Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Tình yêu hóa giải mọi bất hòa
Ngày đăng: 20/02/2022

Tình yêu hóa giải mọi bất hòa 

 

Cuối thế kỷ 19, thế giới tìm ra một phương pháp mới để đấu tranh mà không phải dùng đến súng đạn. Dựa vào phương pháp này, người đấu tranh có thể đạt được những mong ước và đối phương cũng tâm phục khẩu phục. Phương pháp đó nổi tiếng với tên gọi: đấu tranh bất bạo động hay phản kháng phi bạo lực. Vì không có bạo động nên không có vũ khí hoặc đổ máu. Với số đông người biểu đạt ý kiến trong ôn hòa và đối thoại, với tình yêu và tôn trọng đối phương, người ta hy vọng sẽ giải quyết xung đột trong hòa bình. Hai nhân vật nổi tiếng cho phương pháp này là: Mahatma Gandhi, ông giúp dân tộc Ấn Độ thoát khỏi đô hộ của Anh, và mục sư Tin Lành Martin Luther King, ông giúp tiếng nói của người da màu ở Mỹ được lắng nghe.

Một trong những nguyên tắc bất di bất dịch cho phương pháp trên là: tôn trọng và thương yêu đối phương. Trong tinh thần hòa bình và lắng nghe, họ tin rằng tình yêu có thể hóa giải mọi bất đồng ở phương diện xã hội và cá nhân. Thực tế đã chứng minh rằng tình yêu giúp xã hội đạt được những tiến bộ trong việc tôn trọng con người và mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân. Ở phương diện cá nhân cũng thế, nghệ thuật đắc nhân tâm cho thấy tình yêu luôn có sức mạnh để chiến thắng. Tình yêu cho người ta sức mạnh và giải pháp để cảm hóa tha nhân. Hẳn nhiên tình yêu này không dễ đạt được, nhưng đây lại là đòi hỏi của Tin Mừng và là thứ tối cần thiết để xây dựng hòa bình.

Bài Tin mừng Chúa Nhật thứ 7 thường niên hôm nay[1] giới thiệu cho chúng ta một người mở đường cho tinh thần đấu tranh bất bạo động, đó là Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay nói lên nguyên tắc tình yêu mang tính thách đố cho những ai muốn theo Chúa và muốn hạnh phúc thành công trong cuộc sống: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6,27). Thoạt đầu, không ai có thể chấp nhận lời dạy quá thách đố này. Luật ngày xưa chẳng dạy chúng ta “mắt đền mắt, răng đền răng” đó sao (Xh 21,23–27)? Vậy mà hôm nay Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải yêu thương ngay cả kẻ thù. Cần nói ngay là chúng ta không yêu mến những điều xấu xa của kẻ thù, nhưng yêu thương phẩm giá của họ, vì họ cũng là con cái Thiên Chúa. Họ cũng được mời gọi hoán cải và chúng ta cũng có thể giúp họ từ bỏ lối gian tà. Như thế nào?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta đi vào ba loại của tình yêu:

  1. Tình yêu nhục dục, cảm xúc–Eros

Các triết gia cho rằng ai cũng có loại tình yêu này. Có thể hiểu đây là tình yêu hấp dẫn của phái tính. Nếu bạn cho rằng đây là tình yêu lãng mạn cũng không sai. Hoặc nếu ai đó yêu thương mình, thì mình tự nhiên cũng cảm thấy dễ đáp lại tình cảm họ dành cho mình. Đã là người, ai cũng có loại tình yêu nền tảng và cần thiết này để giúp họ tiến lên trong tình yêu.

  1. Tình yêu anh em–Philia

Nếu tình cảm không có lý trí theo cùng, người ấy có nguy cơ lầm đường lạc lối. Yêu cuồng nhiệt bất chấp mọi thứ là kiểu người không dùng lý lẽ hoặc đúng sai để quyết định. Ngược lại, loại tình yêu “tình yêu anh em”, thể hiện lòng trung thành, sự hy sinh, thể hiện thái độ cao thượng vượt lên trên những gì là “phàm phu tục tử”. Đây có thể là tình yêu bạn bè, chung chia những giá trị mà họ cho rằng có lợi cho mình. Khi ở trong tình yêu này, cả hai đều nhận ra những tiện ích, sự dễ chịu và tốt lành. Đây là tình yêu có qua có lại.  

  1. Tình yêu vô điều kiện–Agape

Kinh Thánh đề cập rất nhiều lần loại tình yêu này. Chẳng hạn trong Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã dùng động từ “yêu Agape – ἀγαπάω” để diễn tả các mối tương quan của chúng ta. Một mặt đây là tình yêu mà chúng ta quen gọi là tình yêu đối thần, tình yêu con người dành cho Thiên Chúa và Thiên Chúa yêu thương con người ở mức độ cao nhất. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Mặt khác, tình yêu này bao gồm hai loại tình yêu thuộc cảm xúc và lý trí. Chính nhờ tình yêu này làm nên hạnh phúc thực sự trong đời sống của chúng ta. Chẳng hạn tình yêu cha mẹ dành cho con cái, hoặc ngược lại. Cha mẹ yêu con cái không cần con cái trả ơn, một tình yêu vô điều kiện. Thánh Phaolô giải thích thật hay về loại tình yêu này: “Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13,4-7).

Tới đây chúng ta có thể hiểu tại sao Chúa Giêsu mời gọi mỗi người hãy yêu thương kẻ thù. Thậm chí Chúa còn muốn chúng ta hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả (Lc 6,35). Bởi “phần thưởng dành cho chúng ta sẽ lớn lao và quan trọng hơn, chúng ta sẽ là con cái của Thiên Chúa tình yêu. Chúa yêu thương con người vô điều kiện. Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “Nguồn vui của Kitô hữu là biết chắc rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, yêu thương thân mật bởi Đấng Tạo hóa… yêu thương bằng một tình yêu đam mê và trung tín, một tình yêu lớn hơn là những bất trung và tội lỗi của ta, một tình yêu luôn tha thứ.”[2] Trong tinh thần này, Thiên Chúa mong muốn con người yêu thương nhau và yêu mến Thiên Chúa. Đây là chìa khóa để giải quyết mọi thù hằn và xung đột trong các mối tương quan từ bình diện cá nhân cho đến nhóm nhỏ hoặc tầm mức quốc gia hay quốc tế.

Để kết thúc, chúng ta nghe lại chia sẻ này của cha Anthony de Mello:

Một đôi vợ chồng mới cưới hỏi: “Chúng con sẽ làm gì để tình yêu chúng con bền bỉ luôn mãi?”

Minh Sư đáp: “Các con hãy cùng nhau yêu thương những điều khác đi.”

Như vậy, Thiên Chúa không kích động chiến tranh hoặc bạo lực. Ngược lại, cung cách hành xử của Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu vượt lên trên tất cả. Thử tưởng tượng ai cũng mong ước đạt được loại tình yêu này, khi đó chúng ta sẽ ở gần Thiên Chúa và có thể yêu thương những kẻ thù và mong cho họ cũng được trở về với Thiên Chúa. Bạn hãy giới hạn tình yêu của bạn bằng cách yêu không giới hạn[3]!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

—-

[1] Thường Niên năm C, Lc 6,27-38

[2] X. Youcat 3.

[3] Theo thánh Phanxicô Salêxiô (1567-1622, giám mục, linh hướng, lập dòng và tiến sĩ Hội Thánh).

 

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> Suy Niệm Chúa Nhật