Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Một Thế Giới Khác
Ngày đăng: 18/08/2018

Một Thế Giới Khác 

CN 20 TN B

 

Có một gia đình nghèo khổ ở Nam Tư tìm cách vượt biên sang Hoa Kỳ. Ngày họ xuống tàu là ngày mùa đông giá rét, lại vừa sợ hãi, nên họ liền chui xuống tầng 3, nằm co ro ở một góc khuất. Họ mang theo một ít lương khô và nước lã nhưng chỉ dám ăn uống cầm chừng vì sợ thiếu lương thực. Ngày nọ, vì vừa đói, vừa mệt, vừa ngột ngạt, nên thằng con trai của gia đình xin bố mẹ lên trên boong tàu đi dạo mát, ngắm cảnh cho thoải mái. Sau mấy tiếng đồng hồ không thấy con trở về, ông bố đi tìm. Cuối cùng ông tìm thấy nó đang ngồi ở một nhà cơm, nơi chiếc bàn có đầy đủ thức ăn, rượu, thịt và trái cây. Khi nhìn thấy cảnh tượng đó, ông hoảng hồn vì sợ rằng khi tới đất nước Hoa Kỳ, không biết mình phải đi làm mướn bao lâu mới có thể trả nỗi bữa ăn này. Còn thằng con trai khi thấy bố mình, nó còn kêu ông ngồi xuống cùng ăn với nó. Nó nói rằng: “Bố ơi, ở đây người ta đã chuẩn bị thức ăn cho mình đầy đủ, chỉ tại gia đình của mình không biết, cứ chui ở dưới boong tàu, sống trong sợ sệt, ăn uống thức ăn của riêng mình, trong khi trên này như một thiên đàng!”

 

Gia đình này không hề biết có một cảnh thiên đàng ngay phía trên trong khi họ sống như trong hỏa ngục ở phía dưới; không hề biết có một nơi thức ăn, nước uống đầy đủ, trong khi họ đói khát tưởng chừng như chết. Họ cứ tưởng mình chui vào một góc khuất nào đó là an toàn. Họ cứ nghĩ thứ lương thực của mình mang theo, chịu khó tằn tiện một chút là có thể sống được cho tới miền đất hứa. Cũng may là họ chưa mất mạng.

Phụng vụ lời Chúa ngày hôm nay cũng sẽ cho chúng ta thấy có một thế giới khác, có một thứ lương thực khác nuôi dưỡng chúng ta một cách dồi dào và miễn phí.

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 

1/ Bài Đọc I: Cn 9, 1-6

Kinh thánh rất quý trọng sự khôn ngoan, và xem đây như là sự hiện thân của Thiên Chúa. Hôm nay sự khôn ngoan đó được sách Châm Ngôn ví như một người giàu có làm bữa tiệc thịnh soạn và mời mọi người đến dự để học hỏi sự khôn ngoan. Nhân bữa tiệc đó, người giàu có này nhắc nhở những người đến dự trong tình yêu thương: “Đừng khờ dại nữa, hãy bước đi trong con đường hiểu biết, thì các ngươi sẽ được sống”. Sự khôn ngoan này, người giàu có này, hay nói chính xác là Thiên Chúa nhắc nhở cho những người không biết lo tìm một thế giới khác mà chỉ lo sống trong thế giới nhỏ bé, tối tăm, sợ sệt của mình; không biết kiếm thứ lương thực ngon lành, bổ dưỡng, dồi dào mà chỉ lo ăn thứ lương khô ít ỏi, và chẳng ngon lành chi hết, hãy đến mà ăn bánh của người giàu có, của Đức Khôn Ngoan, hay của Thiên Chúa.

 

2/ Tin mừng: Ga 6, 51-58

Mùa thường niên năm B có một điều đặc biệt. Như thông thường, chúng ta sẽ được nghe Tin Mừng của thánh Maccô, nhưng bắt đầu từ CN 17, phụng vụ lời Chúa đột ngột đổi sang Tin Mừng Gioan cho đến hôm nay như vậy là đã 4 tuần liên tiếp, và chỉ xoay quanh một chủ đề duy nhất là bánh. Khởi đầu bằng việc Đức Giêsu thương dân chúng đói khát nên đã hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn no nê. Từ thứ bánh vật chất đó, Ngài hướng họ đến thứ bánh cao cả hơn là chính thịt máu của Ngài. Người Do Thái không chấp nhận điều đó nên đã xảy ra cuộc tranh luận với Đức Giêsu. Hôm nay, khi cuộc tranh luận về bánh trường sinh đến hồi cao trào, Đức Giêsu khẳng định: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”. Động từ “ăn thịt” và “uống máu” được lặp tới lặp lui rất nhiều lần trong bài tin mừng hôm nay. Nếu chúng ta đọc tiếp đoạn Tin Mừng này, chúng ta sẽ thấy hậu quả của nó là dân chúng bỏ đi hết vì Đức Giêsu nói những lời chói tai quá! khó chấp nhận quá! Có người giải thích rằng, dân chúng hiểu lầm thôi, chứ Đức Giêsu đâu phải kêu họ ăn thịt, uống máu Chúa thực sự đâu, mà hình ảnh ăn thịt và uống máu chỉ là nghĩa bóng của việc tin vào Chúa. Chúa mời gọi con người nếu không tin vào Chúa thì không được cứu độ… Nếu giải thích như vậy, và chúng ta tin như vậy là sai lầm. Ở đây, động từ ăn là nhai, nuốt thực sự chứ không phải là nghĩa bóng. Đức Giêsu khẳng định nếu ai không “nhai” thịt của Ngài, không “uống” máu của Ngài thì không có sự sống. Như vậy việc ăn và uống máu Chúa đây là nghĩa đen thực sự. Qua đó Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta một sự thật: Có một thứ lương thực cao cả mà con người không thể ngờ tới, đó là thịt và máu của Ngài. Thịt máu này là lương thực nuôi dưỡng để con người hướng đến một thế giới khác cao vượt hơn thế giới vật chất này, đó là Thiên đàng, Nước Trời.

 

HƯỚNG ĐẾN MỘT THẾ GIỚI KHÁC

 

Từ sự thật được mặc khải qua những bài Thánh kinh liên tục trong 4 tuần lễ vừa qua, có lẽ chúng ta không cần phải tìm hiểu thêm nữa về việc Đức Giêsu có thực sự ở trong hình bánh, hình rượu sau lời truyền phép của linh mục hay không? Có thực sự đây là lương thực dành cho chúng ta trên con đường tiến bước về quê trời hay không? Nếu có, thì có thực sự chúng ta ăn thịt và uống máu Chúa hay chỉ là hình bóng trong tấm bánh nho nhỏ, tròn tròn kia?… Tôi biết rằng tôi đang đứng trước một cộng đoàn đức tin. Giả dụ tôi có phủ nhận những điều vừa nêu trên, thì chính ông bà anh chị em là những người sẽ lôi tôi xuống khỏi tòa giảng này và bảo tôi im miệng đi vì tôi đã nói những điều nghịch lại với đức tin mà ông bà anh chị em đã sống bấy lâu nay. Với niềm xác tín đó, tôi chỉ muốn chia sẻ với ông bà anh chị em, nhất là với những ai tin nhưng chưa sống Bí tích Thánh Thể một cách cụ thể trong cuộc sống của mình những điều sau đây.

 

1/ Hướng đến thế giới thực:

Thánh Tôma Aquinô đã so sánh đời sống thiêng liêng của chúng ta cũng giống như đời sống tự nhiên. Được sinh ra, lớn lên, sống theo từng bậc sống, rồi già yếu, bệnh tật… Cũng vậy, chúng ta được sinh ra trong đời sống đức tin qua Bí tích Rửa tội, thì đời sống đức tin của chúng ta cũng phải được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể, tức Mình Máu Thánh Chúa. Điều đó nhắc nhở chúng ta tuy sống ở đời này nhưng vẫn phải hướng lòng về thực tại cao siêu ở trên trời, đó mới là quê hương đích thực của chúng ta, còn đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua mà thôi. Vì vậy nếu chúng ta lo cho sự sống tự nhiên bao nhiêu thì ít ra chúng ta cũng phải lo cho sự sống siêu nhiên, tức phần hồn, phần rỗi của mình bấy nhiêu. Đúng ra chúng ta phải ưu tiên lo cho phần thiêng liêng nhiều hơn. Vậy mà thử nhìn lại đời sống của mình, phần xác và phần hồn, chúng ta lo cho phần nào nhiều hơn? Hình như chúng ta bỏ quá nhiều thời giờ cho việc ăn, uống, ngủ, nghỉ, kiếm tiền, vui chơi, giải trí… Thậm chí để có được những điều đó, có người còn làm những hành động sai trái, tội lỗi; hoặc hưởng thụ một cách thái quá dẫn đến những vô độ, trái luân lý… Còn phần hồn, một ngày chúng ta nhớ đến nó, chúng ta lo cho nó được bao nhiêu? Thậm chí có những người một tuần không đến nhà thờ lần nào. Thử tưởng tượng thân xác chúng ta một tuần chỉ ăn một lần, chúng ta có chịu nỗi hay không? Tôi khơi lên điều đó để ông bà anh chị em và tôi nữa, chúng ta cùng nhau ý thức lại việc lo cho đời sống thiêng liêng của mình, đừng mãi mê với sự sống đời này mà đánh mất sự sống đời sau. Chúng ta hãy gắn bó với Chúa nhiều hơn nữa. Tận dụng tối đa những điều kiện mà Chúa đã ban để làm cho đời sống thiêng liêng của chúng ta được dồi dào. Nhất là biết tận dụng lương thực là Mình Thánh Chúa để nuôi sống linh hồn chúng ta.

 

2/ Sống tình yêu thương:

Điều kế tiếp mà tôi muốn chia sẻ là chúng ta sống thực tại Nước Trời ngay tại trần gian này bằng cách sống giá trị của nó là tình yêu thương. Đó là điều mà tôi luôn luôn nhấn mạnh trong những chia sẻ của mình. Bởi vì như lời thánh Phaolô nói, khi chấm dứt cuộc đời này chúng ta không cần đức tin vì đã thấy Chúa, không cần đức cậy vì đã ở bên Chúa, nhưng chúng ta cần đức ái để yêu mến Chúa.

Vì vậy khi đã kết hiệp với Chúa, tức là khi ăn thịt và uống máu Chúa qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta phải để cho Thịt Máu Chúa thấm vào con người chúng ta và trở thành thịt máu của mình, để chúng ta cũng biết yêu như Chúa. Tình yêu thương được diễn tả bằng những hành động cụ thể như hy sinh, phục vụ người khác, nhất là những người trong gia đình của mình; “cảm thông với những đau buồn, đang trĩu nặng trong cõi lòng ai”; an ủi, giúp đỡ những con người bị bỏ rơi… Khi sống được như vậy là chúng ta đang sống giá trị của tình yêu thương, giá trị của Nước Trời ngay tại trần gian này.

Tóm lại, một lần nữa, phụng vụ lời Chúa khẳng định với chúng ta: Thịt và Máu Chúa chính là của ăn để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu. Từ đó chúng ta hãy hướng lòng về thực tại cao siêu trên trời bằng cách quan tâm đến đời sống thiêng liêng của mình nhiều hơn, tận dụng tối đa những cơ hội có thể, nhất là Bí tích Thánh Thể để được gắn bó với Chúa. Đồng thời phải biết sống tình yêu thương trong cuộc đời của mình, vì đó là hoa trái của Bí tích Thánh Thể, bí tích tình yêu. Xin ơn Chúa giúp qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse cho mỗi người chúng con thêm lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể, có như thế chúng con mới có thể sống đức tin, điều mà Giáo Hội đang tha thiết muốn chúng con sống.

 

* gpcantho.com  -  Lm Giuse Nguyễn

  

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> Suy Niệm Chúa Nhật