Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
SỨC SỐNG NỘI TẠI CỦA NƯỚC TRỜI
Ngày đăng: 12/06/2021

SỨC SỐNG NỘI TẠI CỦA NƯỚC TRỜI  

 

  1.  Trong những ngày này, bên cạnh nỗi lo chung của cả xã hội và toàn thế giới về đại dịch Covid-19, người Công giáo còn cảm thấy âu lo trước những thông tin tiêu cực về Hội Thánh: nào là scandal về hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên; nào là Giáo hội Đức có nguy cơ ly khai; nào là phong trào bảo thủ cực đoan chống lại đường hướng mục vụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Dụ ngôn Hạt cải (Mc 4,30-32) – khi gieo thì nhỏ bé nhưng sẽ lớn lên thành cây to, thường được giải thích như hình ảnh về sự lớn mạnh của Nước Trời và Hội Thánh Chúa Kitô. Nhưng ngày nay có người tự hỏi: phải chăng nên thay thế dụ ngôn hạt cải bằng dụ ngôn cây cổ thụ bị đốn ngã? Hoặc nói bằng từ ngữ của Hồng y Marx, phải chăng Hội Thánh đã đến đường cùng?

  1.  Bài Tin Mừng hôm nay không chỉ có dụ ngôn hạt cải mà còn có thêm dụ ngôn hạt giống tự mọc lên. Dụ ngôn hạt cải có trong Tin Mừng nhất lãm (Mc 4,30-32; Mt 13,31-32; Lc 13,18-19), còn dụ ngôn hạt giống tự mọc lên chỉ có trong Tin Mừng Marcô (4, 26-29). Trong dụ ngôn ấy, Chúa Giêsu kể chuyện người gieo hạt giống và Ngài nói: “Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết. Đất tự động sinh hoa kết quả” (4, 27-28). Từ tự động ở đây được dịch sát từ automate trong tiếng Hi Lạp và là từ rất quan trọng, vì diễn tả sức sống nội tại của hạt giống. Sức sống ấy không do người gieo ban tặng nhưng đã có sẵn bên trong, cho nên hạt giống nảy mầm và mọc lên thế nào, người gieo cũng không biết.

Đó chính là hình ảnh tuyệt vời về hạt giống Nước Trời, hạt giống Lời Chúa. Sự phát triển của Nước Trời và hiệu năng của Lời Chúa không đến từ nỗ lực nhân loại nhưng hoàn toàn ở nơi Thiên Chúa, như Chúa phán qua miệng tiên tri Ezekiel trong bài đọc 1: “Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp. Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo, và cây khô héo được xanh tươi. Chính Ta là Chúa, Ta phán là Ta thực hiện” (Ed 17,22-24).

  1.  Nếu sự phát triển của Nước Trời là ở Chúa chứ không tùy thuộc nỗ lực nhân loại, và nếu đường lối Chúa khác xa đường lối của con người, thì các Kitô hữu không nên thất vọng khi Hội Thánh phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Điều quan trọng là mỗi người cố gắng làm đúng và làm tròn bổn phận Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, cũng không nên tự mãn nếu có được chút thành quả. Bởi lẽ như thánh Phaolô nói: “Apollô là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,5-6). Có gì mà tự mãn? Không chừng lại rơi vào cơn cám dỗ chiều theo sở thích của người đời để được tung hô, đón nhận.

Ngoài ra dụ ngôn hạt giống tự mọc lên còn là lời chất vấn chúng ta về việc xây dựng Hội Thánh và loan báo Tin Mừng. Khi gieo hạt giống Tin Mừng, chúng ta có dựa vào Chúa không hay chỉ dựa vào khả năng riêng của mình? Tâm tình của thánh Phaolô là lời nhắc nhở thường xuyên cho các sứ giả Tin Mừng: “Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng nhưng không dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, mà chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Như thế, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,3-5).

Chúng ta muốn canh tân Hội Thánh để thoát ra khỏi những khó khăn hiện tại, quả là ý định tốt, nhưng dựa vào chuẩn mực nào để canh tân? Chuẩn mực Tin Mừng hay chuẩn mực thế gian? Khi Hội Thánh Công giáo tại Đức chủ trương “con đường đồng nghị” (synodal path) với ý hướng thay đổi một số truyền thống trong Hội Thánh, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết thư cho cộng đồng Dân Chúa tại Đức. Ngài nói rằng Hội Thánh tại Đức đang đối diện với một cám dỗ, “ở nền tảng của cám dỗ này là sự tin tưởng rằng câu trả lời tốt nhất cho các vấn đề và khiếm khuyết hiện nay là tổ chức lại mọi sự, thay đổi và sắp xếp lại, làm cho đời sống dễ dàng hơn bằng cách thích nghi với lôgích của thời đại hoặc của một nhóm nào đó”. Liệu đó có phải là con đường Chúa Giêsu đã đi?

Nhìn từ góc độ của thế gian, Chúa Giêsu quả là kẻ thất bại vĩ đại, vì 3 năm rao giảng và làm việc cật lực mà kết thúc chỉ là khổ giá, sự sỉ nhục của người đời và nỗi cô đơn tuyệt vọng. Nhưng nhìn từ góc độ của Thiên Chúa thì mọi sự khác hẳn trong ánh sáng Phục sinh. Có lẽ vì thế mà cùng với từ “đường cùng”, Đức hồng y Marx cũng nói đến “niềm hi vọng phục sinh”. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: niềm vui phục sinh từ đâu mà có? Từ những tính toán khôn ngoan của con người hay từ quyền năng Thiên Chúa?.

 

giaophanmytho.net/ + Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

 

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> Suy Niệm Chúa Nhật