Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
5 Phút Lời Chúa Tuần 23 Thương niên B
Ngày đăng: 07/09/2018

5 Phút Lời Chúa Tuần 23 Thương niên B

09/09/2018 - CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – B

Mc 7,31-37

XIN CHÚA CHỮA LÀNH

 

“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” (Mc 7,37)

Suy niệm: Chúa Giê-su có nhiều cách thế chữa bệnh, Ngài có thể chỉ cần nói một tiếng là người câm điếc được khỏi nhưng ở đây Chúa lại kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, nhổ nước miếng bôi vào lưỡi anh và ngước mắt lên trời nói: “Ép-pha-tha”- “hãy mở ra”. Tại sao Chúa lại dùng nhiều công đoạn nhiêu khê đến thế? Phải chăng qua cử chỉ đụng chạm tới anh, Chúa muốn bày tỏ sự quan tâm hiền dịu của tình yêu thương, và qua đó thực thi quyền năng chữa lành? Qua việc kéo anh ra khỏi đám đông, phải chăng Chúa muốn anh từ nay ra khỏi cái tôi hẹp hòi và mở lòng ra với Chúa, trong mối tương quan thân tình?

Mời Bạn: Chúa ban cho bạn nhiều ân huệ và khả năng để bạn phát huy mà phục vụ tha nhân và làm vinh danh Chúa. Nhưng nếu bạn đóng cửa tâm hồn và sử dụng những món quà Chúa ban một cách ích kỷ hoặc sai trái, thì bạn giống như người câm điếc đang đóng kín lại với chính mình. Mời bạn cầu xin Chúa mở tai bạn ra để nghe tiếng Chúa, mở miệng bạn ra để nói Lời của Chúa; có như thế, những mảng tối đời bạn được trở nên tươi sáng, và nhờ đó, bạn mở lòng ra với Chúa và với tha nhân.

Chia sẻ: Cần đánh thức những tiềm năng và những ân huệ nào Chúa ban để bạn phục vụ cách hữu hiệu hơn?

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện với Lời Chúa để nội tâm hóa chính mình, hầu biến đổi nên giống Chúa hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở tai con, mở miệng con, mở mắt con và mở lòng con để nhận ra tình thương của Chúa và thực thi tình thương đó cho những người xung quanh con. Amen.

 

10/09/2018 - THỨ HAI TUẦN 23 TN

Lc 6,6-11

MÔN ĐỆ CỦA ĐẤNG LÀ SỰ SỐNG

 

“Ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” (Lc 6,9)

Suy niệm: Trong hội đường nhỏ bé ngày ấy, có ba loại người: (1) người đau ốm cần giúp đỡ; (2) người tận tâm đem lại sự sống cho kẻ khác; (3) người tìm phương kế để tiêu diệt người khác. Câu hỏi của Đức Giê-su trên đây đặt người Pha-ri-sêu vào thế lúng túng, bởi vì nói đúng tim đen của họ. Trong thế giới rộng lớn ngày nay, vẫn là ba hạng người: (1) những người cần sự nâng đỡ để có sự sống; (2) những người nỗ lực phò sự sống, xây dựng nền văn minh tình thương; và (3) những kẻ chủ trương tiêu diệt sự sống của người khác, để mình có thể sống hưởng thụ sung sướng, hay cổ võ nền văn hóa sự chết. Là Ki-tô hữu, chắc chắn bạn được mời gọi bước theo con đường của Thầy mình.

Mời Bạn: Nhớ lại những con số lạnh lùng cho thấy tình trạng báo động về nạn ô nhiễm môi trường, phá thai, thu nhập chênh lệch giàu-nghèo, sử dụng bạo lực… Bạn được mời gọi góp phần, dù nhỏ bé, trong công cuộc gây ý thức và xây dựng nền văn minh tình thương trong cộng đồng nơi bạn sinh sống. 

Chia sẻ: Người Ki-tô hữu có thể làm gì để đưa những giá trị sự sống của Nước Trời vào môi trường sống của mình?

Sống Lời Chúa: Nhận diện một hoặc các tệ nạn trong xã hội, và trong khả năng của mình, tìm phương cách tạo sự thay đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con trở nên muối men, cộng đoàn chúng con trở thành ánh sáng như thành được xây trên núi cao. Xin cho chúng con can đảm nỗ lực góp phần, dù khiêm tốn, trong công cuộc cổ võ và sống những giá trị của Nước Trời trong xã hội chúng con. Amen.

 

11/09/2018 - THỨ BA TUẦN 23 TN

Lc 6,12-19

VĨ ĐẠI NHỜ CẦU NGUYỆN

 

“Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6,12)

Suy niệm: Thấy thái độ cầu nguyện sốt sắng của vị giáo sư toán nổi tiếng Pascal trước Thánh Thể, một sinh viên đã hỏi ông: “Làm thế nào mà một nhà toán học vĩ đại như giáo sư lại có thể tin và cầu nguyện khiêm nhường như vậy được?” Mỉm cười, vị giáo sư ôn tồn: “Này con, chẳng có ai là vĩ đại cả, và con người chỉ trở nên vĩ đại khi cầu nguyện với Thiên Chúa, vị Chủ Tể trời đất mà thôi.” Quả vậy, cầu nguyện là chuyện trò, là kết hợp với Thiên Chúa, và người cầu nguyện đi vào mối tương giao thân tình với Thiên Chúa. Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta một tấm gương sáng về cầu nguyện: “Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”.

Mời Bạn: Cầu nguyện rất cần thiết cho đời sống đạo của người ki-tô hữu. Cầu nguyện được ví như hơi thở của linh hồn. Nếu bạn thiếu cầu nguyện, chắc chắn đức tin của bạn đang gặp vấn đề. Vậy, bạn đừng quên cầu nguyện mỗi ngày nhé.

Chia sẻ: Trong những trường hợp nào bạn thấy cần phải cầu nguyện thật nhiều? Khi gặp thử thách hay đứng trước một quyết định quan trọng, bạn có nhớ cầu nguyện không?

Sống Lời Chúa: Noi gương Chúa Giê-su thức suốt đêm để cầu nguyện với Chúa Cha, tôi sẽ tập thói quen dành ít nhất năm phút để cầu nguyện với Thiên Chúa, như một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống mỗi ngày.

Cầu nguyện:Đọc kinh Lạy Cha cách chậm rãi, sốt sắng với tâm tình của người con đang hướng về Cha mình là Thiên Chúa.

 

12/09/2018 - THỨ TƯ TUẦN 23 TN

Danh Thánh Đức Ma-ri-a

Lc 6,20-26

PHÚC VÀ HOẠ

 

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó... Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có…” (Lc 6,20.24)

Suy niệm: Phúc âm Lu-ca không đề cập đến tám mối phúc, mà là bốn mối phúc và bốn mối ‘hoạ’, tương phản nhau từng đôi một. Chúa nói phúc cho ai nghèo, đói, sầu khổ, bị người đời ghét bỏ vì Chúa. Đồng thời Ngài nói khốn cho ai giàu, no nê, vui cười, được người đời ca tụng. Thật là nghịch với kỳ vọng thông thường của chúng ta. Ta không dốc sức để được giàu có hơn, no ấm hơn, được nhiều niềm vui, nhiều vinh dự hơn đó sao? Ta không cầu chúc nhau thịnh vượng, thành đạt đó sao? Hẳn là Đức Giê-su thừa biết điều đó, sao Ngài vẫn thẳng thắn tuyên bố những điều rất khó được người ta đón nhận như vậy?

Mời Bạn: Chắc chắn là Chúa không chủ trương ‘bần cùng hoá’ con người, Ngài cũng không cổ võ cho một loại ‘thống khoái’ (= thích khổ) nào đó. Ngài từng tuyên bố Ngài “đến cho chiên được sống dồi dào” cơ mà! (x. Ga 10,10). Vậy những lời Chúa nói đây phải được nghe trong bối cảnh hiện sinh: ĐANG có những người nghèo khổ đó, và họ vui mừng vì biết Thiên Chúa đứng về phía họ; ĐANG có những người giàu sang phú quí đó, và họ phải cảnh tỉnh về trách nhiệm mà họ phải có đối với những người nghèo khổ xung quanh họ. Điều vừa nói càng rõ rệt hơn trong bối cảnh xã hội hôm nay khi sự phân hoá giàu nghèo do bất công, bóc lột áp bức ngày càng nhức nhối và sâu sắc.

Chia sẻ: Bạn kinh nghiệm thế nào về sự thật chất chứa trong Lời Chúa nói về phúc và hoạ hôm nay?

Sống Lời Chúa: Chúng ta không ngừng quan tâm nâng đỡ anh chị em nghèo khổ, thiếu thốn.

Cầu nguyện:Đọc.hát Kinh Hoà Bình.

 

13/09/2018 - THỨ NĂM TUẦN 23 TN

Thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ HT

Lc 6,27-38

LÝ DO KHÔNG XÉT ĐOÁN

 

Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.”(Lc 16,37)

Suy niệm: Có nhiều lý do chúng ta không được xét đoán anh em, trong đó có bốn lý do quan trọng sau đây.

  1. ai có thể biết hết được người khác suy nghĩ, nhận thức, phản ứng thế nào trong mọi trường hợp. Do đó, không thể lấy nhận thức của mình để phán quyết về người khác.
  2. tình cảm yêu ghét, thích không thích điều khiển, mà tình cảm thì thiếu tính khách quan. Bởi vậy, người Việt Nam chúng ta có câu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau qủa bồ hòn cũng méo.”
  3. Con người nhìn vào mình mà đấm ngực vì lỗi lầm của mình thì đúng, còn tự cho mình là luật sư mà xét xử người khác thì mười lần chín lần là sai.

Mời Bạn: Chúng ta thường dễ xét đoán sai lạc cho người khác. Nhìn lại những lần mình xét đoán cho tha nhân thì sẽ thấy mình đã làm những chuyện buồn cười như chuyện “người mù mô tả con voi”. Do đó, xét đoán là điều cần loại bỏ.

Sống Lời Chúa: Tập nghĩ tốt, nói tốt về người khác thay cho những lời xét đoán vô cớ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Ánh Sáng. Xin soi chiếu cho con thấy rõ con người tội lỗi của con để con hoán cải, đồng thời nhìn tha nhân với cái nhìn tích cực để con thấy điều hay điều tốt nơi họ.

 

14/09/2018 - THỨ SÁU TUẦN 23 TN

Suy tôn Thánh Giá

Ga 3,13-17

THÁNH GIÁ VINH QUANG

 

“Như ông Mô-sê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy.” (Ga 3,14)

Suy niệm: Ở phòng truyền thống của Hội Thừa Sai Paris (MEP) hiện nay vẫn còn giữ được những di vật của các thánh tử đạo Việt Nam: những sợi xích, những chiếc gông các vị tử đạo đã mang khi chịu nhục hình, chịu chết được cất giữ cẩn thận trang trọng trong các tủ kính. Tự bản thân, chúng chỉ là những dấu hiệu của khổ nhục; giá trị vật chất của chúng cũng không nhiều. Thế nhưng chúng quí giá vì chúng là bằng chứng cho niềm tin bất khuất của các vị tử đạo. Suy cho cùng, không phải bất cứ cây thập giá nào cũng được tôn vinh mà chỉ có Thập giá Chúa Ki-tô bởi vì nhờ cây Thập Giá đó, Chúa Ki-tô đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nhờ kết hiệp với Thập giá Chúa Ki-tô, những gông xiềng các vị tử đạo, và nói rộng ra, mọi hy sinh, nỗ lực của chúng ta cũng góp phần dẫn chúng ta đến hạnh phúc cứu độ.

Mời Bạn: Những cây thập giá bằng vàng, bạc chúng ta đeo sẽ chỉ có giá trị một món đồ trang sức, những dấu thánh giá chúng ta “vẽ” trên mình sẽ chỉ là những cử chỉ vô nghĩa, nếu như đời sống của chúng ta không diễn tả mầu nhiệm thập giá của Chúa Ki-tô. Mời bạn tự vấn: Tôi có sẵn sàng đón nhận hy sinh gian khổ khi phục vụ tha nhân không? Tôi có dám chịu những thiệt thòi, hệ luỵ để dấn thân bênh vực cho công lý, sự thật, cho những người bị bỏ rơi không?

Chia sẻ: Lối sống nào của bạn đang ngầm chối bỏ Thập giá Chúa Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm dấu thánh giá, bạn xin ơn biết dùng đời sống mình để rao giảng Thập giá Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi đời sống con thành lời rao giảng cho mầu nhiệm Thập giá Chúa Ki-tô.

 

15/09/218 - THỨ BẢY TUẦN 23 TN

Đức Mẹ Sầu Bi

Ga 19,25-27

ĐỨNG VỮNG DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ

 

Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” (Ga 19,27)

Suy niệm: Lễ kính Đức Mẹ sầu bi được cử hành liền sau lễ suy tôn Thánh Giá. Nếu chỉ là hai cây gỗ bắt chéo nhau thành hình chữ thập thì không có gì đáng cho chúng ta phải tôn thờ, nhưng chính vì Đấng là Con Thiên Chúa mang lấy tội lỗi của nhân loại chịu đóng đinh trên cây khổ giá đó mà thập giá đã trở thành Thánh Giá chúng ta tôn thờ. Kính nhớ Đức Mẹ sầu bi không phải là suy tôn sự đau khổ, cổ võ nỗi sầu thảm bi ai. Chúng ta kính nhớ người Mẹ của Đấng chịu đóng đinh, người Mẹ đau đớn trong tâm hồn, nhưng vẫn đi theo Người Con vác thập giá lên đồi Sọ, vẫn đứng vững dưới chân thập giá với một niềm tín thác vào Thiên Chúa, không than vãn bi luỵ nhưng hiệp thông với Người Con; nơi đó Mẹ sinh ra Giáo hội, và trở nên mẫu gương cho cả Giáo Hội, khi đón nhận lời trăn trối của Chúa Giê-su: “Đây là con của Bà.”

Mời Bạn: Khi gặp những đau khổ trong cuộc đời, bạn đã đón nhận nó như thế nào? Chúa Giê-su đã thấy gì nơi đau khổ đang đến với Ngài? Đức Mẹ thấy gì nơi đau khổ vây quanh Mẹ? Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a đã nhìn thấy thánh ý của Thiên Chúa. Bạn và tôi có kiên nhẫn để nhìn ngắm những đau khổ xảy ra trong đời mình, để đọc ra những dấu chỉ của Chúa hay không?

Sống Lời Chúa: Nhìn ngắm một gương chịu đau khổ của thánh tử đạo Việt Nam, để xin ơn nhận ra Chúa nơi những đau khổ trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ là Nữ Vương các thánh tử đạo. Xin cầu cho chúng con đón nhận những đau khổ đời này, không than van, trách móc. Amen

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> 5 phút Lời Chúa