Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Sống Chứng Nhân Giữa Đời
Ngày đăng: 14/11/2020

Sống Chứng Nhân Giữa Đời 

 

Tử Đạo tiếng Việt theo nguyên ngữ  Hy Lạp là Martyr, Witness trong tiếng Anh là “chứng nhân”. Như vậy các thánh tử đạo đơn giản là những chứng nhân, người làm chứng.

Cuộc đời của một con người thực ra chỉ là để làm chứng cho một lý tưởng nào đó. Khi họ đi đến tận cùng của lời chứng ấy thì cuộc đời của họ có ý nghĩa và còn đáng được tuyên dương cho người khác noi gương bắt chước. Hitler và Saclô là 2 con người có lý tưởng và sống hết mình vì lý tưởng. Nhưng lý tưởng của Hitler chỉ đem đến đau khổ cho đời, vì lý tưởng của ông là tiêu diệt người khác mà cụ thể là chiến dịch bài Do Thái. Với chiến dịch này ông đã tiêu diệt khoảng 5 triệu người Do Thái và làm cho lịch sử đã mãi mãi ghi tên ông như một dấu chỉ của sự tàn ác. Ngược lại, Saclô ra đời trước Hitle 6 ngày (14/04/1889), nhưng lý tưởng của Saclô là làm cho đời bớt đau khổ bởi chiến tranh và giết chóc, vì vậy ông dùng chính tài diễn xuất của mình để đem đến nụ cười cho con người. Ông được bình chọn là diễn viên hài xuất sắc của mọi thời đại. Cuối cùng hai con người này cũng chết, nhưng cái chết của Hitler làm cho cả thế giới vui mừng, ngược lại cái chết của Saclô làm cho cả thế giới phải tiếc thương.

“Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x.Pl 2, 6-8). Ngài đã làm chứng cho một tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa.

Kitô hữu là những chứng nhân giữa đời. Tức là những con người làm chứng cho Đức Kitô trong mọi thời, mọi nơi, mọi lúc. Khởi đầu từ các Tông đồ, với lời chứng “Kerygma”, nghĩa là lời chứng về việc họ đã từng gặp gỡ Đức Giêsu khi còn sống cũng như khi đã Phục Sinh. Tận cùng của lời chứng này là chính cái chết của họ. Không ai ngu dại chết cho điều giả dối hoặc mơ hồ, hay chết cho một giá trị chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân họ. Thế nhưng tất cả các Tông đồ (trừ Gioan chết vì già nua) đều sẵn sàng chết cho lời chứng Đức Giêsu đã sống lại. Thế mới thấy lý tưởng về Đấng Phục Sinh là sự thật “là sự sống và là sự sống lại” cho các Tông đồ.

Lý tưởng ấy đã được loan truyền khắp nơi trên toàn thế giới, bất chấp nhiều người, nhiều thế lực, nhiều chủ nghĩa cấm cản. Từ thế kỷ 15, Tin Mừng về Đức Giêsu Phục Sinh đã được loan truyền tại đất nước Việt Nam của chúng ta. Tin Mừng này đã được cha ông chúng ta đón nhận; nhưng cũng chính Tin mừng này khiến cho máu đào đã rơi xuống trên chính quê hương đất nước chúng ta, vì có hàng trăm ngàn người đã phải chết vì Tin mừng họ loan báo hoặc lãnh nhận. Như lời của thánh Tertulia : “Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm trổ sinh các kitô hữu”, bằng chứng là một Hội thánh tại Việt Nam đang phát triển với hàng triệu người tin vào Đức Giêsu.

Tuy nhiên ngày nay có còn tử đạo nữa hay không? Thưa chắc chắn không còn bắt bớ, cấm cản, giết chết vì có đạo… Nhưng hơn bao giờ hết người Công giáo đứng trước cuộc bách hại do chính họ gây ra. Bách hại đạo với mục đích là ngăn chặn người ta tin theo một tôn giáo nào đó. Thì hôm nay không ai ngăn cản chúng ta, mà chính chúng ta đã ngăn cản đức tin của mình bằng đời sống vô đạo.

Rõ ràng một số người Công giáo được rửa tội nhưng không còn sống đạo vì nhiều lý do. Một số người không sống theo Lời Chúa dạy khiến cho họ dù là người Công giáo nhưng đời sống còn tệ hơn cả những người không biết Chúa… Họ đã đầu hàng trước cuộc bách hại của thời đại hôm nay.

Chính vì thế, người Công giáo được mời gọi trở thành chứng nhân trong mọi thời đại, nghĩa là người làm chứng cho lý tưởng cao trọng mà họ đã được lãnh nhận từ cha ông là các thánh Tử đạo tại Việt Nam. Phải khẳng định, phải cho mọi người thấy lý tưởng của chúng ta là cao đẹp vì nó phát xuất từ ý định yêu thương của Thiên Chúa. Muốn cho người khác tin đạo thì phải làm cho họ thấy nét đẹp của đạo chúng ta.

Nét đẹp đó là chính đời sống thánh thiện khi chúng ta có một Vì Thiên Chúa tinh tuyền trong đời sống, chi phối tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta. Hay nói cách khác đó là giới luật Mến Chúa. Giới luật này trở thành nội lực riêng cho mỗi người để họ phải tự cung cấp cho mình nguồn năng lượng mà không ai có thể thay thế. Hay nói theo dụ ngôn, đó chính là dầu dự trữ mà các trinh nữ khôn ngoan phải trang bị, không mượn của người khác được. Việc cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích và những việc đạo đức khác nói lên lòng mến Chúa của chúng ta, không ai có thể làm thay chúng ta.

Nét đẹp thứ hai và rõ ràng hơn là chính đời sống bác ái yêu thương của người Kitô hữu. Nếu người Công giáo không sống bác ái họ không còn là Kitô hữu, “Vì người anh em mình xem thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Đấng mình không thấy được?” Nếu thử thách của các thánh Tử đạo ngày xưa là “giữ lấy”, thì thử thách của Kitô hữu ngày nay là “bỏ đi”. Nhiều người giàu nhưng không dám bỏ đi một ít tiền bạc của mình cho người nghèo. Nhiều người không dám bỏ đi một ít thời gian cho việc đạo đức, nhưng lại bỏ rất nhiều thời giờ cho việc vui chơi giải trí. Khi dám bỏ đi vì lòng bác ái Kitô giáo là chúng ta đang làm chứng cho lý tưởng cao đẹp của người Công giáo, lý tưởng về Thiên Chúa là Tình Yêu.

Xin các thánh Tử đạo Việt Nam cầu bầu cùng Chúa cho dân tộc Việt Nam được bình an, người người yên vui hạnh phúc; cho Giáo hội Việt Nam được lớn mạnh về đức tin. Xin cho Kitô hữu tại Việt Nam biết tử đạo mỗi ngày bằng một đời sống đức tin mạnh mẽ để yêu mến Chúa và sống bác ái yêu thương nhau.

 

gpcantho.com  -  Lm. Giuse Nguyễn

 

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> Suy Niệm Chúa Nhật