Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Khiêm nhượng trong lòng
Ngày đăng: 28/08/2022

Khiêm nhượng trong lòng 

 

Có một câu chuyện xưa kể rằng:

            Có một ông vua bị loạn thần chiếm ngai vàng, ông phải rời kinh đô chạy trốn, sống đời cơ cực. Nguy hiểm hơn, ông không ngừng bị quan quân phản loạn ngày đêm truy nã để tiêu diệt ông cho bằng được.

            Nhà vua bị thương, chạy vào rừng. Trong những tháng ngày nguy biến, ông tá túc trong căn nhà nghèo nàn của bác tiều phu đang sống trong rừng.

            Bác tiều phu ngày đêm chăm sóc nhà vua hết sức chu đáo. Nhường nơi ngủ tốt nhất, miếng ăn ngon nhất cho nhà vua. Nhà vua dần dần bình phục.

            Những quan lính trung thành với nhà vua một ngày kia đã trở về kinh đô dẹp được quân phản loạn, họ tìm nhà vua rước về cung điện.

            Nhà vua mở tiệc ăn mừng. Khi bắt đầu tiệc, nhà vua phán: “hôm nay trẫm muốn dành danh dự đặc biệt cho một người ngồi cạnh trẫm. Đó là một người có công lớn nhất để chúng ta có được ngày vui hôm nay”.

            Nhà vua ra lệnh cho mọi người xích dài xuống chỗ dưới, chừa một chỗ trống bên cạnh vua.

            Nhiều vị quan thầm nghĩ: “còn ai khác ngoài mình”. Các vị tai to mặt lớn sửa lại áo mão cân đai thật tề chỉnh. Ai nấy ngẩng mặt cao lên tươi tỉnh. Đầy tự tin và tự tôn, chuẩn bị sẵn sàng bước lên chiếc ghế danh dự giữa sự kính phục của bao người.

            Sau đó, nhà vua tuyên bố: “trẫm truyền bác tiều phu đến bên trẫm”. Ngay lập tức một người đang ngồi ở góc cuối cùng trong phòng tiệc được mời đứng lên. Trong bộ đồ dân dã, ông rụt rè tiến lên và bẽn lẽn đứng bên vua không dám nhìn lên. Nhà vua phán: “Đây là ân nhân cứu mạng trẫm. Nếu không có người này, các khanh chỉ có thể tìm thấy trẫm ở bãi tha ma. Sinh ra trẫm là cha mẹ, cứu sống trẫm là bác tiều phu này. Các khanh bảo vệ cho trẫm ngai vàng, người này bảo vệ cho trẫm sự sống. Không có sự sống thì ngai vàng không có nghĩa lý gì. Người này xứng đáng hưởng vinh quang nhất trong yến tiệc hôm nay”. 

            Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều đứng lên trang trọng chào vị khách quí nhất mà không ai có thể ngờ đến: Bác tiều phu – một con người nghèo hèn vô danh tiểu tốt!

GƯƠNG KHIÊM NHƯỜNG

            Đối với người đời, khi học về đạo đức, người ta tìm đọc “Gương Thánh Nhân”. Đối với Ki-tô hữu, tốt nhất, chúng ta học chính nơi “Gương Chúa Giê-su”. Về sự Khiêm Nhường, Chúa Giê-su đã dạy: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. (Mt.11,29).

KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ BIẾT TỰ HẠ.

            Khiêm nhường, trước tiên là tự hạ. Một người cứ ở trên cao, hay tự cho mình là cao, không thể nào biết tự hạ mình xuống.

            Nguyên tổ loài người, A-dam và E-va, không bằng lòng với những gì Thiên Chúa đã ban. Còn có một điều gì Thiên Chúa dấu mình, chỉ còn điều đó nữa thôi, là bằng Thiên Chúa. A-dam và E-va chối từ vị trí của mình. Vị trí ấy thiếu “hiểu biết như Thiên Chúa”, thấp hơn Thiên Chúa, lệ thuộc vào Thiên Chúa, đó là suy nghĩ dẫn đến sự sa ngã của hai ông bà. “Rắn nói với người đàn bà: ‘chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác’. Người đàn bà thấy trái cây đó: ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng ở đó với mình, ông cũng ăn” (St.3,4-6).

            Thiên Chúa là Đấng Tối Cao. Đức Giê-su là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự hạ mình xuống làm thân phận con người. Hoàn toàn giống con người, ngoại trừ tội lỗi. Sự tự hạ đó là thật. Có một Giê-su lịch sử thật. Sự tự hạ là để trở nên nhỏ bé nhất, thấp hèn nhất, và nhục nhã nhất. “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập Tự” (Pl.2,6-8)

KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ CÓ THỂ ĐỒNG HÀNH

            Một kẻ ở dưới đất, một người ở trên trời, thì không thể đồng hành được. Thiên Chúa quá cao cả, con người quá thấp hèn, thì không thể đồng hành được. Thiên Chúa muốn đồng hành với con người nên tự nguyện xuống thế làm người.

            Trong tình yêu, trong mọi thứ tình, không thể không có sự đồng hành. Cha mẹ và con cái cùng đồng hành. Vợ chồng cùng đồng hành. Anh em, bạn bè, đồng nghiệp… cùng đồng hành.

            Tự ái nhiều khi đến từ tự cao. Tự ti nhiều khi đến từ tham vọng tìm ẩn. Những lúc mang tâm trạng như thế người ta hết còn tự nhiên khi đến với nhau. Con đẻ của kiêu căng có nhiều hình tượng làm ta mất đi sự hồn nhiên trong sáng trong lòng, nên con người dần dần hoài nghi nhau. Khi lòng không thật làm sao bước đồng hành với nhau được!

            Đức Giê-su Ki-tô – Thiên Chúa làm người –  đã đồng hành với con người trên mọi nẻo đường. Cả những nẻo đường đầy nước mắt, khổ đau, và sự chết.

KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ YÊU THƯƠNG

            Đồng hành là loại trừ sự lẻ loi, cô độc, sợ hãi. Đồng hành là cảm thông, chia sẻ, ủi an, bảo vệ, và tăng thêm sức mạnh.

            Những bước đồng hành là những bước gần gũi, yêu thương.

            Thiên Chúa đồng hành với dân Do Thái trong cuộc hành trình băng qua sa mạc về đến miền Đất Hứa. (Xh.15,22-36;17,1-27)

            Thiên sứ Ra-pha-en đồng hành với Tô-bi-a trên đường về quê cũ (Tb.5)

            Chúa Giê-su đồng hành với các môn đệ trên đường Em-mau (Lc.24,13-35)…

            Thiên Chúa đồng hành, vì Người luôn yêu thương, quan tâm chăm sóc, để chuyến đi đời người về đến bến bờ hạnh phúc bình an.

            Có một nhà văn tôi quên mất tên, tâm sự chuyện đời thường của ông. Đại ý như thế này: Một hôm, nhà của ông có tổ chức một bữa tiệc, vợ ông qua nhà bà hàng xóm mượn cái chày đâm tiêu. Ông rày vợ: “Trong nhà mình có đủ thứ tiện nghi, lẽ nào em không mua nổi cái chày đâm tiêu mà phải đi mượn của người ta như thế?” Vợ ông đáp: “Mình cũng có thể mua được chứ anh, nhưng em không mua để  cảm thấy mình vẫn thiếu thốn, có lý do qua mượn, vì muốn có qua có lại với chòm xóm, để biết ai có thiếu gì, nếu có thể  thì mình giúp đỡ. Quanh năm suốt tháng mình không có việc gì đến với người ai, thì đâu ai dám đến với mình!”. Ông kết luận: “Tôi rất quý bài học của vợ tôi”.

KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ PHỤC VỤ

            Phục vụ không thể là ngồi trên cao phán xuống. Phân phát như kẻ có quyền lực bố thí của thừa. Người đời nay thường bảo “cán bộ là đầy tớ phục vụ nhân dân dân”. Câu nói thì thuộc hàng phổ biến, còn thực hành thì thuộc hàng cực hiếm!

            Phục vụ là hoa trái của khiêm nhường. Không khiêm nhường thì không thể hạ mình xuống được. Kẻ quyền cao chức trọng mà kiêu căng, thì không thể nào cúi xuống để phục vụ được. Chúa Giê-su dạy: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy. Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm đầy tớ anh em.” (Mt.20,27).

Chúa Giê-su không chỉ dạy bằng lời, nhưng bằng chính việc làm cụ thể: Trong Bữa Tiệc Ly, Người rửa chân cho các môn đệ. “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm không? Anh em gọi ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm như anh em”. (Ga.13,12-14).

            Và, hơn tất cả, là cái chết của Người trên Thập Giá để cứu độ chúng sinh. “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt.20,28).

KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ NHẬN RA THIÊN CHÚA

          Cao điểm của sự kiêu căng là từ bỏ Thiên Chúa. Mục đích từ bỏ Thiên Chúa là để được sống theo ý riêng mình. Sống theo ý riêng mình là chạy theo tiếng nói của con tim hẹp hòi cùng với dục vọng bản năng thấp hèn của con người.

            Có một giai thoại về Louis Pasteur:

            Trên một chuyến xe lửa về Paris, một sinh viên ngồi cạnh một cụ già. Chỉ vài phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ già rút trong túi ra một cỗ tràng hạt và từ từ chìm đắm trong lời cầu kinh.

            Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già, vẻ bực bội hiện rõ trên gương mặt anh. Một lúc sau xem chừng không còn đủ kiên nhẫn, anh lên tiếng tấn công cụ già: “Thưa ông, ông vẫn tin vào những chuyện nhảm nhí ấy à?”. Cụ già thản nhiên trả lời: “ Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?”. Người thanh niên cười ngạo mạn và quả quyết: “Lúc còn nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào chuyện ấy được? Khoa học đã thật sự mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi. Hãy quăng cái tràng chuỗi này và học hỏi những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng, những gì ông tin từ trước tới nay đều là chuyện mê tín dị đoan”. Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên: “Cậu vừa nói về khám phá mới của khoa học, cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều này không?”. Người sinh viên hăng hái đề nghị: “Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi cho ông một quyển sách. Ông sẽ say mê đi vào thế giới của khoa học”. Cụ già từ từ lấy trong túi áo ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Liếc qua tấm danh thiếp, người sinh viên xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ bỏ sang toa khác, bởi vì trên tấm danh thiếp có ghi: “Louis Pasteur – viện nghiên cứu khoa học Paris”.

            Học cao hiểu rộng cỡ anh chàng sinh viên này thì nhiều lắm. Thái độ đối với tôn giáo kiểu anh chàng sinh viên này thì cũng không ít. Chúng ta có thể thấy nhan nhãn trong thời đại hôm nay.

            Đối với những người chối bỏ Thiên Chúa, họ cảm thấy như thoát được “cái ách” của Ngài. Và người ta được tự do làm theo những gì người ta mong muốn.

            Kết quả của tự do theo ý riêng của con người là một thế giới đầy tội ác, chiến tranh bạo lực, dục vọng, trác táng…

            Thoát ra được “cái ách” Thiên Chúa, “ách tình yêu êm ái”, con người tự trồng vào cổ mình “ách ma quỷ” và biến thế giới này thành thế giới tối tăm, ngục tù bao la của thế lực đen tối.

            Không còn Thiên Chúa trong lòng con người, không còn Lời Chúa soi lối cho con người, con người thật sự mất phương hướng và mở đường đi dần vào cõi chết.

             Nhà khoa học Alfred Nobel (1833-1896), Thụy Điển, người đã tạo ra chất nổ (dynamide). Ông cảm thấy tổn thương vì phát minh thuốc nổ của ông được sử dụng cho mục đích dã man, và ông muốn giải thưởng của ông phục vụ cho nhân loại.

            Vào năm 1888, một cáo phó nhầm lẫn về cái chết của Alfred Nobel (ông chết năm 1896) trên một tờ báo Pháp, có câu: “Tiến sĩ Alfred Nobel, người đã trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết, đã qua đời hôm qua”.

            Trong di chúc, Alfred đã dành trị giá tài sản (khoảng 2.000.000 bảng Anh) và lấy lãi hàng năm để lập nên giải Nobel.

KHIÊM NHƯỜNG CHÂN THẬT

            “Khiêm nhường” là việc nội tâm, cũng khó mà nhận ra giả, thật. “Họa hổ, họa bì, nan họa cốt; tri nhân tri diện bất tri tâm”. (Vẽ cọp, vẽ màu da, khó mà vẽ tinh cốt của nó; biết người, biết ngoài mặt, đâu biết được lòng người).

            Khiêm nhường giả tạo là kiêu ngạo gấp đôi. Biết bao con người xem ra hiền hòa khiêm nhượng, nhưng ngầm chứa trong lòng tham vọng cao xa. Đọc “sách thánh hiền” xưa, ta thấy biết bao trò lừa thầy phản bạn, hại chúa đoạt ngôi, tình đời bao chuyện đổi thay đen trắng, đổi dạ thay lòng. Khiêm nhường như thế chỉ là trò luồn cúi để đạt tham vọng riêng tư.

            Chuyện hiền lành đạo đức cũng biến hóa khôn lường. Có những gả trông như xã hội đen mà lòng lại hiền hòa, có những người nhìn như bậc chân tu mà lòng đầy nham hiểm. “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’” (Mt.23,2-7)

            Có lần, trên chuyến xe về Sài Gòn, tôi đón xe nửa chừng, không mua vé từ trước, nên phải ngồi ghế súp sau chót. Ngồi trước tôi cách một hàng ghế là ba gã đàn ông ăn nói thô tục, mỗi người đều có cái xách đệm to có con gà trống trong đó. Đây chắc là mấy tay đá gà chuyên nghiệp! Thỉnh thoảng họ nghe và gọi điện thoại di động, họ nói như la làng, cả xe đều nghe. Mỗi tiếng mỗi đệm tiếng Đan Mạch. Tôi trông cho mau đến bến, ngồi mà bị mấy lời lẽ của họ tra tấn thiệt là khổ sở. Chợt xe ngừng lại, một phụ nữ trẻ có bụng rất to dắt một em bé gái chừng hai tuổi bước lên xe. Chị ta bước vào xe, nhưng không còn một cái ghế nào trống. Tên lơ xe lấy cái ghế nhựa nhỏ để giữa lối đi rất hẹp cho chị ta ngồi. Chị ôm đứa bé gái vào lòng, và vì cái bụng thì quá to, cái ghế thì quá nhỏ, chị ngồi nặng nhọc rất tội nghiệp. Tôi ngồi ghế súp tuốt phía sau cũng không khá gì. Đang suy nghĩ thì nghe tiếng la như cự lộn: “nè bà bầu, lên ghế ngồi nè, ĐM. Mấy thằng lơ xe! Rước khách bừa bãi! Ngồi đó một hồi lọt con ra ngoài bây giờ! Trời ơi!”. Người phụ nữ trẻ bẽn lẽn, hắn ta đứng ra khỏi hàng ghế, nắm tay kéo chị ta vào, rồi bồng bé gái đặt vào trong lòng một tên trong bọn hắn đang ngồi ghế: “Cho nó ngồi với mày đi mày. Cái bụng đó chỏi chỏi làm sao con bé ngồi được!”. Đúng là cách ăn nói của anh ta thô lỗ thật, nhưng có một điều rất đẹp và rất thật trong lòng anh ta: anh biết cảm thông và nhường chiếc ghế cho người phụ nữ, một việc tuy rất nhỏ nhưng nhiều người lịch sự hơn anh ta trên xe đã không thể làm được! Phản ứng anh ta thật nhanh nhẹn, cách giải quyết thật dứt khoát, và lời lẽ…không sai sự thật! Những đánh giá ban đầu của tôi về con người này đã không hoàn toàn đúng, hay ít ra, thiếu mặt tích cực, mà nếu không có mẹ con người phụ nữ lên xe, tôi đã không thể thấy!

            Trong xã hội hôm nay người ta thường hay dùng từ “đối phó”. Những việc làm chỉ mang tính cách đối phó không bao giờ thật lòng. Khiêm nhường không thể tồn tại cùng với sự dối trá.

            Tử lộ vận quần áo vào chào Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Do (tên riêng Tử Lộ) làm gì mà ngông nghênh như thế? Ôi, cái sông kia bắt đầu từ Miên-San thì nguồn gốc chỉ có thể đầy một chén. Kịp khi ra tới sông (lớn), nếu không có thuyền, và không kiêng sóng gió thì không thể lội qua được. Đó chẳng phải là nước ở hạ lưu nhiều? Nay nhà ngươi vận sang trọng như thế, mặt mũi đầy đủ như thế, thì thiên hạ còn ai chịu bảo ngươi những điều lầm lỗi nữa?” 

            Tử Lộ ra, thay đổi quần áo, rồi lại quay vào ngay. Khổng Tử bảo: “Do, nhớ lấy, ta bảo ngươi: – Cố làm ra ở lời nói, ấy là hoa hòe. – Cố làm ra ở việc làm, ấy là khoe khoang. Ôi, ngoài mặt khôn mà không có tài năng, ấy là tiểu nhân vậy!

            Cho nên, người quân tử cái gì biết, thì bảo là biết, đó là cái chốt của sự biết. Cái gì không hay, thì bảo là không hay, đó là tận cùng của sự làm. Nói đúng chốt là trí, làm đến cùng là nhân. Đã nhân lại trí, sao lại không đủ được? (Khổng Tử Gia Ngữ).

            Ôi, lòng kiêu ngạo như núi cao chất ngất, chinh phục được nó khó lắm thay! Lòng khiêm nhường như dòng suối bình yên, gìn giữ được nó cũng phải nhiều kiên nhẫn! Chúng ta cần ơn Chúa nhiều trong cuộc chiến đấu nội tâm này.

            Lạy Mẹ Maria,

             Xin cho con luôn biết noi gương Mẹ.

            Nhận ra mình nhỏ bé.

            Tất cả là hồng ân

            Từ tình Chúa yêu thương.

            Như lời Mẹ tạ ơn

            “Phận nữ tỳ hèn mọn

            Người đoái thương nhìn tới”

            A-men.

                                                           Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

 

 

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> Suy Niệm Chúa Nhật