Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Chữ Quốc ngữ trong hành trình 400 năm truyền giáo tại Việt Nam
Ngày đăng: 07/11/2019

Chữ Quốc ngữ trong hành trình

400 năm truyền giáo tại Việt Nam 

 

Bốn đề tài của chủ đề “400 năm hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam” đã được trình bày trong cuộc hội thảo do Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội Ðồng Giám mục Việt Nam tổ chức từ ngày 25 - 26.10.2019 tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, thu hút gần 200 tham dự viên đến từ nhiều nơi.

 

Hiện diện trong hội thảo có Ðức Tổng Giám mục TGP Huế Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch HÐGMVN; Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân - Giám mục giáo phận Ðà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa; ÐGM giáo phận Mỹ Tho Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Tổng thư ký HÐGMVN; ÐGM giáo phận Vinh Anphong Nguyễn Hữu Long; ÐGM giáo phận Bà Rịa Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn; ÐGM giáo phận Ðà Lạt Ðaminh Nguyễn Văn Mạnh. Hội thảo cũng có sự góp mặt của các nhà chuyên môn về ngôn ngữ như PGS.TS Ðặng Ngọc Lệ - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TPHCM; TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh - Trưởng bộ môn Ngôn ngữ học Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM; Giáo sư Ðỗ Trinh Huệ, nguyên Trưởng khoa Pháp văn Ðại học Sư Phạm Huế...

Cha Tổng thư ký Ủy ban Văn hóa (bên trái) giới thiệu linh mục Phanxicô Xavie Đào Trung Hiệu với cử tọa - ảnh: LG

TRÂN TRỌNG SỰ ÐÓNG GÓP CỦA TIỀN NHÂN

Phát biểu khai mạc, Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân ước mong “cuộc hội thảo mang lại kết quả tốt đẹp, ít ra cũng như lời chân thành tri ân các vị thừa sai, những bậc tiền nhân khả kính của dân tộc Việt Nam đã toàn tâm toàn ý dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng cho dân Việt; đồng thời cũng trân trọng ghi nhận sự đóng góp của quý vị tiền nhân đáng kính đã dày công chung sức nghiên cứu, hình thành phát triển và phổ biến chữ Quốc ngữ trong giai đoạn khởi đầu và tiếp tục cho đến ngày nay”.

Ảnh hưởng của văn chương Công giáo trên việc truyền bá đức tin tại Việt Nam thế kỷ 17 - 19” là đề tài được trình bày bởi PGS-TS Antôn Phaolô Trần Quốc Anh, linh mục dòng Tên (giảng dạy khoa Thần học Hệ thống và Lịch sử tại Ðại học dòng Tên Santa Clara cùng Liên minh Thần học Cấp cao - Hoa Kỳ). Trong đó, cha Antôn Phaolô nhìn lại một thời tại Việt Nam với các cuộc bắt đạo từ thế kỷ 17 đến 19 và số lượng lớn các vị tử đạo Công giáo, để thấy “giáo lý Công giáo và văn chương đạo đức đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thái độ không thể lay chuyển của những người tín hữu”. Diễn giả đã nhắc đến một vài tác phẩm tiêu biểu để minh họa sự tiếp nhận Kitô giáo, một tôn giáo mới từ phương Tây, vào một xã hội Ðông Á truyền thống, nơi đã sở hữu nền triết học và tôn giáo phong phú, đó là Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo, gọi chung là Tam giáo. Ngài điểm lại các tác phẩm quan trọng cũng như sách giáo lý của Alexand De Rhodes, trong đó có cuốn “Tự điển Annam - Bồ - La tinh”, “Nhận xét vắn tắt về ngôn ngữ Annam hoặc Ðàng Ngoài”, “Phép giảng tám ngày”, “Lịch sử Vương quốc Ðàng ngoài”... Vị linh mục diễn giả cũng cho thấy “Sách giáo lý của Rhodes là một công trình quan trọng, không chỉ về mặt huấn giáo mà còn lý thú về mặt văn chương”. Ngài cũng đề cập đến một đóng góp quan trọng của cha Ðắc Lộ để hình thành một bản sắc Công giáo là thuyết Tam Phụ, một nỗ lực bản địa hóa “Ðiều răn thứ nhất” của Công giáo theo chuẩn mực đạo đức Nho giáo về lòng trung hiếu. Bên cạnh đó là các sách giáo lý và các tác phẩm văn chương sùng đạo của một tu sĩ dòng Tên khác là Girolamo Majorica (1591-1656); các tác phẩm Hộ giáo của thế kỷ 18 - 19... Ở phần kết luận, cha Antôn Phaolô Trần Quốc Anh đã làm nổi bật lên sự đóng góp mới mẻ của Công giáo ở Việt Nam trong các văn bản đầu thế kỷ 17, bao gồm một cách hành văn mới (văn xuôi và phong cách đàm thoại), một văn tự mới (quốc âm Latinh). Giáo lý và những bài nguyện ngắm, suy niệm cũng là một thể loại văn học mới, không chỉ giới thiệu đức tin và thực hành Công giáo mà còn thúc đẩy một thế giới quan khác. Thông qua các sách đạo đức, đặc biệt là Truyện Chúa Giêsu, Ðức Mẹ Maria và các vị thánh, các giáo hữu Việt Nam đã được giới thiệu các ý tưởng và khái niệm sống của các thánh nhân ở các thời điểm và nơi chốn khác nhau, kết nối họ với một mạng lưới tôn giáo toàn cầu vượt thời gian và không gian.

Tặng hoa cho 2 diễn giả - linh mục Antôn Phaolô Trần Quốc Anh và TS. Phạm Thị Kiều Ly sau bài thuyết trình - ảnh: LG

TRONG DÒNG CHẢY VĂN HỌC CÔNG GIÁO...

Linh mục tiến sĩ Ðaminh Nguyễn Ðức Thông - dòng Chúa Cứu Thế đã triển khai đề tài “Văn học Công giáo từ 1620 đến nay”. Ngài khái quát lại quá trình sáng tạo chữ Quốc ngữ từ thời kỳ đầu cho đến giai đoạn hình thành và hoàn chỉnh, từ đó nêu lên những đóng góp của người Kitô hữu cho nền văn học Công giáo từ 1862 đến nay. Bài thuyết trình của cha Ðaminh đã cho các hội thảo viên một cái nhìn tổng quan về nền văn học Công giáo Việt Nam; chữ Quốc ngữ trong văn học Công giáo từ 1820 - 2019. Cũng qua đây, người nghe được cùng với diễn giả điểm lại các tác phẩm văn chương Kitô giáo, các tác giả Công giáo, báo chí Công giáo qua dòng thời gian, để có thể thấy “suốt 400 năm qua, ở đâu có người Công giáo, ở đó có văn học Công giáo, sử dụng chữ Quốc ngữ để loan báo Tin Mừng, đối thoại với các tôn giáo khác...”.

Một đề tài nữa mà người nghe cũng được ngược dòng lịch sử để nhớ về các vị tiền nhân tiêu biểu của văn học Quốc ngữ, đó là “Thánh Philipphê Phan Văn Minh, cánh én báo mùa xuân văn học chữ Quốc ngữ thế kỷ 19”, do linh mục Phanxicô Xavie Ðào Trung Hiệu, dòng Ða Minh trình bày. Diễn giả đã xác định thánh Phan Văn Minh là nhân vật tiêu biểu đầu thế kỷ 19, đã cộng tác trong từ điển Taberd (1838), tổ chức thi đàn Phi Năng Thi Tập (1842) và sử dụng thơ ca để phổ biến Tin Mừng Nước Trời. Cha Phanxicô Xavie vừa diễn giải, vừa minh họa bằng những đoạn thơ, xướng, họa của tác giả Philipphê Phan Văn Minh. Khi nói về thánh nhân như một nhà thơ, cha nhấn mạnh, Việt Nam trong quá khứ đã có nhiều thi đàn, song riêng thi đàn do thánh Phan Văn Minh khởi xướng đã đánh dấu sự khởi sắc của chữ Quốc ngữ.

Một diễn giả ngoài Công giáo, tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly (Tiến sĩ ngành Khoa học Ngôn ngữ tại Ðại học Sorbonne Nouvelle) thuyết trình đề tài Nhà biên soạn thực sự của Manuductio ad Linguam Tunkinensem” (Văn phạm Việt ngữ thế kỷ 17 đến 18). Nữ tiến sĩ phân tích hai bản văn tiếng Việt đầu tiên viết bằng La ngữ là Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio (1651) của cha Alexandre De Rhodes và Manuductio ad Linguam Tunkinensem, bản thảo khuyết danh thế kỷ 17 hay 18, để đưa ra giả thuyết ai là tác giả thực sự đã soạn thảo Manuductio. Theo diễn giả, hai bản văn trên cùng được xem là khai mở cho việc ghi tiếng Việt theo con chữ Latinh và mô tả ngữ pháp tiếng Việt. Khi nghiên cứu về vai trò của dòng Tên tỉnh dòng Bồ Ðào Nha trong tiến trình ghi tiếng Việt bằng con chữ Latinh, linh mục Roland Jacques (2002) kết luận tác giả Manuductio là linh mục Honufer Burgin (một thành viên dòng Tên tỉnh dòng Thụy Sĩ biết nói tiếng Ðức), và cha Rhodes cùng cha Burgin soạn thảo biệt lập dù dùng cùng bản quy chiếu: văn phạm của cha Francisco de Pina. Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly đã tái thẩm định các kết luận này qua việc tìm tòi, khảo cứu để đặt giả thiết nhiều khả năng Manuductio được soạn vào những năm 1714 - 1721, ngược với những gì cha Jacques và các nhà nghiên cứu khác đã khẳng định. Và do đó, theo bà, tác giả Manuductio chính là cha Philippus Sibin, nhà truyền giáo dòng Tên người Ðức đã ở Ðàng Ngoài từ năm 1714.

Hội thảo khép lại vào trưa 26.10. Sau những chia sẻ đúc kết của Ðức cha Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, các tham dự viên được tặng sách và thư giãn với các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc. Nhân đây, Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân cũng giới thiệu thêm về văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên đã được trình bày, thảo luận tại Ðại hội HÐGMVN lần thứ 14 vừa qua và được Ðức cha Chủ tịch HÐGMVN công bố cho phép áp dụng thử nghiệm trong thời gian 3 năm, từ ngày 4.10.2019.

 

cgvdt.vn  -  LIÊN GIANG

 

You are here: Trang chủ >> Tin tức >> Tin Giáo Hội Việt Nam