Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Hiệp thông “mắt xích” trong mầu nhiệm Giáo hội
Ngày đăng: 30/01/2023

Hiệp thông “mắt xích” trong mầu nhiệm Giáo hội 

 

Hiệp thông trong Giáo hội không gì khác hơn là cộng đồng các tín hữu như là một Dân Thánh được kết hợp với Thiên Chúa và nối kết với nhau trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI quả quyết: “Giáo hội là hiệp thông”, nghĩa là “Hợp nhất với Đức Kitô và hợp nhất các Kitô hữu với nhau trong Giáo hội” . Nhân dịp báo Công giáo và Dân tộc gợi ý cho tôi góp một vài suy nghĩ cho một thực tại: “Làm thế nào để xây dựng sự hiệp thông trong một giáo phận có nhiều sự khác biệt như về màu da, ngôn ngữ, trình độ văn hóa, địa vị xã hội, giàu nghèo...?”. Trên tinh thần sống trong tiến trình  Hiệp Hành, nẻo đường có tên “Vì Một Giáo Hội Hiệp Hành: Hiệp Thông, Tham Gia Và Sứ Vụ” , và chủ đề “Củng cố sự Hiệp Thông” được HĐGM VN chọn cho năm 2023, xin được góp một vài suy nghĩ về vấn đề nêu trên.

*Ý nghĩa của từ “hiệp thông”

Trong Kitô giáo, hiệp thông là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ về mối tương quan giữa các tín hữu với Thiên Chúa và giữa các tín hữu với nhau trong Giáo hội. Các mối tương quan này được phát xuất và đặt nền tảng trên sự hiệp thông thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần . Đối với mối tương quan giữa tín hữu với Thiên Chúa, sự hiệp thông được thể hiện qua các hình thức như cầu nguyện, xưng tội, rước lễ, thờ phượng, lãnh nhận các bí tích... Còn đối với mối tương quan giữa các tín hữu, sự hiệp thông được thể hiện qua các việc như bác ái, tương trợ giúp đỡ nhau, chăm sóc, yêu thương, cùng nhau tham gia các buổi cử hành phụng vụ, cũng như là việc chia sẻ Lời Chúa và học hỏi giáo lý... Không chỉ dừng lại ở mối tương quan với những người đang còn sống, sự hiệp thông còn là mối dây liên kết giữa người còn sống và những người đã qua đời đang trong tình trạng thanh luyện hay đang hưởng nhan thánh Chúa.


*Một vài suy nghĩ 

Thực tế cho thấy hầu như đâu đâu trong các giáo phận của Việt Nam hay các giáo phận khác trong toàn Giáo hội Công giáo cũng đều có những khác biệt về màu da, ngôn ngữ, trình độ văn hóa, địa vị xã hội, giàu nghèo... Vì sự hiệp thông là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển và sự tồn tại của một giáo phận, nên làm thế nào để sự hiệp thông được thể hiện một cách rõ ràng và phát triển luôn là nỗi ưu tư hàng đầu của các vị chủ chăn. Dựa vào ý nghĩa của từ “hiệp thông” ở trên, xin gợi lên một vài đề nghị sau: 


+ Sự hiệp thông được đặt trên nền tảng nơi sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi

Sự hiệp thông trong một giáo phận nói riêng hay của toàn thể Giáo hội nói chung, không phải là do sự khế ước thỏa thuận của con người, nó cũng không phải là một sự nhất trí của các thành phần trong một tổ chức, nhưng tiên vàn nó phải được khởi đi từ nền tảng của sự hiệp thông nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, một sự hiệp thông hoàn hảo.  Bởi lẽ “Giáo hội phổ quát, xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”  . Thật vậy, ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã không ngừng mời gọi con người kết hiệp với Người . Tuy nhiên, sự hiệp thông đó đã bị phá vỡ khi Tổ Tông con người phạm tội. Để nối kết lại sự hiệp thông đó, Thiên Chúa đã ban Con của Người là Đức Giêsu Kitô đến hiến mạng sống mình xóa bỏ tội trần gian. Và rồi Chúa Thánh Thần tiếp tục những gì Chúa Kitô đã làm và hiện thực hóa cho mọi người qua mọi thời. Ngài (Chúa Thánh Thần) chính là Đấng “dẫn đưa Giáo hội đến sự thật toàn vẹn, và hợp nhất Giáo hội trong sự hiệp thông”  .

Ngoài việc dựa trên nền tảng của sự hiệp thông nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta còn phải hiệp thông với Thiên Chúa. Sự hiệp thông đó được thể hiện qua việc cử hành phụng vụ. Việc giúp tín hữu hiểu biết về Phụng vụ như Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong muốn trong “Tông Thư Desiderio Desideravi” sẽ giúp cho các tín hữu sống hiệp thông với Thiên Chúa tốt hơn.

+ Sự hiệp thông được thể hiện qua các điểm chung

Sự hiệp thông không chỉ dừng lại trong mối tương quan với Thiên Chúa, nhưng còn được thể hiện trong mối tương quan giữa các tín hữu với nhau. Trong mối tương quan đó, sự hiệp thông được thể hiện một cách nổi bật khi họ tuyên xưng cùng một đức tin, một Phép Rửa, trong cùng một Thánh Thần. Đức tin đó được lưu truyền trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, qua sự gìn giữ và trình bày của Huấn Quyền Giáo Hội. Chính khi có chung một đức tin, chịu cùng một Phép Rửa, dưới cùng một sự hướng dẫn của Giáo Hội, thì khoảng cách do màu da, ngôn ngữ, văn hóa sắc tộc... sẽ được rút ngắn.

Ngoài ra, sự hiệp thông giữa các tín hữu còn được biểu lộ một cách rõ ràng khi họ cùng nhau cử hành chung một nền phụng vụ. Thật vậy, với tư cách là Dân Thiên Chúa, là một cộng đoàn Kitô hữu có cùng một đức tin và Phép Rửa trong cùng một Giáo hội, các Kitô hữu bình đẳng và hiệp thông với nhau qua các nghi thức phụng vụ. Trong việc cử hành phụng vụ đó, mỗi người cùng được tham gia vào các phận sự khác nhau phù hợp với ơn gọi riêng của mình mà không bị ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế, trình độ văn hóa, địa vị xã hội.

Sự hiệp thông còn được thể hiện qua các việc như bác ái, tương trợ giúp đỡ nhau, chăm sóc, yêu thương những người nghèo, tàn tật. Tuy mỗi người có khác nhau về chức vụ, văn hóa, màu da, ngôn ngữ, nhưng Kitô hữu đều có chung một phầm giá là “con cái Thiên Chúa” là “dân tư tế” là “đền thờ Chúa Thánh Thần”..., họ đều được mời gọi nên thánh và có chung sứ mạng làm sáng danh Thiên Chúa, góp phần mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Việc chia sẻ cùng một phẩm giá và một sứ mạng cũng chính là một yếu tố để làm nên sự hiệp thông trong cộng đoàn Kitô hữu cho dù họ đang ở bất kỳ một hoàn cảnh nào.


+ Hiệp thông trên tinh thần đối thoại liên tôn

Giáo hội Công giáo không bao giờ phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác. Đồng thời Giáo hội cũng luôn chân thành tôn trọng những cung cách hành động và lối sống, cũng như những huấn giới và giáo thuyết của các tôn giáo. Mặc dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo hội, nhưng nơi các tôn giáo đó vẫn thường mang theo một tia sáng nào đó của Chân Lý đang chiếu soi tất cả mọi người . 

Thật vậy, sự hiệp thông không chỉ dừng lại và bó hẹp trong phạm vị của một tôn giáo, nhưng nó còn là mối dây liên kết mọi tôn giáo lại với nhau hầu hướng đến lợi ích chung cho con người. Vậy nên Giáo hội Công giáo luôn khuyến khích các tín hữu biết nhìn nhận, giữ gìn và làm tăng triển những giá trị tâm linh, luân lý cũng như các giá trị xã hội - văn hóa nơi các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, qua việc đối thoại và hợp tác với thái độ thận trọng và bác ái. Việc đối thoại đó được thể hiện qua việc tiếp cận, nói chuyện, lắng nghe, quan tâm đến nhau để hiểu biết nhau và tìm ra những điểm tương đồng. Tất cả những điểm trên đó chính là dấu hiệu và cách thức của sự hiệp thông.

+ Hiệp thông với các dân tộc và thế giới

Vượt ra khỏi phạm vi của các tôn giáo, chúng ta cùng hướng đến một khung cảnh rộng lớn hơn, đó chính là sự hiệp thông với mọi dân tộc và toàn thể thế giới. Trong thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả là anh em), Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “Cuộc sống là nghệ thuật của việc gặp gỡ giữa mọi người với nhau, ngay cả khi có rất nhiều bất đồng trong cuộc sống” . Trong cuộc sống, chúng ta không sống một mình, nhưng còn có rất nhiều mối tương quan khác. Đặc biệt trong thời buổi công nghệ kỹ thuật truyền thông phát triển, con người được xích lại gần nhau hơn. Do vậy các nền văn hóa không còn bị gò bó trên một phạm vi hay một chủng tộc, nhưng nó được phổ biến rộng rãi qua các phương tiện truyền thông, hầu giúp mọi người có thể hiểu hơn về các sự khác biệt và các nét đặc thù văn hóa của các vùng miền. 

Việc hội nhập văn hóa chính là cách để cho sự hiệp thông được mở rộng. Trong thông điệp Slanvorum Apostoli, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngần ngại cho rằng: “Hội nhập văn hóa là sự nhập thể của Phúc Âm vào các văn hóa bản xứ, và cùng một lúc, đem các văn hóa ấy vào sinh hoạt của Giáo hội” . Thật vậy, việc hội nhập văn hóa không chỉ dừng lại ở việc thấm nhuần đời sống Kitô giáo vào các nền văn hóa địa phương, nhưng còn là việc Giáo hội thích nghi với các phong tục, màu sắc bản địa để đem lại nhưng phong phú mới, những hình thức, sinh hoạt độc đáo..., tất nhiên, sự mới mẻ này không đi ngược với đức tin của Giáo hội.

Tóm lại, thế giới hiện có khoảng hơn 2000 dân tộc khác nhau, với số lượng lớn như vậy, các dân tộc tạo nên một bức tranh phong phú về các nền văn hóa. Đứng trước thực tại đó, Giáo hội luôn ý thức về trách nhiệm và sứ mạng của mình là tìm cách nối kết mọi người hiệp thông lại với nhau. Sự hiệp thông đó không chỉ dừng lại trong phạm vi của một tôn giáo, nhưng là sự hiệp thông giữa con người với con người, giữa các dân tộc với các dân tộc, để rồi hướng tới một sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Đức tin ấy được quy hướng về Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến thế gian và hiến mạng sống mình, để cho con người được hiệp thông vào đời sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Người là trung gian, là cầu nối giữa Thiên Chúa và con người, là sợi dây nối kết mọi quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ... lại thành một mối. 

Để khép lại bài viết này, tôi xin được trích dẫn lời khẳng định của Thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại: “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3, 26-28).

 

GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN ÐỨC CƯỜNG - GP THANH HÓA

cgvdt.vn  

__________________________________________________________________

1 Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh, “Giáo Hội Hiệp Thông Và Tăng Trưởng”

2 Cẩm nang hiệp hành của Thương Hội Đồng Giám Mục Thế Giới.

3 Từ Điển Công Giáo, NXB Tôn Giáo, 2016, tr 392

4 Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Lumen Gentium, 1964, số 4

5 Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 27

6 Công Đồng Vaticano II, sđd, số 4

7 Công Đồng Vaticano II, Tuyên Ngôn Về Mối Liên Hệ Của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Ki-Tô Giáo, 1965, tr 747, số 2

8 Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông Điệp Fratelli Tutti (Tất Cả Anh Em), Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist. số 215

9 Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II, Thông Điệp Slavorum Apostoli, 1989, số 21

 

You are here: Trang chủ >> Tin tức >> Tin Giáo Hội Việt Nam