Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
5 Phút Lời Chúa Từ 11-20/01/2019
Ngày đăng: 13/01/2019

5 Phút Lời Chúa Từ 11-20/01/2019

11/01/19 THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 5,12-19

 

CHÚA CHẠM ĐẾN VÀ CHỮA LÀNH

Có một người đầy phong hủi vừa thấy Chúa Giê-su liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh (Lc 5,12-14)

Suy niệm: Trong thời Chúa Giê-su, bệnh phung hủi được xem là thứ bệnh vô cùng gây hại và dễ lây lan, vì thế, người bệnh phải bị cách ly khỏi cộng đồng. Những ai tiếp xúc với người bệnh cũng bị xem là người ô uế. Đó là lý do người ta phải tránh xa những người phung hủi và những người bị bệnh này có bổn phận báo cho mọi người tránh xa mình. Nhưng đối với Chúa Giê-su thì không như thế. Ngài là Đấng Thánh, nhưng Ngài cũng là Đấng Cứu Độ; nên Ngài đã đến, sờ chạm vào làn da bệnh tật cũng là chạm đến tâm hồn dập nát vì tội lỗi của bệnh nhân. Khi chạm đến tội nhân, Chúa Giê-su không vướng mắc tội lỗi, nhưng dùng quyền năng của lòng thương xót mà thứ tha tội lỗi và phục hồi trái tim họ trở lại tình trạng tốt lành. Hơn nữa, Chúa Giê-su luôn ước ao chữa lành và tha thứ cho những ai cần đến lòng thương xót của Ngài. Tha thứ và chữa lành là việc làm không hề mệt mỏi của Chúa.

Mời Bạn: Bạn đang ở trong tình trạng nào? Thánh nhân hay tội nhân? Người phung hủi đã đến xin Chúa chữa lành, còn bạn, đức tin của bạn thúc đẩy bạn đến được với Chúa và nài xin Ngài chữa lành không?

Sống Lời Chúa: Xét mình hằng ngày  và đi xưng tội ngay mỗi khi phạm tội trọng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con nhận biết và tin tưởng vào lòng Chúa thương xót, can đảm đến với Chúa xin ơn tha thứ mỗi khi con phạm tội.

 

12/01/19 THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
Ga 3,22-30

 

VAI CHÍNH – VAI PHỤ

Gio-an trả lời: “Người phải lớn lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)

Suy niệm: Ai cũng thích mình là người quan trọng, người đóng vai chính. Vì thế, người ta luôn cố gắng “đánh bóng” hình ảnh mình để người khác chú ý. Chính do tham vọng vai chính này, bao nhiêu cái xấu đã xuất hiện: ganh ghét, tranh đua, chụp mũ, tiêu diệt… Hiểu được vậy, chúng ta mới nhận thức được tư cách tuyệt vời của vị Tiền Hô của Đức Giê-su. Ý thức vai phụ của mình, Gio-an đã trả lời cho các môn đệ, vốn nặng óc bè phái, khi họ phàn nàn với ông về việc thiên hạ đi theo Đức Giê-su: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” Dù được thiên hạ kính trọng, Gio-an vui vẻ đóng trọn vai phụ của mình khi hướng mọi nổi bật cho vai chính; dù đi trước, ông làm mọi cách để người ta chú ý đến Đấng đến sau. Không lạ gì Đấng đến sau ấy đã hết lời khen ngợi ông: “trong số các phàm nhân lọt lòng mẹ, chưa có ai cao trọng bằng Gio-an Tẩy Giả” (Mt 11,11).

Mời Bạn: Sống có lý tưởng là sống vì, sống với, và sống cho. Lý tưởng sống của người Ki-tô hữu là để danh Chúa được rạng rỡ vinh quang, qua chính đời sống trần thế của mình.

Chia sẻ: Trong những thành công đạt được, bạn đã dành bao nhiêu phần trăm cho Chúa, hay cho rằng tất cả do công lao của mình?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống phần đầu kinh Lạy Cha: “nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc khi là vai phụ cho Chúa, để dọn đường cho Chúa đến với các tâm hồn, không lôi kéo người khác chú ý đến con, nhưng là với Chúa. Amen.

 

13/01/19 CHÚA NHẬT TUẦN 1 TN – C
Chúa Giê-su chịu phép rửa
Lc 3,15-16.21-22

 

NHẬN MÌNH LÀ TỘI NHÂN

Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa. (Lc 3,22)

Suy niệm: Trong khi loài người kiêu ngạo tự nâng mình lên thì Con Thiên Chúa thánh thiện lại tự hạ mình xuống. Trong khi xu hướng loài người là che dấu tội, dấu tội mình thì Con Thiên Chúa lại công khai xếp mình vào hàng tội nhân, tự nguyện ghé vai gánh hết tội lỗi và mọi hình phạt mà đáng ra loài người phải chịu. Con Thiên Chúa chịu phép rửa như thể Ngài là một tội nhân, bởi vì đó chính là ý muốn của Thiên Chúa, Cha của Ngài mà Ngài luôn luôn sẵn sàng vâng phục. Và do đó, Người thật xứng đáng được nghe lời Chúa Cha nói với mình: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11).

Mời Bạn: Việc Đức Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan nhắc chúng ta nhớ tới thân phận tội lỗi của mình. Chúng ta mang trong mình tội truyền từ nguyên tổ A-đam và cả tội riêng mình. Tất cả những tội lỗi ấy đều phát xuất từ tính kiêu ngạo. Đức Giê-su, vốn không có tội, đã tự hạ bằng một cuộc “đi xuống”. Loài người chúng ta hay kiêu ngạo tự xếp mình vào một chỗ cao hơn mình đáng. Bởi đó, chúng ta cần làm một cuộc “đi xuống” đứng vào vị trí tội nhân của mình và xin được tái thanh tẩy bằng bí tích Hòa Giải. Được như vậy, chúng ta cũng sẽ được Chúa Cha nói với chúng ta: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con.”

Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình để ý thức hơn về thân phận tội lỗi của mình và luôn sống khiêm nhường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa vốn không có tội mà tự nguyện hạ mình xuống, đứng vào hàng tội nhân. Còn chúng con vốn là những tội nhân và kiêu ngạo tự nâng mình lên. Xin cho chúng con thấy rõ mình mà tự khiêm tự hạ.

 

14/01/19 THỨ HAI TUẦN 1 TN
Mc 1,14-20

 

TIN MỪNG CỦA THIÊN CHÚA

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (Mc 1,14)

Suy niệm: Những môn đệ của Chúa Ki-tô, các Ki-tô hữu, là những sứ giả của niềm vui, bởi vì Thầy mình là Đức Ki-tô ngay từ lúc khởi đầu và trong suốt sứ vụ công khai, đã loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Vui mừng vì lời hứa cứu độ mà dân Chúa mong chờ từ bao đời nay, giờ đây đã trở thành hiện thực. Vui mừng vì ơn cứu độ không chỉ cho riêng ai mà cho tất cả mọi người, mọi dân nước. Tin Mừng đó không phải là một hệ thống luật lệ giáo điều, nhưng là sự sống hiện diện cụ thể nơi con người Giê-su: Đấng là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Đi theo Đức Ki-tô, trở thành môn đệ của Ngài là đón nhận niềm vui vì được cứu độ, được sống trong mối tình thân thiết với Chúa và lan toả niềm vui ấy cho mọi người. Để loan báo tin vui thì chính mình phải sống trong niềm vui. Ngược lại, Ki-tô hữu sống u buồn không những dần xa Chúa mà còn xa anh em và cả chính mình.

Mời Bạn: Bạn đang hân hoan vui tươi hay u sầu lắng lo? ĐTC Phanxicô nói: “Không người Ki-tô hữu nào có thể sống mà không có niềm vui.” Ngài mời gọi các tín hữu sống tâm tình vui tươi của Phục sinh hơn là đóng mình trong than vãn của mùa Chay. Vui tươi để nên giống Chúa và luôn sống hân hoan. Vui tươi để trổ sinh bình an, lớn dần trong đức tin, và tỏa lan tình thương.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện mỗi khi bắt đầu một ngày sống: “Lạy Chúa, xin Chúa luôn ở với con và ban cho con tràn ngập niềm vui của Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn cậy trông nơi Chúa để con sống trong niềm vui và chia sẻ niềm vui đó cho những người con gặp gỡ.

 

15/01/19 THỨ BA TUẦN 1 TN
Mc 1,21-28

 

THÁN PHỤC LỜI NGÀI

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền… (Mc 1,22)

Suy niệm: Là Ki-tô hữu, chúng ta lãnh nhận ba chức năng: ngôn sứ, tư tế, vương đế. Công đồng Tren-tô, thế kỷ 16 đã đặt chức năng tư tế lên hàng đầu. Bốn trăm năm sau, Công đồng Va-ti-ca-nô II đã có sự hoán chuyển vị trí: chức năng ngôn sứ được ưu tiên hàng đầu. Điều đó làm cho chúng ta suy nghĩ?! Chúa Giê-su đến trần gian, Ngài rao giảng cho dân chúng về Thiên Chúa, về tình thương của Thiên Chúa được thể hiện nơi Ngài. Ngài xác định, sứ mạng của Ngài ra rao giảng. “Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43). Lời rao giảng của Chúa Giê-su, lời đó có quyền năng; lời đó làm cho người ta sống. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Mc 4,4). Lời hằng sống và uy quyền của Chúa Giê-su khiến thiên hạ sửng sốt.

Mời Bạn: Đối với bạn và tôi, Đức Giê-su là Chúa; chúng ta có cảm nhận thêm rằng: Ngài là “bậc Thầy” nơi lời nói, lời dạy của Ngài. Bạn đã sửng sốt khi nghe lời Ngài? Bạn có say mê, bị lời Ngài thu hút? Bạn có khao khát, ước muốn yêu mến lời của Ngài và rao giảng lời Ngài không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày đọc một đoạn Lời Chúa và để cho Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lời của Chúa làm cho con sống, làm no thỏa tâm hồn con, nhưng vì nhiều lý do, con đã hạ giá lời Chúa, khi mà con nghe lời Chúa và chỉ dừng lại ở việc: rút ra bài học. Xin cho con sửng sốt mỗi khi nghe Lời hằng sống của Chúa và xin sai con đi loan báo Lời Chúa. Amen.

 

16/01/19 THỨ TƯ TUẦN 1 TN
Mc 1,29-39

 

CHÚA VÌ YÊU…

“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.” (Mc 1,32)

Suy niệm: Ngày hưu lễ mà nào Chúa có được nghỉ ngơi gì! Suốt cả ngày giảng dạy ở hội đường và trừ quỷ, tối đến Chúa về nhà hai anh em ông Si-mon và An-rê hẳn là để ngả lưng một chút. Thế mà dân chúng cũng đâu có để Ngài yên: Không được gồng gánh gì đi ngang qua thành trong ngày sa-bát (x. Gr 17,24) thì họ đợi đến lúc mặt trời lặn mới “đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.” Một ông bác sĩ có “hút” khách đến mấy đi nữa, hẳn sẽ cho họ “vé giữ chỗ” và hẹn họ đến khám bệnh vào ngày hôm sau thôi. Chúa Giê-su, vị lương y chữa trị tâm hồn khỏi tật bệnh tội lỗi, tai ách của ma quỷ, Ngài không hành xử như thế. Ngài không nổi nóng, không bất nhẫn vì bị quấy rầy, phiền hà. Trái lại Chúa vì yêu nên đón nhận tất cả, chữa lành tất cả để làm chứng cho sự thật này là Ngài yêu thương và muốn cứu độ mọi người. Vì yêu, Ngài lại lên đường đến những nơi khác để tiếp tục hành vi cứu thế cho đến khi hoàn tất chương trình cứu độ bằng cái chết trên thập giá, bởi vì Ngài sinh ra và đến trong thế gian là để làm việc đó.

Mời Bạn: Chúa vì yêu đã làm tất cả những điều đó để đem ơn cứu chuộc đến cho bạn. Phần bạn, bạn đã cảm nhận được tình yêu của Chúa trong cuộc đời bạn như thế nào? Bạn có vì yêu Chúa mà sẵn sàng xả thân phục vụ anh chị em mình chưa?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn chú ý làm thật chu đáo công việc bổn phận với ý hướng vì yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vì yêu mà hiến thân cứu độ chúng con. Xin cho con biết vì yêu Chúa mà hiến thân làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.

 

17/01/19 THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Th. An-tôn Pa-đô-va, viện phụ
Mc 1,40-45

 

LÒNG THƯƠNG XÓT CỨU ĐỘ

Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh. (Mc 1,41)

Suy niệm: Những người phong, cư dân trên đảo Molokai, xôn xao khi thấy cha Đa-miêng đến chung sống với mình. Họ càng cảm động hơn khi biết vị linh mục trẻ này hoàn toàn lành lặn, chỉ vì yêu thương họ quá, nên tình nguyện đến chia sẻ và phục vụ họ ngay trên mảnh đất khốn khổ này. Ngài đã phá đổ hàng rào ngăn cách vô hình giữa người lành/người phong, da trắng/da mầu, Ki-tô hữu/ngoại đạo. Qua cử chỉ giơ tay đụng vào người phong, Đức Giê-su cũng xóa tan hố sâu ngăn cách xã hội thời đó đặt ra. Thật vậy, ngoài những đau đớn khủng khiếp nơi thân xác, người phong thời ấy còn phải chịu nỗi đau buồn cùng cực trong tinh thần khi bị cộng đồng ruồng bỏ. Đức Giê-su đã đụng đến người phong không chỉ bằng bàn tay, nhưng còn bằng lòng thương xót trước nỗi khổ của con người.

Mời Bạn: Nhìn ngắm mẫu gương của Đức Giê-su khi Ngài kết hợp tài tình giữa trái tim chạnh lòng thương và bàn tay giơ ra, đụng đến chữa lành, cũng như giữa lòng thương xót và quyền năng. Bạn được mời gọi vận dụng mọi nguồn lực để bày tỏ lòng thương xót.

Chia sẻ: Sống trong một thế giới đầy những hố sâu phân cách: giàu-nghèo, hạnh phúc-bất hạnh… bạn làm gì để vượt qua những hố sâu này ngõ hầu diễn tả lòng thương xót?

Sống Lời Chúa: Tập mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận nhiều người, hơn là chỉ trong nhóm người quen thuộc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa, để biết chạnh lòng thương trước đau khổ của người lân cận. Xin cho bàn tay chúng con cũng biết giơ ra đụng đến và làm vơi nhẹ nỗi đau của người khác.

 

18/01/19 THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Tuần lễ cầu cho hiệp nhất Ki-tô hữu
Mc 2,1-12

 

QUYỀN NĂNG THA THỨ

Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5)

Suy niệm: Thật là lạ! Những người có mặt không tỏ vẻ khó chịu về cái vụ gỡ mái nhà để thả người bại liệt xuống trước mặt Chúa. Mà những kinh sư lại bất bình vì Chúa nói lời tha tội mà họ cho là phạm thượng. Mà cũng lạ hơn nữa. Họ đến xin chữa cho khỏi bại liệt. Còn Chúa Giê-su, Ngài nhìn ra đức tin trong lòng họ và ban ơn tha tội. Ngài chữa lành bệnh tật cho họ – đó là điều phụ thuộc – để dẫn họ đến điều chính yếu: họ được tha tội và được cứu khỏi mọi ác quả của tội lỗi. Ngài tỏ cho chúng ta thấy quyền năng thật sự của Thiên Chúa. quyền năng tha thứ, quyền năng cứu độ của một Thiên Chúa đầy yêu thương.

Mời Bạn: Đường đến với Chúa không phải bao giờ cũng suôn sẻ; có phải chúng ta vẫn hay dễ dàng bỏ cuộc ngay từ trở ngại đầu tiên? Và nhất là trên con đường đến tòa hòa giải để nhận ơn tha thứ? Bạn có sẵn sàng để người khác giúp bạn đưa bạn đến với Chúa không?

Chia sẻ: Bạn nghĩ thế nào về ý kiến của một số người cho rằng: Chúa là Cha nhân lành lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ cho tôi, mọi nơi và mọi lúc, vì thế tôi cần gì phải đi đến tòa giải tội?

Sống Lời Chúa: Tòa giải tội là nơi để nhận ơn chữa lành tận căn bên trong, chứ không phải là nơi trút bỏ gánh nặng về mặt tâm lý. Để xứng đáng đón nhận niềm vui lớn lao này, tôi dốc lòng chuẩn bị kỹ càng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa chí ái, mỗi lần con được tha thứ, là thêm một lần Chúa thực thi quyền năng tối thượng của Chúa trên con. Xin cho con biết mau mắn tìm về và gặp được Chúa những khi con lỗi lầm để con được Chúa thứ tha.

 

19/01/19 THỨ BẢY TUẦN 1 TN
Mc 2,13-17

 

CÓ ĐIỀU LẠ LÙNG NHƯ THẾ

Đi ngang qua trạm thu thuế, Chúa Giê-su thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mc 2,14)

Suy niệm: Chúa Giê-su không ngồi chờ, nhưng Ngài đến với Lê-vi bên ngoài hội đường. Đây là hành động gợi hứng cho Giáo Hội đi ra vùng ngoại vi để truyền giáo. Hành động này của Chúa đã gây ngạc nhiên cho người Do Thái, bởi đối với họ, những người thu thuế như Lê-vi hạng người tội lỗi đáng khinh vì tiếp tay cho người Rô-ma, ấy là chưa nói họ còn là tham lam, làm nhiều điều bất công, bóc lột đồng bào. Thế mà Chúa Giê-su đón nhận các môn đệ thế nào, Ngài cũng đón nhận Lê-vi như thế. Ngài kêu gọi các môn đệ đầu tiên theo Ngài như thế nào, Ngài cũng kêu gọi Lê-vi cùng một lời như thế: “Hãy theo tôi.” Ngài mong đợi họ đáp lời Ngài như thế nào, Ngài cũng mong đợi Lê-vi ưng thuận đáp lời Ngài như thế. Lê-vi đã đứng dậy đi theo Chúa như lòng Ngài mong ước.

Mời Bạn: Nhiều người hôm nay không nghĩ rằng Chúa đang mời gọi họ đi theo Ngài và sống thân thiết với Ngài. “Chúa không muốn làm điều gì tốt lành cho tôi đâu. Chúa không muốn tôi trở nên người con của Chúa đâu.” Họ tưởng rằng lời mời gọi của Chúa chỉ dành cho những ai tốt lành và đầy hy vọng chứ không phải họ. Thì hôm nay, bạn và tôi tin tưởng rằng, Chúa mời gọi chúng ta như mời gọi Lê-vi hay Phê-rô và các môn đệ khác. Lê-vi đã đứng dậy đi theo Chúa. Còn bạn thì sao?

Sống Lời Chúa: Tạ ơn Chúa hằng ngày vì bạn được chọn làm con Chúa và tông đồ của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nầy con đây, xin hãy sai con!

 

20/01/19 CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – C
Ga 2,1-11

 

RƯỢU CỦA ĐẤNG MÊ-SI-A

“Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” (Ga 2,10)

Suy niệm: Chúa Giê-su nhiều lần sử dụng hình ảnh “rượu” để nói về chính bản thân Ngài. Các Tin Mừng Nhất Lãm coi Chúa Giê-su là “rượu mới”, tức là giao ước mới, để đối lập với thứ “rượu cũ” là giao ước cũ. Còn trong Tin Mừng Gio-an, tác giả cũng dùng một hình ảnh tương tự là “rượu ngon” để đối lập với “rượu xoàng”. Mặc dù không minh nhiên giải thích, nhưng hình ảnh “rượu ngon” trong tiệc cưới Ca-na muốn chỉ về đạo lý Tin Mừng, là chính Chúa Giê-su. Như vậy, từ thứ rượu vật chất tại tiệc cưới Ca-na, Chúa Giê-su mời gọi mọi người phải tìm đến một thứ rượu quý hơn, “rượu Mê-si-a” nghĩa là thứ rượu thiêng liêng cho tâm hồn. Thứ rượu ấy được ban cho nhân loại trong “giờ” Ngài bị treo lên thập giá. Đó là lý do vì sao mà hôm nay Chúa trả lời với thân mẫu của Ngài rằng: “giờ của con chưa đến” (c.4).

Mời Bạn: Những thứ rượu vật chất có thể làm chúng ta say sưa nghiện ngập và làm hại chúng ta. Chìm đắm trong men say đó có thể làm chúng ta xa Chúa, xa anh chị em. Tuy nhiên, thứ rượu thiêng liêng của Chúa thì khác. Chúa ban thứ rượu ấy để những ai đón nhận được “say” trong tình yêu của Ngài. Bạn hãy tìm đến thứ rượu thiêng liêng đó để tâm hồn được gần Chúa, nhờ đó bạn hăng say trong hoạt động tông đồ và làm chứng nhân cho Ngài.

Sống Lời Chúa: Bạn quyết tâm từ bỏ những thứ đam mê xấu để tâm hồn luôn hướng về Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con được say mê Lời Chúa, say “men rượu Mê-si-a” và nhờ đó, suốt đời con chỉ biết say mê một mình Chúa mà thôi.

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> 5 phút Lời Chúa