Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Tha Thứ Để Hạnh Phúc Đến Gần Ta Hơn
Ngày đăng: 13/09/2020

Tha Thứ Để Hạnh Phúc Đến Gần Ta Hơn 

 

Lm. Giuse Nguyễn

  1. Chuyện kể rằng, có hai người bạn đang thực hiện chuyến hành trình trên sa mạc. Trong chuyến đi dài, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. Không giữ được bình tĩnh, một người đã tát người bạn của mình. Người kia rất đau nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi”.

Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát. Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng lún sâu xuống. Nhưng người bạn kia đã kịp thời cứu anh. Ngay sau khi được kéo lên, người bạn suýt chết khắc lên tảng đá dòng chữ: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.

Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?” Và câu trả lời anh nhận được là: “Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát, nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. Nhưng khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.”

Trong cuộc sống, hãy học cách viết những nỗi đau lên cát để gió cuốn đi và khắc những niềm vui, hạnh phúc lên tảng đá để mãi không phai! Sự tha thứ là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của mỗi người, để nó không chỉ cần được khắc lên đá, mà nó đáng phải được khắc vào tâm khảm của mỗi chúng ta, để sỏi đá có thể tàn phai theo vết tích thời gian, nhưng trong tâm khảm sẽ mãi mãi không phai.

Sự tha thứ không chỉ là nét đẹp trong cuộc đời, mà nó còn là sự thật về Thiên Chúa và là luân lý, đạo đức cho đời sống Kitô hữu.

  1. Tha thứ là sự thật về Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), và “Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi”(1Tm 15). Ngài đã mặc khải cho con người biết: “Anh em phải có lòng thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng xót thương” (Lc. 6.36). Vì xót thương nên Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho con người đến mức dường như Ngài không còn nhớ đến tội của họ như bài Thánh vịnh chúng ta vẫn thường hát trong lễ an táng: “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta” (Tv.102). Hay chư câu chuyện vui về một bà già đạo đức nói với cha sở bà nằm mơ thấy Chúa nhiều lần. Cha sở muốn dẹp bỏ sự hoang tưởng của bà nên thách bà: “Nếu tối nay bà nằm mơ thấy Chúa, bà hỏi Chúa xem cha sở bà phạm tội gì nhé!” Hôm sau bà đến gặp cha sở và lại nói là nằm mơ thấy Chúa. Cha sở hỏi: “Thế bà có hỏi Chúa về tội của cha sở không?” Bà đáp: “Thưa có!” Lúc đó cha sở xanh mặt hỏi nhỏ bà già: “Vậy Chúa trả lời sao?” Bà già từ tốn trả lời: “Thưa cha, Chúa nói: Ta quên rồi!” Cám ơn Chúa! Và cha sở quá hạnh phúc vì quả thật Chúa là Đấng quên tội của cha và của ta.
  2. Tha thứ là luân lý của Kitô giáo, vì Chúa dạy ta làm như thế. Chúa dạy mà ta không làm thì ta có lỗi, và không xứng đáng là con cái Chúa. Chúa dạy ta như thế nào về sự tha thứ? Câu kết thúc trang Tin mừng hôm nay chính là lời dạy mạnh mẽ nhất của Đức Giêsu về sự tha thứ: “Cha của anh em ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế,, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 5). Nghĩa là phải tha thứ mới được Chúa thứ tha. Hay như lời kinh Lạy Cha chúng ta vẫn quen đọc: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Ta có tha cho người khác, Chúa mới tha cho ta.

Hoặc như dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay, nó là bài học xuyên suốt cả Tân ước là phải tha thứ để được tha thứ. Trong bài giảng trên núi Đức Giêsu đã nói: “Phúc cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được xót thương” (Mt 5,7). Ngay sau đoạn Tin mừng đó, Đức Giêsu nói: “Nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời sẽ tha lỗi cho các ngươi. Xong nếu các ngươi không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Mt 6,14.15). Có thể kết luận rằng sự tha thứ của con người và của Thiên Chúa tỉ lệ thuận với nhau. Đó không phải là lời khuyên mà là định luật.

  1. Tha thứ còn là một việc đạo đức, nghĩa là việc giúp ta trở thành người thánh thiện. Ai càng tha thứ người đó càng là người đạo đức. Ai không biết tha thứ người đó không phải là người đạo đức. Đức Giêsu đã làm gương cho ta về sự tha thứ khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha trên cây thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34) để tha cho những kẻ đã gây nên cuộc khổ nạn của Ngài. Thánh nữ Maria Goretti đã sẵn sàng tha thứ cho kẻ đã hãm hại đời cô và giết chết cô, vì cô mong rằng: “người đó cũng được lên thiên đàng với tôi”. Lòng đạo đức của Goretti đã hoán cải Alexandro để sau khi ở tù, anh đã xin vào làm lao công trong một tu việc để hoán cải ăn năn về quá khứ lầm lỗi của mình. Sự tha thứ là nhân đức của con người thánh thiện.

Như vậy Thiên Chúa là Đấng tha thứ sẽ đem lại cho con người hạnh phúc vì được thứ tha. Con người sống theo lời dạy của Chúa để biết tha thứ, thì chính họ được thanh thản và giúp cho kẻ được tha có niềm vui. Nói cách khác tha thứ để hạnh phúc đến gần ta hơn.

Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế con người khó tha thứ cho nhau.

  1. Trước hết là vì sự hung hăng. Cặp vợ chồng chủ quán Nhắng nướng ở Bắc Ninh sau khi bị khách hàng tố thức ăn có sán đã truy tìm và yêu cầu khách hàng quay lại quán. Khi tới quán thì vợ chồng ông bà chủ đã chờ sẵn, chủ quán chửi mắng, văng tục, dọa dẫm, yêu cầu khách hàng phải quỳ xin lỗi và phải viết đính chính nội dung đã đưa lên trên Facebook. Vì quá sợ hãi nên chị H. đã làm theo yêu cầu. Hậu quả là sau đó quán Nhắng nướng bị cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm và cả về tội làm nhục người khác. Đó là hậu quả của của tâm lý “sợ bị thua”, muốn thể hiện bản lĩnh của mình. Phải chi vợ chồng này âm thầm chịu đựng vì “khách hàng là thượng đế” thì đâu đến nỗi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ông giám đốc công ty Bảo vệ Hàm Long rút súng đe dọa tài xế xe tải, có lẽ vì anh này đã va chạm hoặc ép xe của vị giám đốc. Sau đó vị giám đốc đã bị công an mời lên làm việc vì việc hành động côn đồ của ông. Không biết thực hư thế nào, nhưng nếu ông chịu nhường nhìn một chút thì sự việc không đến nỗi. Hai câu chuyện có thực này cho ta thốt lên một câu “Tưởng mày ngon hả?!” Sự hung hăng khiến con người không thể tha thứ cho người khác. Chính vì không thể tha thứ mà họ đã hành động sai lầm nên họ đã mất đi hạnh phúc.

  1. Kế đến vì cái tôi cá nhân quá lớn. Cái tôi đó đè lên trên mọi giá trị dù cao quý đến mức nào, kể cả hạnh phúc đời đời. Hai gia đình tranh chấp đất đai với nhau dẫn đến xô xát khiến ông trưởng tộc bên A bị thương nặng, ông này lại là ông trùm trong giáo xứ. Người nhà rước cha đến bệnh viện xức dầu cho ông trùm. Cha sở khuyên ông trùm hãy tha thứ cho bên B, kẻ đã gây thương tích cho ông. Ông lắc đầu dứt khoát. Cha sở đưa cây thánh giá chuộc tội đến sát mặt ông trùm và nói rõ: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh vì ông, tôi khuyên ông hãy tha thứ cho gia đình bên kia”. Ông trùm thoi thóp trở mình quay mặt vào tường trợn trắng và trút hơi thở. Ông không tha thứ vì cái tôi cá nhân quá lớn. Vì không tha thứ mà ông đã đánh mất đi hạnh phúc đời mình.
  2. Tuy nhiên khó khăn vì tính hung hăng, vì cái tôi cá nhân quá lớn hoặc những lý do khác nhưng không phải là không thể tha thứ được khi ta biết nghĩ đến những lý do sau đây:
  • Khi nuôi lòng thù hận là ta làm tổn thương chính bản thân mình. Tôi cảm thấy khó chịu, mất tự nhiên khi gặp người ấy, thậm chí khi nghĩ đến hoặc nghe ai nhắc đến người ấy tôi cũng cảm thấy khó chịu. Nỗi thù hận sẽ gây nên những bất ổn ngay trong chính con người mình. Những bất ổn về tâm lý sẽ dẫn đến bất ổn về sinh lý. Nó làm cho một người có thể ăn không ngon, ngủ không yên. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến những cơn bệnh khác. Trong truyện “Tam Quốc Diến Nghĩa”, nhân vật Châu Du đã nuôi lòng thù hận, căm ghét đối với Gia Cát Lượng. Nỗi thù hận ấy cứ âm ĩ mãi trong lòng, khiến ông ăn không ngon ngủ không yên và tìm đủ cách để làm sao giết được Gia Cát Lượng. Chính nỗi thù hận ấy đã gặm nhắm đời ông, khiến ông thổ huyết nhiều lần dẫn đến tử vong. Khi thù hận người khác, tôi vô tình chuốc lấy khổ đau cho bản thân mình. Vì vậy, như lời của một vị thiền sư: “Một cũng chấp, hai cũng chấp, chất chứa trong lòng chi cho mệt. Trăm điều bỏ, nghìn điều bỏ, thong dong tất dạ thế mà vui”.
  • Và quan trọng hơn hết, hận thù sẽ làm mất ơn cứu độ, mất hạnh phúc đời đời vì chính Đức Giêsu đã nói điều đó và câu chuyện Tin mừng hôm nay là một minh chứng. Ông chủ đã tha cho tên đầy tớ một món nợ khủng, nhưng anh ta lại không ta cho bạn mình một món nợ bé tẹo. Khi biết tin ông chủ đã đòi lại nợ của anh ta, và chắc chắn anh ta không thể trả nỗi cho chủ món nợ này. Anh ta đã mất tất cả vì không biết tha thứ.

Tha thứ để hạnh phúc đến gần ta hơn vì khi tha thứ ta làm cho tâm hồn mình được thanh thản, ta đang thực hành lời Chúa, ta trở nên giống Chúa và ta sẽ được hạnh phúc ngay ở đời này và cả hạnh phúc đời sau nữa.

Xin Chúa tha thứ lỗi lầm cho con. Xin cho con cũng sẵn sàng tha thứ, bỏ qua những gì người khác xúc phạm đến con. Xin cho nhân loại được bình an khi biết sống tình yêu thương, tha thứ cho nhau.

 

gpcantho.com 

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> Suy Niệm Chúa Nhật