Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
“Tiền Nhiều Để Làm Gì?”
Ngày đăng: 22/09/2019

“Tiền Nhiều Để Làm Gì?” 

 

Đó là câu nói của ông vua café Trung Nguyên: Đặng Lê Nguyên Vũ trong vụ ly hôn nghìn tỷ nổi tiếng tại Việt Nam cho tới nay vẫn chưa có hồi kết thúc. Đó là một câu hỏi mà dường như ai trong chúng ta cũng có câu trả lời.

“Tiền nhiều để làm gì?” Để lo cho gia đình, để chữa bệnh cho người thân, để giúp cho người nghèo, để xây dựng Hội thánh… Câu nói trong hoàn cảnh của ông Vũ không phải là câu hỏi mà là một câu cảm thán cho thấy sự thất vọng khi đồng tiền không đi liền với hạnh phúc. Lời Chúa Chúa Nhật 25 Thường Niên cũng cảnh báo chúng ta về việc sử dụng đồng tiền.

Trong bài đọc thứ nhất (Am 8, 4-7) ngôn sứ Amos mạnh mẽ lên án tội của người giàu. Họ mê tiền đến nỗi ngay trong những ngày lễ họ cũng mong cho chóng qua để họ tiếp tục làm ăn kiếm tiền, trong khi ý nghĩa của ngày lễ là thờ phượng Chúa:“Bao giờ hết ngày Sabat để ta bày thóc ra” (Am 8, 5), vì theo luật Do Thái, ngày Sabat họ không được làm việc. Khi làm ăn, họ dùng đủ cách để gian lận: “Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm. Ta sẽ làm làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ…” (Am 8,5). Kết quả của gian tham là người ta được nhiều tiền, được lợi nhiều thứ. Nhưng hậu quả là “Đức Chúa phán: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Am 8, 7).   

Trong đoạn Tin Mừng (Lc 16, 1-13) trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ phải biết từ bỏ mọi sự. Một trong những điều khó từ bỏ là của cải vật chất. Dĩ nhiên từ bỏ không phải là lấy tiền đem đi đốt, lấy vật dụng đập phá hết,… nhưng là sử dụng sao cho đúng đắn.

Trước tiên Ngài kể một dụ ngôn, sau đó nói về cách sử dụng tiền của. Trong dụ ngôn này, chúng ta để ý người quản lý bị tố cáo phung phí của cải của ông chủ nên ông ta kêu người quản lý thanh toán sổ sách. Người quản lý mới nghĩ cách để làm sao khi mất chức quản lý rồi, anh ta vẫn sống được. Thế là anh ta kêu từng con nợ lại để giảm phần nợ trong sổ nợ. Ví dụ nợ 100 thùng ô liu, ghi còn 50 thôi. 1000 dạ lúa, ghi còn 800 thôi…

Anh ta làm như vậy có bất lương không? Có hai cách giải thích. Cách thứ nhất nói anh ta làm như vậy là “mượn đầu heo nấu cháo”. Anh ta lấy tài sản của chủ để đổi lấy lợi ích cho bản thân. Cách thứ hai nói anh ta làm như vậy thì không có gì là sai, vì theo tục lệ của người Do Thái, người quản lý không có lương, nhưng bù lại anh ta kiếm ăn riêng từ tài sản của chủ, miễn là đừng làm cho thiệt hại. Chủ giao cho anh ta một phần tài sản, anh muốn làm gì thì làm, miễn là mỗi năm nạp cho ông chủ một số tiền lời, càng nhiều càng tốt. Ông chủ khen người quản lý đó khôn khéo.

Ở đây Đức Giêsu không dạy chúng ta bắt chước cách làm việc của người quản lý, nhưng dạy chúng ta có sự khôn ngoan giống anh ta: Biết dùng của cải vật chất hiện tại để mua sắm những thứ bảo đảm cho tương lai. Người quản lý chỉ nghĩ đến tương lai của cuộc sống đời này. Còn chúng ta là những người có đức tin, sự khôn ngoan của chúng ta là ở chỗ sống ở đời này mà biết lo cho sự sống đời sau.

Vì thế là người Công giáo, chúng ta phải trả lời cho câu hỏi của ông vua Café Trung Nguyên: tiền nhiều để làm gì? Thưa ngoài viêc lo cho cuộc sống đời này, tiền còn để mua lấy hạnh phúc Nước Trời.

Tiền mua hạnh phúc Nước Trời như thế nào? Có phải Nước Trời tỉ lệ thuận với số tiền chúng ta có không? Vì vậy ai có nhiều tiền thì đương nhiên được vào Nước Trời? Thưa không phải thế, mà cách sử dụng đồng tiền của ta sẽ quyết định cho ta có hạnh phúc đời đời hay không.

Trước hết tiền của, vật chất là một ân huệ Chúa ban để phục vụ con người. Tất cả đều xuất phát từ tình thương của Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc, không phải chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau nữa. Tuy nhiên có những người không biết sử dụng tiền của vật chất, để thay vì nó là phương tiện tốt, thì lại trở thành mục đích xấu, khiến con người cứ loay hoay trong vòng hư hoại. Thay vì là đầy tớ phục vụ cho hạnh phúc con người, thì lại trở thành ông chủ để sai khiến con người làm đủ thứ chuyện, kể cả những chuyện xấu.

Đầu tháng 9/2019, báo chí loan tin: Sáng 1/9, ông Nguyễn Văn Đông (53 tuổi, trú xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vác dao sang nhà em ruột truy sát 5 người, trong đó có 3 phụ nữ và một bé gái. Thảm án được xác định do tranh chấp 0,5 m đất giáp ranh”

Đồng tiền chỉ mua được Nước Trời khi nó đã được biến đổi thành tình yêu thương và sự phục vụ. Trong hành trình rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu đã được các bà“Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Ðức Giêsu và các môn đệ.” (Lc 8, 3).

Tôi đã đến một Công ty (xin được giấu tên) ở Sài Gòn. Điều làm tôi để ý là trong công ty đó có một ngôi nhà nguyện thật đẹp dành cho công nhân và những ai có nhu cầu tâm linh đến viếng Chúa, cầu nguyện, hoặc những hội đoàn tĩnh tâm. Điều này làm cho tôi phải suy nghĩ đến việc giữa một xã hội mà người ta tận dụng mọi thời gian, mọi cơ hội để kiếm tiền, thì vẫn còn có người quan tâm đến nhu cầu tâm linh của chính mình và người khác. Thái độ đó cho thấy kiếm tiền là điều cần thiết, nhưng không để đồng tiền chi phối cuộc sống mình, vẫn dành không gian và thời gian cho Chúa.

Nhiều người ăn nên làm ra, nên đã âm thầm giúp đỡ những người nghèo, những trung tâm bảo trợ xã hội, những công việc chung của Giáo hội…

Đáng trân quý những người dù không làm ra nhiều tiền, hoặc trong thời buổi kinh tế khó khăn, đồng tiền chậm chạp, nhưng họ rất sẵn lòng khi đứng trước hoàn cảnh khó khăn, trước nhu cầu chung của Giáo hội… Tài sản của họ chính là tấm lòng.

Những đồng tiền bằng cả tấm lòng để trao gởi cho người khác, cho lợi ích chung, thực ra cũng là “của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Biết đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa thì cũng phải biết trao ban tình yêu thương ấy. Đó là cách sử dụng tiền của một cách khôn ngoan.

Tiền nhiều để làm gì? Để trao gởi tình yêu thương, để đổi lấy hạnh phúc thiên đường. 

Xin Chúa cho chúng con sử dụng của cải vật chất đúng ý Chúa.

 

gpcantho.com  -  Lm. Giuse Nguyễn

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> Suy Niệm Chúa Nhật