Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Những vị chứng nhân đức tin liên quan đến năm Hợi
Ngày đăng: 09/02/2019

Những vị chứng nhân đức tin liên quan đến năm Hợi

 

Năm Thánh mừng kỷ niệm 30 năm tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam đã bế mạc vào ngày 24.11.2018, nhưng tinh thần của các bậc tiền nhân vẫn luôn là lời mời gọi mọi tín hữu sống đức tin trong thời đại hiện nay, qua những phương cách như làm việc lành phúc đức, chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, sống tinh thần hy sinh trong môi trường hiện nay... Những phương cách ấy đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam gợi mở trong tập sách “Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam” ra mắt vào dịp kỷ niệm 30 tuyên phong thánh 117 vị tử đạo. Đầu Xuân Kỷ Hợi, tưởng nhớ đến những vị Thánh Tử Đạo Việt Nam có sinh nhật trần thế và sinh nhật Nước Trời trong năm Hợi có lẽ cũng là một trong những cách tăng thêm chất liệu sống đạo và bồi đắp đức tin một cách thú vị.

 

BỐN VỊ THÁNH CHÀO ĐỜI VÀO NĂM HỢI

Sinh năm 1803 - Quý Hợi

Thánh Phanxicô Nguyễn Cần, thầy giảng, sinh năm 1803 tại làng Sơn Miêng, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là giáo xứ Sơn Miêng, giáo hạt Thanh Oai, giáo phận Hà Nội). Tuổi thanh niên, ngài vào chủng viện và trở thành Thầy giảng, được cử đi giúp các Giám mục và linh mục Tây Đàng Ngoài. Ngày 20.4.1836, ngài bị bắt và giải lên huyện Thanh Oai. Ở đây, thầy bị tra tấn ba lần, cứ ba ngày một lần. Dưới triều vua Minh Mạng, ngày 20.11.1837, ngài bị hành quyết vì đã khẳng khái nói: “Trung thần vô tư nhị tâm - người tôi trung không hai lòng”. Hiện nay, hài cốt của thánh nhân được lưu giữ ở nhà thờ Sơn Miêng, thuộc xã Hòa Sơn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

Sinh năm 1815 - Ất Hợi

Thánh Philipphê Phan Văn Minh, linh mục, sinh năm 1815 tại Cái Mơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Năm 13 tuổi, ngài được Đức cha Taberd Từ cho gia nhập Chủng viện Lái Thiêu. Cuối năm 1846, ngài chịu chức linh mục, được sai đi chăm sóc các tín hữu từ họ đạo Mặc Bắc đến tận Nam Vang (Campuchia). Ngày 3.7.1853, cha chịu xử trảm tại pháp trường dưới triều vua Tự Đức, ngài cầu nguyện: “Lạy Đức Giêsu, xin cho con sức mạnh và can đảm chịu khổ hình để vinh danh Ngài. Lạy Mẹ Maria xin nâng đỡ con”. Thi hài của cha được an táng trong nhà thờ Cái Mơn. Ngày 9.12.1960, di cốt được dời về nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trong dịp lễ cung hiến.

Sinh năm 1827 - Ðinh Hợi

- Thánh Berrio Ochoa Vinh, linh mục, sinh ngày 14.2.1827 tại làng Elorrico, giáo phận Vich, Tây Ban Nha, trong một gia đình nghèo, đạo đức. Cha đến Việt Nam ngày 30.3.1858, giữa cơn bách hại căng thẳng, ngài đã nói: “Tôi đi để quê hương tôi có người làm thánh”. Ngày 26.6.1858, ngài được tấn phong Giám mục tại nhà ông trùm Chi ở Ninh Cường. Ngài có biệt danh là Giám Mục Gậy Tre - Mũ Giấy và tự nhận là một Giám mục sinh non, vì làm giám mục khi hiện diện chưa đầy 3 tháng trên đất Việt, và mới 31 tuổi đời đã phải chăm sóc cho một đoàn chiên 150.000 giáo dân. Ngày 25.10.1861, ngài bị bắt, bị đóng cũi và giải về Hải Dương. Ngày 1.11.1861, tại pháp trường Năm Mẫu, ngài lãnh án xử trảm dưới triều vua Tự Đức.

- Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh sinh năm 1827 tại làng Tân Triều, Biên Hòa. Ngày 6.1.1833, vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo, gia đình anh Hạnh chạy về xứ Chợ Quán lánh nạn. Trong cảnh loạn lạc, với tính khí hiên ngang, quả cảm, anh trở thành tay ngang tàng trong giới giang hồ. Tuy nhiên, Tin Mừng mà anh đã tiếp nhận thời thơ ấu vẫn không ngừng nảy nở trong tâm hồn. Khi bị bắt, bị tra khảo và bị ghép tội theo giặc Tây, thánh nhân cương quyết không nhận việc theo giặc, chỉ một mực xưng mình là người Công giáo: “Tôi là Kitô hữu. Tôi không bao giờ chối đạo”. Ngày 28.5.1859, chứng nhân đức tin Trần Văn Hạnh bị trảm quyết tại Chí Hòa, thời vua Tự Đức, khi mới 32 tuổi.

 

14 VỊ MINH CHỨNG ĐỨC TIN VÀO NĂM HỢI

Tử đạo năm 1839 - Kỷ Hợi

- Thánh Đaminh Vũ Đình Tước, linh mục, sinh năm 1775 tại làng Trung Lao, tỉnh Nam Định. Thời kỳ cấm đạo ngặt nghèo, cha thường ẩn trốn khi nhà ông Đoài, lúc nhà ông Thịnh. Ngày 02.4.1839, khi cha Tước đang dâng lễ thì bị bắt, ngài nói:  “Người ta phải chạy trốn hết sức có thể, nhưng khi không được nữa thì phải vâng theo ý Chúa”. Trong giờ phút hỗn loạn, cha bị một người chém mạnh vào đầu. Vết thương trầm trọng khiến cha ngã gục và qua đời.

- Thánh Augustinô Phan Viết Huy, binh lính, sinh năm 1795, đã từng chối đạo, rồi đã anh dũng chết vì đạo khi ngài cảm thấy “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con”. Thánh Huy là người làng Hạ Linh. Dù sống đời binh nghiệp, Augustinô Huy vẫn lo chu toàn bổn phận người chồng, người cha gương mẫu, nuôi dưỡng giáo dục con cái trong đức tin và lòng kính sợ Chúa. Mùa hè năm 1839, dưới thời vua Minh Mạng, ngài bị chặt ngang lưng rồi bỏ xác xuống cửa biển Thuận An ngày 12.6.1839.

- Thánh Nicôla Bùi Đức Thể, binh lính, đã quyết giữ đạo: “Nay chúng thần xin tiếp tục giữ đạo để tròn đạo hiếu với cha ông chúng thần”. Thánh Thể sinh năm 1792 tại làng Kiên Trung, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 47 tuổi, ông gia nhập binh đội, nhưng chỉ được một tháng thì bị bắt vì xưng mình là người Công giáo. Ngày 12.6.1839, ngài cùng với thánh Augustinô Phan Viết Huy bị chặt ngang lưng rồi bỏ xác xuống cửa biển Thuận An, Huế.

- Thánh Đaminh Đinh Văn Đạt, binh lính, sinh năm 1803 tại làng Phú Nhai, tỉnh Nam Định. Ngài là một người lính có đời sống gia đình êm ấm. Thánh Đạt bị kết án xử giảo ngày 18.7.1839. Trên đường ra pháp trường ở Nam Định, khi gặp lại vợ và con thân yêu, ngài dặn dò: “Tôi phó dâng bà và các con cho Chúa, Chúa sẽ lo liệu cho bà và các con”.

- Thánh Tôma Đinh Viết Dụ, linh mục, sinh vào khoảng năm 1783 tại Nam Định. Cha Dụ gương mẫu trong đời sống cầu nguyện, hăng say hoạt động tông đồ, phục vụ các tín hữu. Ngày 20.5.1839, khi bị bắt, ngài đã nói: “Tôi là đạo trưởng, có nghĩa vụ chăm sóc các tín hữu tại đây”. Thánh nhân chịu xử trảm ngày 26.11.1839 tại pháp trường Bảy Mẫu, dưới thời vua Minh Mạng. Thi hài vị chứng nhân đức tin được tôn kính tại Đền Thánh Phú Nhai.

- Thánh Đaminh Nguyễn Văn Xuyên, linh mục dòng Đaminh, còn có tên là Doãn, sinh năm 1786 tại làng Hưng Lập, Nam Ðịnh (nay là họ Tân Mỹ, Nguyệt Lãng, Thái Bình). Trong cuộc tra khảo bằng cực hình, ngài đã dũng cảm tuyên xưng: “Dù sống dù chết, tôi cũng không bỏ đạo. Tôi chọn cái chết để sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu mà muôn đời bị tiêu diệt”. Ngày 26.11.1839, cha Nguyễn Văn Xuyên bị dẫn đi xử tại pháp trường Bảy Mẫu cùng với cha Tôma Đinh Viết Dụ.

- Tất cả 5 vị thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ - thợ may (1811-1839), Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mận (Mậu) - thầy giảng (1790-1839), Augustinô Nguyễn Văn Mới - giáo dân (1806-1839), Đaminh Bùi Văn Úy - thầy giảng (1812-1839), Stêphanô Nguyễn Văn Vinh - tá điền  (1813-1839) cùng lãnh nhận cái chết vì đức tin vào ngày 19.12.1839, dưới thời vua Minh Mạng, tại pháp trường Cổ Mê. Các vị là những người con của giáo phận Thái Bình hiện nay. Giáo xứ Bồ Ngọc, giáo phận Thái Bình, là quê hương của ba vị Tôma Nguyễn Văn Đệ, Augustinô Nguyễn Văn Mới, Stêphanô Nguyễn Văn Vinh. Trước cái chết, các vị đã để lại những lời nói dõng dạc, tràn đầy niềm tin. “Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu đạp lên Thánh giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật”, thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh đã nói như vậy khi bị bắt, dù lúc đó ngài chưa lãnh nhận phép Rửa. Hoặc thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ, một giáo dân nhiệt thành hoạt động tông đồ trong giáo xứ, trong thời gian bị giam cầm đã nhắn nhủ vợ: “Anh đã dâng em và các con cho Ngài. Nhớ cầu xin Chúa cho anh được thêm sức mạnh để nhẫn nại đến cùng”.

- Thánh Phêrô Trương (Phạm) Văn Thi, linh mục, sinh năm 1763 tại xứ Kẻ Sở (nay là giáo xứ Sở Kiện). Ngày 22.3.1806, ngài chịu chức linh mục và đi coi xứ Sông Chảy, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ (nay thuộc giáo phận Hưng Hóa). Vì có lệnh cấm đạo của vua Minh Mạng, giáo dân không dám mời cha đi giúp các bệnh nhân, khi nghe tin, cha rất buồn và nhắc nhở các tín hữu: “Dù thế nào mặc lòng, khi có người đau ốm nặng nguy tử, các con cũng phải đón cha đi xức dầu, kẻo thiệt gây thiệt hại linh hồn người bệnh”. Cha bị xử trảm ở cửa ô Cầu Giấy ngày 21.12.1839.

- Thánh Anrê Trần An Dũng (Lạc), linh mục, sinh năm 1795 ở tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình chưa biết đạo Chúa. Tên ngài là Trần An Dũng nhưng sau đổi tên là Lạc nên gọi là Anrê Trần An Dũng Lạc. Ngài từng bị bắt và được giáo hữu lo tiền để khỏi ở tù, nhưng đến lần cuối cùng, ngài đã nói: “Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba, thì quyết vâng ý Đức Chúa Trời định cho tôi làm vậy, đừng chuộc tôi làm gì”. Ngài chịu tử đạo ở cửa ô Cầu Giấy Hà Nội ngày 31.12.1839. Hiện nay, hài cốt của ngài được lưu giữ tại nhà thờ Chánh tòa Hà Nội.

 

Tử đạo năm 1851 - Tân Hợi

Thánh Augustin Schoeffler - Đông, linh mục Hội Thừa Sai Paris. Ngài sinh ngày 21.11.1822 tại giáo phận Nancy-Metz, nước Pháp. Tháng 11.1847, tân linh mục Augustin từ giã Paris, nhận bài sai mục vụ tại xứ Đoài thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài. Tháng 3.1851, cha Đông đi giảng tĩnh tâm Mùa Chay ở xứ Bầu Nọ (nay là xứ Nỗ Lực, giáo phận Hưng Hóa) thì bị bắt cùng với 4 người. Trên đường bị áp giải, cha Đông tìm kế cho ba bạn tù trốn thoát, nên ngài đã bị tra khảo, nhưng nhất quyết không khai và căn dặn giáo dân: “Hãy về nói với anh chị em, đừng lo sợ gì hết, dù thế nào tôi cũng không khai một ai cả”. Ngày 1.5.1851, cha bị chém đầu tại pháp trường Năm Mẫu. Đầu ngài bị thả trôi sông, mất tích. Thi thể được an táng tại chỗ, sau được cải táng về họ Bách Lộc (nay là giáo xứ Bách Lộc, giáo phận Hưng Hóa).

 

* cgvdt.vn  -  QUỐC CHUNG

 

You are here: Trang chủ >> Tin tức >> Tin Giáo Hội Việt Nam