Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Ba bí quyết của Đức Thánh Cha Phanxicô để làm cho bài giảng thành công
Ngày đăng: 30/01/2023

Ba bí quyết của Đức Thánh Cha Phanxicô

để làm cho bài giảng thành công 

 

Đức Phanxicô thường xuyên nổi giận với những bài giảng tồi, vốn làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần của các linh mục và giáo dân. Bài giảng nằm ở “trung tâm của Thánh lễ”, Đức Thánh Cha nhắc nhở và đồng thời đưa ra ba lời khuyên dưới dạng các điểm cần lưu ý.

Các bài giảng thảm hại, nhàm chán, trừu tượng? Chính Đức Thánh Cha Phanxicô nói thế. Đó là một chủ đề yêu thích mà ngài thường nói đến và ngài đã dành một phần khai triển dài trong tông huấn Evangelii gaudium[1]. Ngài nhấn mạnh: “Tôi rất khuyến khích việc chuẩn bị bài giảng và chăm lo việc giảng thuyết”[2].

Bài giảng ở “trung tâm của Thánh lễ”. Vì thế, đối với ngài, nó không phải là một khóa học về Thánh Kinh, luân lý hay giáo lý, cũng không phải là một cuộc hội thảo, một bài giáo lý, một bài suy niệm, hay một “chương trình giải trí”!

Khi chúng ta tập hợp lại những gì Đức Thánh Cha đã nói về chủ đề này, ý định của ngài trở nên rõ ràng hơn: việc chuẩn bị bài giảng, đối với linh mục, là một cuộc “linh thao”, vốn bén rễ sâu trong  việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa – và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng hằng ngày của mình. Việc giảng lễ Chúa Nhật chỉ là kết quả của một tiến trình, của một sự “hoán cải” bản thân.

  1. Đừng ngần ngại dành thời gian cho bài giảng

Đối với Đức Thánh Cha, việc giảng lễ là một ưu tiên. Nó là “thừa tác vụ lớn lao” đối với linh mục và có “một đặc tính hầu như bí tích”. Việc thực hành bài giảng là một đòi hỏi thiêng liêng. Đối với linh mục, “thông truyền niềm xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” không gì khác hơn là “điều kiện về tính khả tín của chức linh mục của mình”[3]. Đó là lý do tại sao, “thật thích hợp để dành cho nó một thời gian dài học hỏi, cầu nguyện, suy tư và sáng tạo mục vụ”[4].

Sau khi cầu xin Chúa Thánh Thần, nhà giảng thuyết tìm cách hiểu thông điệp chính của Lời Chúa, bằng cách dành thời gian và thể hiện sự kiên nhẫn. Cần phải “chú ý đến những từ được lặp đi lặp lại hay nổi bật, nhận ra cấu trúc và sự năng động riêng của một bản văn, xem xét chỗ đứng của các nhân vật”[5] và đặt nó “trong mối liên hệ với giáo huấn của toàn bộ Thánh Kinh, do Giáo hội truyền lại” để tránh “những lối giải thích sai hay một phần”[6].

Bên cạnh khía cạnh kỹ thuật, linh mục phải “có được sự thân mật cá nhân với Lời Chúa”. Điều đó có nghĩa là suy gẫm bản văn, cầu nguyện với bản văn và đón nhận nó cách sâu xa. “Bất cứ ai muốn giảng thuyết trước tiên đều phải sẵn sàng để cho Lời Chúa chạm đến mình và làm cho Lời Chúa trở nên máu thịt trong cuộc sống cụ thể của mình. (…) Chúng ta phải chấp nhận bị tổn thương trước tiên bởi Lời Chúa mà sẽ làm tổn thương người khác”[7].

Đối với người giảng thuyết, điều đó ngụ ý việc tự vấn chính mình. “Lạy Chúa, bản văn này nói với con điều gì? Chúa muôn thay đổi điều gì trong cuộc sống của con với thông điệp này? Điều gì làm phiền con trong bản văn này? Tại sao con không hứng thú? hay Điều gì làm con hài lòng, điều gì làm con phấn khích trong Lời này? Điều gì thu hút con? Tại sao điều đó thu hút con?”

Đức Thánh Cha Phanxicô ý thức rõ rằng cách làm này rất tế nhị. Nó có thể là nguồn cám dỗ. “Một trong số đó chỉ đơn giản là cảm thấy khó chịu và đè nặng, và khép kín nơi chính mình; một cám dỗ khác rất phổ biến là bắt đầu nghĩ đến những gì bản văn nói với người khác, để tránh áp dụng nó vào cuộc sống của mình”[8].

Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyến cáo không nên chuẩn bị bài giảng một mình. “Tôi thích khi các linh mục gặp nhau trong hai giờ đồng hồ để chuẩn bị bài giảng Chúa Nhật kế tiếp, vì điều đó mang lại bầu khí cầu nguyện, học hỏi, trao đổi ý kiến. Điều đó tốt, hữu ích”[9].

  1. Kết nối tốt với công chúng của mình

“Chính trong bài giảng mà chúng ta đo lường được mức độ gần gũi của người mục tử với đoàn dân của mình”[10], Đức Thánh Cha khẳng định và đồng thời khuyến cáo các linh mục “gần gũi”“đến gần” dân chúng, biết các vấn đề của họ, cách sống và cách thể hiện của họ, những hoàn cảnh họ đang trải qua. Điều quan trọng là giữ kết nối với cuộc sống hằng ngày để không trở nên mơ hồ. Đức Thánh Cha nói: “Hãy nhớ rằng chúng ta không bao giờ cần trả lời cho những câu hỏi mà không ai đặt ra”.

Linh mục có thể tin tưởng vào “sự phân định Tin Mừng” của mình và “sự nhạy cảm thiêng liêng của mình để đọc được sứ điệp của Thiên Chúa trong các biến cố”. Tuy nhiên, không biến thành một nhà bình luận thời sự. “Việc cung cấp loạt thông tin thời sự để khơi lên sự quan tâm cũng không phù hợp: về điều đó, đã có các chương trình truyền hình.Tuy nhiên, có thể bắt đầu từ một sự kiện để Lời Chúa có thể vang vọng cách mạnh mẽ trong lời mời  gọi hoán cải, thờ lạy, các thái độ cụ thể của tình huynh đệ và phục vụ, v.v..

Nhà giảng thuyết có “sứ mạng rất đẹp đẽ và khó khăn là kết hiệp các trái tim yêu thương nhau: trái tim của Chúa và trái tim của dân Ngài”. Trong thời gian của bài giảng, “tâm hồn của các tín hữu thinh lặng và để cho Ngài nói với họ”. Chắc chắn, Thiên Chúa và dân ngài có thể nói với nhau bằng “hằng ngàn cách trực tiếp, không có trung gian”. Tuy nhiên, “trong bài giảng, họ muốn một ai đó đóng vai trò công cụ và diễn tả cảm xúc của họ, theo cách để sau đó, mỗi người có thể chọn cách tiếp tục cuộc trò chuyện của mình”[11].

  1. Nói ngắn gọn và đơn giản

Đức Phanxicô nói với các linh mục mà ngài vừa phong chức: “Các con hãy nói cách đơn giản, hãy nói với các tâm hồn”[12]. Ngài nói thêm, có nguy cơ nói đi nói lại mãi: hãy nói cách ngắn gọn, “không hơn mười phút”! Đức Thánh Cha tóm tắt các thành phần của một bài giảng hay trong ba từ khóa: “Một ý tưởng, một hình ảnh và một cảm xúc”, và ngài nêu rõ: “Hãy để mọi người ra về với một ý tưởng, một hình ảnh và một điều gì đó lay động trong tâm hồn họ. Việc loan báo Tin Mừng thật đơn giản! Và Chúa Giêsu đã rao giảng như thế, Ngài lấy chim trời, Ngài lấy đồng ruộng, Ngài lấy (…) những điều cụ thể, nhưng mọi người hiểu được”[13].

Cuộc đối thoại được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân Ngài có thể được sánh với “môi trường hiền mẫu và giáo hội” mà “ngôn ngữ là một cung giọng truyền đạt lòng can đảm, khí thế, sức mạnh và sự thôi thúc”. Nơi người giảng thuyết, nó được biểu lộ bởi “sự ấm áp của cung giọng, sự nhẹ nhàng của cách hành văn, niềm vui trong các cử chỉ”[14].

Đức Phanxicô mời gọi các linh mục đừng sợ dấn thân. “Chúa muốn dùng chúng ta như những con người sống động, tự do và sáng tạo, để cho Lời Ngài thấm nhuần bản thân trước khi truyền lại; thông điệp của Ngài phải thực sự ngang qua nhà giảng thuyết, không chỉ qua lý trí, mà còn chiếm hữu toàn bộ con người của họ”[15].

Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục của mình trở nên thông thạo ba ngôn ngữ, nói bằng ngôn ngữ của cái đầu suy tư, bằng ngôn ngữ của trái tim cảm nhận, và bằng ngôn ngữ của bàn tay hành động: “Ước gì tôi nghĩ những gì tôi cảm nhận và những gì tôi làm; ước gì tôi cảm nhận những gì tôi nghĩ và những gì tôi làm; ước gì tôi làm những gì tôi cảm nhận và những gì tôi nghĩ”. Một câu được đọc một cách ung dung…

Đức Phanxicô còn nhấn mạnh để người ta không đuổi các trẻ em khóc trong thánh lễ. “Chúa Giêsu đã làm điều tương tự, anh chị em có biết điều đó không? Tôi thích nghĩ rằng bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong máng cỏ là nước mắt của Ngài”[16].

 

Gilles Donada

Tý Linh
Chuyển ngữ từ 
nhật báo La Croix (24.01.2023)

Nguồn: xuanbichvietnam.net (27.01.2023)

[1] Các đoạn 135 đến 159, trong chương 3 có tựa đề « Loan báo Tin Mừng ».

[2] Tông thư  Misericordia et miseria kết thúc Năm Thánh ngoại thường về lòng thương xót, ngày 20/11/2016.

[3]  Ibid.

[4] Evangelii gaudium (§ 145).

[5] Ibid. (§ 147).

[6] Ibid (§ 148).

[7] Ibid (§ 150).

[8] Ibid (§ 153).

[9] Diễn văn cho các Hiệu trưởng và sinh viên của các học viện và tu viện giáo hoàng ngày 12/5/2014.

[10] Ibid.

[11] Evangelii gaudium (§ 154 và 155 rồi 143).

[12] Bài giảng thánh lễ phong chức linh mục ngày 7/5/2017.

[13] Thánh lễ kết thúc Đại học Thánh Thể quốc tế lần thứ 52, trong chuyến tông du đến Budapest và Slôvakia từ ngày 12 đến 15/9/2021.

[14] Evangelii gaudium (§ 139 et140).

[15] Ibid (§ 151).

[16] Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, thánh lễ với việc ban bí tích Rửa tội cho các trẻ em, ngày 8/1/2017.

 

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> Suy Niệm Chúa Nhật