khắt khe, làm hạn chế mọi sinh hoạt của rất nhiều người. Người thì không hoàn toàn đồng tình với quy định này, vì lẽ nên giới hạn nồng độ cồn hơn là cấm tuyệt đối. Trong khi đó, có lẽ đa số thì nhất trí rằng thà rằng chịu đựng một sự kiêng nhịn nào đó mà sự an toàn và tính mạng của con người khi tham gia giao thông được bảo đảm thì vẫn tốt hơn nhiều.

 

Vừa qua, trên mạng XH, người ta phổ biến một video clip hài, tựa đề “Gừng càng già càng cay”, dài chừng 15 giây quay cảnh một bác nông dân người dân tộc, say khướt, đang đi trên đường, vác trên vai một chiếc xe đạp, bước đi chuệnh choạng trong sự chứng kiến của mấy anh CSGT. Cái clip này có ý nói lên rằng mặc dù có xe đạp nhưng vì say rượu nên không sử dụng xe mà tự nguyện đi bộ, vì quy định không xử phạt người đi bộ dù có say bí tỷ! 

 

Được biết, khi NĐ 100 có hiệu lực, nhiều người đã cố tình tìm cách trốn xử phạt, lách luật và nghĩ ra nhiều chiêu trò để không bị phạt. Đó là tư duy “Giữ luật vì luật”. Vì không tôn trọng luật, nên người ta có đủ chiêu lách đo nồng độ cồn của dân nhậu. Chẳng hạn, mặc đồng phục xe ôm công nghệ, xuống xe dắt bộ, phân chia nhau để cảnh giới… là những “chiêu” dân nhậu áp dụng để tránh cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn. [2]

 

Người ta có thể trốn và tìm cách chống đối, chẳng hạn câu chuyện sau tại Hà Nội: Từ ngày cơ quan chức năng ra quân xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, đội bóng của anh M chuyển địa điểm vào một cửa hàng sâu trong một con ngõ nhỏ trên đường V.H. Sau bữa nhậu, thành viên không uống đi cảnh giới phía trước, nếu thấy chốt của CSGT sẽ thông báo cho các thành viên khác. Anh M cho biết, “Quán nhậu này có nhiều đường nhỏ nối nhau, không phải vòng ra các đường lớn nên anh em cũng đỡ lo công an xử lý. Vẫn biết đang vi phạm, nhưng thói quen cũ chưa thể bỏ ngay được, cố gắng uống ít hơn mà thôi”.

 

Ngoài ra, trên mạng xã hội, nhiều người còn đưa ra phương án trang bị áo và mũ xe ôm công nghệ để dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng. Dù các hãng xe ôm công nghệ có quy trình tuyển chọn đối tác chặt chẽ và phát đồng phục rất nghiêm túc, nhưng chỉ cần lên mạng, khách hàng dễ dàng sắm cho mình một bộ đồng phục. Một combo áo khoác, mũ bảo hiểm, áo thun của các hãng xe ôm công nghệ thường được chào bán với mức giá từ 65.000 đồng đến 199.000 đồng. Mặc dù vậy, ngay cả các lái xe Grab cũng bị xử lý. Tối ngày 2-1, trên đường đi đón khách, anh Hoàng Trọng T, tài xế xe ôm Grab, bị Tổ công tác Đội CSGT số 6 làm nhiệm vụ tại ngã tư Xuân Thủy - Cầu Giấy (Hà Nội) dừng xe kiểm tra. Các chiến sỹ yêu cầu anh thổi qua máy kiểm tra nồng độ cồn và xử phạt 2 triệu đồng.

 

Ngoài việc chuyển địa điểm ăn uống về gần nhà, trong ngõ hay mua đồng phục xe ôm công nghệ, nhiều người còn cho rằng xuống dắt bộ, để xe lại và chạy đi nơi khác thì mức phạt không chấp hành hiệu lệnh cũng nhẹ hơn mức phạt có nồng độ cồn trong người. Thực tế, những ngày qua đã xảy ra nhiều trường hợp không thổi vào máy đo nồng độ cồn, khóa xe bỏ đi. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn áp dụng những hình phạt cụ thể để xử lý hành vi này.

 

Cơ quan chức năng đã đưa ra lời khuyến cáo thế này, “Luật đưa vào cuộc sống là để đảm bảo an toàn cho người dân. Thế nên thay vì cố tìm cách lách luật, mọi người nên chấp hành nghiêm chỉnh để an toàn cho chính bản thân mình cũng như những người tham gia giao thông khác”.

 

Ở đây ta có thể liên tưởng tới việc quy định đội mũ bảo hiểm cách đây hơn 10 năm. Vào thời điểm đó, rất nhiều người phản đối việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Họ nêu ra nhiều bất tiện và khó khăn để rồi hoặc chống lại việc thi hành luật hoặc tìm mọi cách lách luật.

 

Báo chí kể lại rằng: Mười năm trước, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết 32 quy định kể từ ngày 15-12-2007, người đi môtô, xe máy trên tất cả các tuyến đường đều bắt buộc phải đội nón bảo hiểm.

 

Nhớ lại thời gian trước khi Chính phủ ban hành nghị quyết này, người dân bàn tán xôn xao dữ lắm. Phe phản đối có phần lấn lướt phe ủng hộ với những lời lẽ rất thuyết phục. Nào là mỗi cơ quan phải có một chỗ để nón bảo hiểm, nào là đi đâu cũng phải kè kè ôm cái nón vì sợ mất cắp, nào là tốn kém không cần thiết... Đến nỗi có những lúc tưởng như không thể ban hành và thực hiện thành công chính sách này.

 

Nhưng rồi mọi chuyện dần đi vào nề nếp. Một phần nhờ sự chế tài quyết liệt của cảnh sát giao thông, nhưng phần quan trọng nhất là người dân nhận thấy lợi ích thật sự của việc đội nón bảo hiểm khi lưu thông. Tuy có bất tiện một chút, nhưng từ khi toàn dân đội nón bảo hiểm thì tỉ lệ người chấn thương sọ não do va, đâm xe giảm rõ rệt. Chỉ sau 3 năm, việc đội nón bảo hiểm khi ra khỏi nhà với người dân trở thành một thói quen thường nhật. [6]

 

* Ý KIẾN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG GIA ĐÌNH XUNG QUANH VIỆC CẤM RƯỢU BIA KHI GIAO THÔNG [7]

 

Việc siết chặt hình thức xử phạt liên quan tới bia rượu khi lái xe có thể làm không ít nam giới thấy "áp lực", nhưng từ góc nhìn của người phụ nữ trong gia đình, nhiều người vợ hoan hỉ trước điều này. Các chị chia sẻ ý kiến riêng với mong muốn ngoài ý thức chấp hành pháp luật, chính là sự tự giác của người chồng trước khi nhậu, biết nghĩ về vợ con để không mang hệ lụy vì bia rượu.

 

*Chị Hà Thanh Vy (nội trợ, Tân Đức, Hàm Tân, Bình Thuận):

 

Yêu thương gia đình, cân nhắc khi uống: Số người tử vong, tàn phế do tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh của mỗi gia đình và toàn xã hội. Do đó, tôi rất phấn khởi khi từ 1-1-2020, nghị định 100 được áp dụng để thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu bia.

 

Thiết nghĩ "văn hóa nhậu" là một nét đặc trưng của người Việt ta. Vui 1-2 ly trong những bữa tiệc cần thiết để gắn kết tình cảm thì tốt. Nhưng việc lạm dụng bia rượu để mua vui, gây ra rất nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội thì hơn lúc nào hết chúng ta phải nhìn nhận đây là điều đáng báo động. Bản thân tôi vẫn luôn hi vọng các ông chồng, các anh em bạn bè hay dùng rượu bia để giao tiếp sẽ tự biết ý thức hơn, vì sức khỏe bản thân và gia đình, chứ không phải sợ phạt mà không uống. Vì không phải chỗ nào cũng có lực lượng chức năng để chờ phạt!

 

Và nếu bất đắc dĩ không thể từ chối mà phải uống bia rượu thì nên uống tại nhà, hoặc nhờ người tỉnh táo đưa về tận nhà. Đó cũng là cách thể hiện tình yêu thương vợ con, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, thể hiện bản lĩnh thực sự của đàn ông. Tôi tin rằng sau khi nghị định này được thi hành sẽ có rất nhiều người không còn lý do ép "bạn nhậu" uống. Và người bị ép cũng có lý do để từ chối. Tôi là một phụ nữ, người vợ, người mẹ... rất ủng hộ và tin rằng các chị em phụ nữ cũng sẽ đồng quan điểm với tôi.

 

*Chị L.H. (chủ doanh nghiệp kinh doanh nhỏ ở TP.HCM):

 

Ma men dẫn lối làm hư gia đình: Là vợ của người thích bù khú, tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi không quên cảm giác ngồi chờ chồng về từng đêm 2-3h sáng trong bộ dạng áo quần đầy mùi thuốc lá, nồng nặc rượu, dáng đi liêu xiêu, giọng điệu khệnh khạng, quát tháo... những điều khi tỉnh táo anh không thốt ra.

 

Có đêm anh về quần áo rách nát, xe tả tơi, máu từ cánh tay, từ mặt anh tuôn ra ướt đẫm. Anh say quá nên tông vào đâu đó, rách tay mà không hiểu sao vẫn chạy được về nhà thì đổ gục, vợ hối hả gọi xe, nhờ hàng xóm khiêng anh vào bệnh viện. Rồi lại đêm, anh về cũng bộ dạng ngả nghiêng, tiền từ trong túi áo túi quần anh rơi từ cửa đến phòng cũng không biết.

 

Nhậu nhiều quá thần kinh anh lơ mơ, ánh mắt lờ đờ, mệt mỏi. Sáng nào ngủ dậy, đôi mắt cũng đỏ ngầu. Con trai anh chứng kiến bao lần cha nó về khuya, quát tháo mẹ, lôi con ra đánh, lòng nó căm hận, ức chế. Riêng anh, nhậu nhiều tiền bao nhiêu cũng vung hết, việc làm cũng không còn. Vì sao nhậu đến mức mất hết mà anh vẫn ngập ngụa trong đó?

 

*Chị X. (không nêu tên, đang sinh sống tại Đà Nẵng):

 

Nhà bình yên vì không men rượu: Tôi may mắn có chồng không thích nhậu nhẹt. Vì không nhậu, ban đầu chồng tôi cũng gặp vài lời "chỉ trích", nhưng anh ấy không để tâm nhiều bằng việc thấy vợ con mình vui, ba mẹ an lòng vì không phải chờ cửa đêm khuya. Không nhậu nên anh có thời gian chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn con học, tạo niềm vui cho con cái mỗi cuối ngày. Con thấy ba sống chuẩn mực nên lấy ba là "thần tượng", cu cậu hay nói sau này con sẽ là người đàn ông tuyệt vời như ba.

 

Truyền thống gia đình anh cũng không có chuyện rượu bia, ba anh cũng chuẩn mực trong đời sống nên dù 70 tuổi vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, đi thể dục mỗi ngày. Mẹ anh trông trẻ hơn vì theo bà, hôn nhân của hai ông bà có hạnh phúc nên con cái thành đạt, vợ chồng về già vẫn thấy có niềm vui, biết ơn nhau vì đã sống tròn đầy! Nhiều người bạn của mình chia sẻ, riết rồi... không dám gần gũi chồng vì bị ám ảnh mùi nhậu. Hạnh phúc gia đình được nồng đượm hay lụi tàn hóa ra cũng có phần của bia rượu!

 

conggiao.info  -  Aug. Trần Cao Khải 

______________

 

[1] baomoi.com

 

[2] tienphong.vn

 

[3] news.zing.vn

 

[4] baomoi.com

 

[5] baomoi.com

 

[6] tuoitre.vn 

[7] tuoitre.vn

 

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Kỹ năng sống