Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
5 PHÚT LỜI CHÚA TUẦN 4 MÙA VỌNG C
Ngày đăng: 21/12/2018

5 PHÚT LỜI CHÚA TUẦN 4 MÙA VỌNG C

23/12/2018 - CHÚA NHẬT TUẦN 4 MV – C

Lc 1,39-45

THĂM VIẾNG SẺ CHIA

 

“Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với em.” (Lc 1,45)

Suy niệm: Tại sao Mẹ lại vội vã đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét? Bởi vì Mẹ tin lời sứ thần loan báo về việc thụ thai của người chị họ tuổi cao son sẻ, đến thăm để phục vụ bà. Quả thế, một khi đã tin vào Lời Chúa, Mẹ Ma-ri-a chấp nhận dám liều để cho Lời ấy thay đổi cuộc đời mình theo chương trình của Ngài. Dưới sự thúc đẩy của Lời ấy, Mẹ sẵn sàng lên đường mang Chúa đến cho người khác. Không lạ gì khi Mẹ đến với bà Ê-li-sa-bét, thì thai nhi Gio-an trong bụng bà nhảy mừng. Không nhảy mừng sao được vì thai nhi Gio-an được gặp thai nhi Giê-su cung lòng Mẹ, Đấng là ơn cứu độ của Thiên Chúa, là niềm vui cho toàn thể nhân loại?

Mời Bạn: Nhiều người thời nay, nhất là giới trẻ, “ôm” chiếc điện thoại di động, và chìm vào cuộc sống “ảo”, thờ ơ vô cảm với những người đang sống cụ thể, trực tiếp với mình trong đời sống hằng ngày. Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, Lời Chúa mời gọi bạn chiêm ngắm cuộc thăm viếng của Mẹ Ma-ri-a, để rồi, noi gương Mẹ, bạn cũng tiếp tục đem nguồn vui ơn cứu độ đến cho những người lân cận mà bạn gặp gỡ hằng ngày bằng việc quan tâm thăm viếng và hy sinh phục vụ, giúp đỡ họ.

Sống Lời Chúa: Làm những việc bác ái thật cụ thể với tha nhân theo như lời Chúa Giê-su dạy: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, thăm viếng người ốm đau bệnh tật, neo đơn, cao tuổi..., để nhận ra Chúa  hiện diện nơi những con người bé mọn ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con biết quan tâm đến anh chị em nghèo khổ chung quanh, để chia sẻ thời gian, lòng yêu mến, của cải, nhằm mang niềm vui Giáng Sinh cho họ. Amen.

 

24/12/2018 - THỨ HAI TUẦN 4 MV

Vọng lễ Chúa Giáng Sinh

Lc 1,67-79

CA NGỢI CHÚA LÀ MỘT HỒNG ÂN

 

“Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri.” (Lc 1,67)

Suy niệm: Được đầy ơn Chúa Thánh Thần, ông Da-ca-ri-a đã hát bài ca chúc tụng Thiên Chúa, loan báo rằng Con Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người và mang ơn cứu độ cho họ. Với khả năng tự nhiên của con người, Da-ca-ri-a và cả chúng ta, không ai có thể cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa được. Thư gửi tín hữu Rô-ma đã xác định với chúng ta điều đó: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,26). Bởi đó, được ca ngợi Thiên Chúa là một hồng ân.

Mời Bạn: Biến cố “Vầng Đông từ chốn cao với viếng thăm dân Ngài” mà ông Da-ca-ri-a tán tụng đã xảy ra cách đây 2.000 năm và cứ mỗi độ Giáng Sinh về, chúng ta lại tưởng niệm mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người. Bầu khí của ngày chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh, cùng với những bài thánh ca, tạo nên một sắc thái đặc biệt khiến lòng người rộn lên niềm vui mong chờ ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Thế nhưng, niềm vui phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn, làm cho tâm hồn mình như hoà quyện với bầu khí rộn rã khát mong Vầng Đông đến viếng thăm là thứ niềm vui từ trên ban cho. Niềm vui sâu xa tràn ngập tâm hồn và được bày tỏ qua hành động ấy chỉ được ban cho bạn qua tác động và phát xuất từ Chúa Thánh Thần.

Sống Lời Chúa: Cầu xin Chúa Thánh Thần mở trí mở lòng để chúng ta có thể ca ngợi Thiên Chúa qua mầu nhiệm Giáng Sinh.

Cầu nguyện:Hát kinh Chúa Thánh Thần.

 

25/12/2018 - ĐẠI LỄ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

Ga 1,1-18

THIÊN CHÚA NÓI QUA THÁNH TỬ

 

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)

Suy niệm: Để thông truyền cho người khác ý tưởng, tình cảm, ước muốn của mình, người ta thường dùng lời nói và những phương thế khác nhau để biểu đạt lời nói của mình. Để bày tỏ cho chúng ta biết ý định của Ngài, Thiên Chúa cũng dùng Lời của Ngài, là Ngôi Lời để “nói” với chúng ta. Qua Ngôi Lời ấy, Ngài mặc khải trọn vẹn những mầu nhiệm thâm sâu nhất của Thiên Chúa. Ngôi Lời vốn dĩ là Thiên Chúa, Đấng vô hình, nhưng đã trở nên hữu hình, hầu giúp nhân loại dễ tiếp cận, và nhờ đó có thể thấu hiểu những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra. Ngài là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15); vì thế, sứ điệp Ngài truyền đi không chỉ qua lời nói, mà còn qua cả cách thế hiện diện. Ngài khẳng định: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

Mời Bạn: Vì thành kiến chủ quan, vì cái nhìn thực dụng, nhiều người Do-thái đã trông đợi một Đấng Mê-si-a theo kiểu trần tục và họ đã không nhận ra Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Sai lầm ấy vẫn có nguy cơ xảy đến cho chúng ta khi chúng ta cũng mang nặng một quan niệm đầy thiên kiến, thực dụng và duy vật. Liệu rằng cách thế hiện diện của Ngài như một con người mang xác phàm, có giúp ta khám phá ý định yêu thương của Thiên Chúa không?

Sống Lời Chúa: Quên đi những thiên kiến có sẵn trong đầu, để lắng nghe sứ điệp Ngôi Lời muốn nói cùng bạn qua hình ảnh Hài Nhi nằm trong máng cỏ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đến với chúng con qua Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Xin cho chúng con có được tâm hồn đơn sơ của trẻ nhỏ khi đến với Chúa, để mầu nhiệm Nước Trời không bị đóng lại với chúng con. Amen.

 

26/12/2018 - THỨ TƯ, NGÀY 2 TUẦN BÁT NHẬT GS

Thánh Tê-pha-nô, phó tế, tử đạo tiên khởi

Cv 6,8-10; 7,54-60

TÁI HIỆN SỰ THA THỨ

 

Họ ném đá Tê-pha-nô đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ xuống kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ. (Cv 7,59-60)

Suy niệm: Thánh Tê-pha-nô là phó tế và là vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Hơn nữa, ngài chính là người chứng thứ nhất tái hiện sự tha thứ mà Chúa Giê-su đã thực hiện trên thánh giá. “Lấy ân trả oán” là phương châm hành động của thánh Tê-pha-nô. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Lấy bạo động để tiêu diệt bạo động, con người chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa hận thù và kích thích thêm bạo động mà thôi. Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù. Tê-pha-nô đã làm như Chúa Giê-su đã làm: “Trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).

Mời Bạn: Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng bằng yêu thương và tha thứ mà Chúa Giê-su đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể tiêu diệt được tận gốc rễ sự hận thù. Đó là cuộc cách mạng mà các Ki-tô phải kiên trì thực hiện mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự thù hận nằm ngay trong tâm hồn chúng ta.

Chia sẻ: Điều gì khiến bạn cảm thấy khó hoặc không thể tha thứ được?

Sống Lời Chúa: Hãy nói: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” mỗi khi bạn bị ném những viên đá vu vạ hay thêu dệt bịa đặt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban ơn sức mạnh để con biết tha thứ cho người xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của con. Xin cho con biết nói lời tha thứ như thánh Tê-pha-nô mỗi khi con không muốn thứ tha. Amen.

 

27/12/2018  - THỨ NĂM, NGÀY 3 TUẦN BÁT NHẬT GS

Thánh Gio-an, tông đồ

Ga 20,2-8

GẶP ĐẤNG PHỤC SINH

 

“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20,8)

Suy niệm: Truyền thống vẫn tin rằng “người môn đệ kia,” “môn đệ được Chúa yêu” là chính thánh Gio-an tông đồ. Đối với ông, tấm băng vải liệm xác Chúa xếp gọn một nơi bên trong mộ đá là bằng chứng Đức Giê-su phục sinh như lời Ngài phán trước. Trong khi Ma-ri-a Mác-đa-la hốt hoảng, Phê-rô không biểu cảm gì, thì Gio-an cho biết cách vắn gọn và chắc nịch: “Ông đã thấy và đã tin.” Ông đáng yêu và được Chúa yêu một phần là vì lòng tin đơn sơ và nhanh nhạy ấy.

Mời Bạn: Ơn đức tin được ban một cách thật nghịch lý theo cái nhìn tự nhiên: Những kinh sư thông thạo Thánh Kinh biết rõ Đấng Cứu Thế giáng sinh tại Bê-lem lại không đến kính thờ; Hê-rô-đê thì tìm cách thủ tiêu Đấng Cứu Thế mới giáng sinh. Đang khi đó các mục đồng đơn sơ nghèo hèn lại đến thờ lạy Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Chúa mạc khải mầu nhiệm của Ngài không phải cho những người thông thái mà cho những ai bé mọn (x. Mt 11,25). Có thể vì ích kỷ, không muốn ai khuấy động sự an tĩnh của mình, có thể vì sợ mất đặc quyền đặc lợi, và cũng có thể vì lười biếng không chịu tìm hiểu dấu chỉ của thời đại... mà nhiều người đã không nhận ra Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Bạn thì sao?

Sống Lời Chúa: Để có thể tìm gặp Đấng Phục Sinh hoặc Hài Nhi Giêsu trong cuộc sống, bạn cần giữ được một tâm hồn trong trắng, yêu mến như Gio-an và thái độ hăm hở vì Chúa như chị Ma-ri-a Mác-đa-la.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở cặp mắt đức tin để con nhìn thấy những điều lạ lùng Chúa đang thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

 

28/12/2018 - THỨ SÁU, NGÀY 4 TUẦN BÁT NHẬT GS

Các Thánh Anh Hài, tử đạo

Mt 2,13-18

HÃY BẢO VỆ SỰ SỐNG!

 

Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. (Mt 2,16)

Suy niệm: Bạo vương Hê-rô-đê “đùng đùng nổi giận” bởi vì đằng sau việc bị “quả lừa” của các đạo sĩ, ông còn tiềm ẩn một mối lo: lời tiên tri về một vị Vua cứu thế chào đời lại trùng khớp với điềm lạ ánh sao dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ từ phương xa tìm đến. Một trẻ sơ sinh tưởng chừng vô hại nay lại là mối đe doạ cho ngai vàng của ông: Sẽ không còn thâu tóm trong tay mọi quyền lực. Sẽ không còn ung dung phè phỡn hưởng thụ lạc thú. Thế là… Hê-rô-đê đã “hỏi han cặn kẽ”, đã tính toán rất kỹ: Thà giết lầm hơn bỏ sót!!! Và ông đã xuống tay thực hiện tội ác!!!

Mời Bạn: Hẳn bạn cảm thấy rùng mình ghê sợ trước sự tàn bạo của Hê-rô-đê. Thế nhưng, bạn có rùng mình khi biết rằng hiện nay trên thế giới, mỗi ngày hàng triệu thai nhi bị tàn sát bằng những kỹ thuật tân kỳ? Phải chăng sự xuất hiện của những trẻ thơ ấy sẽ làm xáo trộn cuộc sống bình yên của chúng ta? Phải chăng vì chúng ta đã chỉ muốn hưởng thụ, thậm chí hưởng thụ một cách vô độ và ích kỷ nhưng lại không dám đứng ra nhận lãnh trách nhiệm?

Chia sẻ Dưới ánh sáng Lời Chúa, nhóm của bạn cùng phân định những nguyên nhân và hệ quả của việc phá thai.

Sống Lời Chúa: Tích cực tham gia vào các hoạt đông bảo vệ sự sống: an táng các thai nhi bị bỏ; khuyên bảo, trợ giúp những người mẹ muốn phá thai từ bỏ ý định đó, v.v…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Hài Nhi, xin dạy chúng con biết tôn trọng sự sống và nỗ lực bảo vệ sự sống.

 

29/12/2018 - THỨ BẢY, NGÀY 5 TUẦN BÁT NHẬT GS

Thánh Tô-ma Béc-két, giám mục, tử đạo

Lc 2,36-40

ÂN NGHĨA VỚI CHÚA

 

Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. (Lc 2,40)

Suy niệm: Nếu phải lựa chọn giữa ‘tài’ và ‘đức,’ bạn chọn điều nào? Hẳn bạn nghĩ người ta sẽ chọn ‘đức’. Thế nhưng, trong thực tế thì không phải như vậy. Chẳng hạn, trong việc giáo dục thế hệ tương lai, lắm giáo viên và nhà trường chạy đua theo thành tích, nhiều phụ huynh lo lắng cho con cái học thêm cốt để có nhiều kiến thức trong khi đó việc ‘đức dục’ chỉ được một sự quan tâm rất nhỏ gần như bằng không. Những hiện trạng đạo đức băng hoại, bạo lực học đường… cho thấy hậu quả của việc đào tạo ra những thế hệ trẻ có ‘tài’ mà thiếu ‘đức.’ Hình ảnh trẻ Giê-su lớn lên “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52) là gương mẫu cho những người trẻ ngày nay biết rèn luyện mình trở nên người ‘tài đức song toàn’ và cũng là lời nhắc nhở cho các bậc làm cha mẹ và thầy cô tránh được sự mất quân bình trong việc giáo dục con em.

Mời Bạn:Phải chăng bạn đang quá bị áp lực trong công ăn việc làm đến độ thiếu sự quan tâm, thiếu thời gian dành cho con cái? Hoặc bạn có đang quá lo cho con cái mình có mọi thứ kiến thức, kỹ năng, bằng cấp mà lơ là việc giáo dục đạo đức, giáo dục đức tin cho chúng?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm sắp xếp thời giờ, công việc để cho con cái được học giáo lý đầy đủ và để gia đình mình có giờ đọc kinh cầu nguyện chung với nhau để giáo dục con cái nên người vừa có tài vừa có đức.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng, con ước mong các trẻ em hôm nay cũng được cha mẹ ý thức nuôi nấng dưỡng dục như Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se ngày xưa tại Na-da-rét. Amen.

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> 5 phút Lời Chúa