Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Mở Ra Con Đường Sống
Ngày đăng: 06/04/2019

Mở Ra Con Đường Sống 

 

Tự Sắc “Cửa Đức Tin” của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI có viết: “Một điều có tính quan trọng là trở lại lịch sử đức tin của chúng ta, được đánh dấu bằng mầu nhiệm khôn lường của việc đan kết giữa thánh thiện và tội lỗi”. Hành trình đức tin của chúng ta không phải chỉ là thánh thiện, cũng không hẳn là tội lỗi, nhưng là sự “đan kết giữa thánh thiện và tội lỗi”. Chính điều này làm cho hành trình đức tin của chúng ta trở thành một “mầu nhiệm khôn lường”. Để rồi chúng ta biết cám ơn Chúa về sự thánh thiện, đồng thời phải: “Thôi thúc nơi mỗi người việc hoán cải chân thành và trường kỳ” (Cửa Đức Tin, số 13) về tội lỗi của mình. Qua đó chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, nhưng không phải để kết án, mà để mở ra cho chúng ta một con đường sống. Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó.

I/ PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1/ Bài Đọc I: Is 43, 16-21

Dân Do Thái bị lưu đày ở Babylon, Isaia nhắc lại cho họ biết chính Thiên Chúa đã giải thoát cha ông họ bên Ai Cập bằng những dấu lạ điềm thiêng, thì cũng chính Ngài sẽ giải phóng dân một lần nữa, Ngài nói: “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”. (Is 43, 19b)

2/ Đáp ca: Tv 125

Đây là thánh vịnh ca tụng việc Thiên Chúa đã giải thoát dân khỏi cảnh lưu đày:“Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi như người đang mơ…”. Vì vậy họ đã thốt lên: “Chúa đã đối xử nhân từ với chúng tôi, nên chúng tôi mừng vui bao hân hoan”.

3/ Bài Đọc II: Pl 3, 8-14

Thánh Phaolô nói đến sự công chính, nhưng không phải sự công chính do lề luật mang lại, mà sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Ngài chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân Ngài: “Quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” (Pl 3, 13b). Nếu chỉ nhìn về quá khứ thì Ngài là một con người thật tệ hại vì đã bách hại Đức Giêsu Kitô, nhưng trong hiện tại Ngài là một con người rao giảng về Đức Giêsu Kitô không biết mệt mỏi.

4/ Tin Mừng: Ga 8, 1-11

Người Do Thái xác tín rằng: con người chỉ trở nên công chính khi tuân giữ trọn vẹn luật Môsê. Điều đó tự bản chất là tốt, nhưng cái làm cho họ trở nên xấu, thậm chí độc ác nữa là họ vênh vang, tự đắc về thành tích giữ luật của mình, và nhất là họ tự biến mình thành chó săn, thành quan tòa để rình mò, kết án người khác, trong khi bản thân của họ đã giữ tốt 100 % chưa? Câu chuyện người đàn bà ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay là minh chứng cho sự kiêu ngạo và độc ác của họ. Mặc dù đó là điều họ vẫn thường xuyên làm khi khoe khoang bản thân mình và dò xét người khác, nhưng câu chuyện hôm nay chỉ là cái cớ để họ kết án Đức Giêsu mà thôi. Họ đem đến cho Chúa một người phụ nữ mà họ nói là “bị bắt gặp quả tang đang phạm tội ngoại tình”. Rình mò người khác, nhất là trong những chuyện kín đáo, thì rất nhục nhã, xấu xa! Vậy mà họ tự hào, cười một cách hớn hở, nham nhở, man rợ, lôi xồng xộc người phụ nữ đó đến trước mặt Chúa để hỏi Ngài phải làm gì. Họ đã chặn đầu Chúa trước rồi: “Thưa Thầy, trong sách luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này, còn Thầy, Thầy nghĩ sao” (Ga 8, 5). Từng lời, từng chữ của họ như cây đinh đóng vô đầu người ta, nhức nhói lắm! Đằng nào cũng chết. Nếu Chúa đồng ý ném đá thì họ sẽ đưa Chúa tới tổng trấn Philatô, vì thời đó quyền này thuộc về tổng trấn, và chỉ một mình ông mà thôi. Còn nếu Chúa không đồng ý thì họ sẽ đưa Ngài ra trước thượng hội đồng Do Thái giáo, vì Ngài không tuân giữ luật Môsê. Thực sự ra cái bẫy họ giăng chưa chắc và còn nhiều sơ hở. Việc ném đá người ngoại tình nằm trong sách Đệ Nhị Luật chương 22, câu 22 : “Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình sẽ bị ném đá cho đến chết cùng với người đàn ông phạm tội với bà ta”. Nhưng ở đây người đàn ông đó đâu? chẳng lẽ là một trong số bọn họ sao? Và Đức Giêsu cũng có thể nói với họ: quyền cho ném đá người ta là quyền của tổng trấn. Tuy nhiên Đức Giêsu cứ thinh lặng và “cúi xuống lấy ngón tay viết trên cát”. Tại sao Ngài thinh lặng? Thưa Ngài muốn cho những ai muốn kết án người khác phải quay trở về với cõi lòng mình để xem xét lại chính bản thân mình, nhưng họ đã không chịu làm nên Ngài buộc lòng phải nói lên sự thật và cũng là chân lý: “Ai trong các ngươi sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Ngài nói như vậy vừa không phạm luật Môsê, vừa không phạm luật của tổng trấn. Nhưng hơn thế nữa, Ngài còn cho thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền kết án.

Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống lòng nhân từ và sự yêu thương, thông cảm cho người khác. Dĩ nhiên Đức Giêsu không đồng lõa với tội, mà Ngài biết mở ra cho tội nhân một con đường sống. Ngài đã nói: “Chị hãy về, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa cũng nghiêm khắc, nhưng sự nghiêm khắc của Ngài không phải để giết chết, mà để cho người ta sống tốt hơn.

II/ MỞ RA CON ĐƯỜNG SỐNG

1/Thiên Chúa là nguồn sống:

Thiên Chúa là nguồn sống, vì vậy Ngài không muốn bất cứ một ai phải chết. Chính Ngài đã nói: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”. Chính vì Ngài muốn con người được sống nên khi nguyên tổ phạm tội, Ngài không bỏ họ, nhưng đã sai Con Một của Ngài xuống thế làm người để chuộc lại lỗi lầm cho con người. Khi đến thế gian này Đức Giêsu đã minh chứng Ngài là nguồn sống: “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào”. Để rồi nguồn sống đó được thể hiện một cách mạnh mẽ nơi Bí tích Thánh Thể để“Ai ăn thịt và uống máu Con Người thì sẽ được sống”. Rõ ràng như vậy.

2/ Đấu tranh cho sự sống

Nối tiếp sứ mạng của Đức Giêsu, Giáo Hội không ngừng đấu tranh cho sự sống. Sự sống đó không chỉ là sự sống thể xác mà còn là sự sống tinh thần. Giáo Hội luôn luôn lên án những biện pháp ngừa thai nhằm chọn lựa và loại trừ sự sống, nhất là hành động phá thai. Giáo Hội luôn đấu tranh cho quyền sống khi không đồng ý cho cái chết êm dịu… Tuy nhiên Giáo Hội lại rất thông cảm cho những con người lầm lỡ. Có những nhà dòng lập ra mái ấm cho những phụ nữ lầm lỡ để họ được sống, được yêu thương, được sinh con. Có những người đã âm thầm đi nhặt xác thai nhi để chôn cất. Có những người đã một mình nuôi nấng hàng chục trẻ mồ côi…  Đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Ngài đã phê bình các linh mục trong Giáo phận của Ngài không chịu rửa tội cho những đứa con ngoài giá thú vì lý do “để bảo vệ sự thánh thiện của hôn nhân”. Ngài nói: “Những phụ nữ này đã can đảm giữ con mình lại trong thế gian, thay vì trả nó lại cho tạo hóa, vậy mà họ phải lang thang từ giáo xứ này qua giáo xứ khác để xin được rửa tội cho con mình”. Qua đó chúng ta thấy Giáo hội luôn đấu tranh cho sự sống và thông cảm cho những con người lầm lỡ.

3/ Bác ái là cảm thông

Còn chúng ta, một trong những việc phải làm thường xuyên, nhất là trong mùa chay là sống bác ái. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy biết sống bác ái bằng cách cảm thông với anh chị em của mình, nhất là những con người lầm lỡ.

Phải cảm thông vì chúng ta cũng là những con người lầm lỡ. Lịch sử đời ta được đan xen bởi thánh thiện và tội lỗi, nhưng hình như tội lỗi nhiều hơn. Cảm thông không phải là đồng lõa với tội lỗi với cái xấu, nhưng trong mọi hoản cảnh hãy có cái nhìn hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Trong khi nhiều người lên án hành động của “Khá Bảnh” hay “Cu Thóc” ; miệt thị vị cựu phó Viện Trưởng VKSND Tp. Đà Nẵng ; phẫn nộ với hành vi man rợ của một số người thiếu nữ giao gà trong dịp tết nguyên đán vừa qua  ; chỉ trích, chống đối Giáo Hội vì những vụ bê bối hoặc thành kiến cá nhân với những vị lãnh đạo trong Giáo hội… Thì trong thực tế cuộc sống vẫn có cậu bé đạp xe hàng trăm cây số để thăm đứa em bệnh tật của mình, sau đó người ta bán đấu giá chiếc xe đạp và đôi dép lê đã mòn vì dùng làm phanh của em để dùng số tiền đó giúp chữa bệnh cho đứa em bệnh tật của cậu bé. Cái đẹp vẫn còn đó trong đời. Hay những nhà truyền giáo đã bỏ mạng nơi đất khách quê người vì lòng nhiệt thành truyền giáo của mình…

Cụ thể trong hoàn cảnh của chúng ta, chắc chắn còn rất nhiều người chưa được tốt cả về xã hội lẫn tôn giáo. Cái nhìn thông cảm của chúng ta là đừng làm cho những cái tệ hại lan rộng thêm, nhưng hãy cố gắng giới thiệu những nét đẹp trong cuộc đời, ít nhất là bản thân chúng ta lo sống đạo cho tốt, rồi lôi kéo, nhắc nhở người ta để họ cũng được quay về với Chúa.

“Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa” Con đường sống Đức Giêsu đã mở ra cho người tội lỗi, cũng là mở ra cho mỗi người chúng ta. Hãy bắt chước Ngài để có cái nhìn cảm thông và nâng đỡ.

Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con! Xin cho chúng con cũng biết thông cảm, tha thứ cho người khác.

 

* gpcantho.com  -  Lm. Giuse Nguyễn

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> Suy Niệm Chúa Nhật