Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Tính Duy nhất của Giáo hội
Ngày đăng: 19/09/2020

Tính Duy nhất của Giáo hội 

 

Tính “ Duy Nhất” là một trong bốn đặc tính mà người Công giáo vẫn tuyên xưng khi đọc Kinh Tin Kính: Tôi tin Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Bốn đặc tính ấy có mối liên kết sâu xa với nhau. Giáo Hội nếu không là Duy Nhất thì không thể Thánh Thiện và vì Duy Nhất, Thánh Thiện nên mới là Công Giáo, Tông Truyền. Tuy nhiên hiện nay qua Công Đồng Vatican II, tính Duy Nhất đó đã bị phá vỡ bởi …Sắc Lệnh Về Sự Hiệp Nhất:

 

“ Vì Chúa Ki Tô đã thiết lập một Giáo Hội duy nhất ( UR ). Anh em Chính Thống và Tin Lành cũng nhận thức  vấn đề:  Sự kiện có nhiều  Giáo Hội là một tội của các Ki Tô Hữu. Giáo Hội Công Giáo đồng ý và vì thế chúng tôi khiêm nhường và xin lỗi  các anh chị em ly khai như chúng tôi cũng xin tha cho kẻ có nợ chúng tôi ( UR 7b ) ( Nguồn Conggiao. Info – 28/8/2015 – Chương 5 – Giáo Hội Duy Nhất ).

 

Sắc lệnh về Sự Hiệp Nhất đó trước sau vẫn chỉ là một thứ…nguyên tắc và nguyên tắc ấy  không bao giờ có thể đi vào  cuộc  sống “ Như vậy là hết mọi Ki Tô Hữu  đều chấp nhận Duy Nhất Tính ít là trên nguyên tắc. Nhưng khi muốn xác định dạng thái của Duy Nhất Tính này tức là khi nói về sự hiệp nhất thì các vấn đề lại lộ rõ. Nếu chỉ có một Giáo Hội thì tính chất duy nhất ấy có phải là một đặc tính  tất thiết hữu hình hay không ? Hữu hình cách nào ? Duy Nhất Tính có đòi hỏi một sự đồng dạng nào  không ? Có cần phải hiệp nhất trong cai quản hay không ?  và cả trong đức tin, trong thần học, trong phụng vụ v.v…? Phải chấp nhận những bí tích như nhau hay không ? Có Giáo Hội “ thật” và Giáo Hội “ giả” hay không ? Làm sao để phân biệt ? Trong lãnh vực chân lý Giáo Hội dựa theo tiêu chuẩn nào để  phân định ?  Về phương diện hiệp nhất cần phải có thể  dựa vào những tiêu chuẩn nào đó để mà phân biệt tình trạng  đa dạng hợp pháp ( trong hiệp nhất ) với việc  tách rời hoặc chia rẽ ( ly khai hay lạc giáo ). ( Nguồn đã dẫn. Conggiao. Info 28/8/2015 ).

 

Tất cả những câu hỏi trên đây sẽ chẳng bao giờ  có câu trả lời và như thế  tất nhiên sự hiệp nhất  giữa các Giáo Hội Ki Tô sẽ không bao giờ có thể xảy ra.  Tại sao ? Bởi vì  đã có sự lầm lẫn  ngay từ trong nguyên tắc của Sự Hiệp Nhất. Nên nhớ  chỉ có một Giáo Hội duy nhất  do Đức Ki Tô  thiết lập trên nền tảng là Thánh Phê Rô Tông Đồ:

 

“ Chúa nói với Phê Rô: Và Ta, Ta bảo ngươi: Ngươi là Đá và trên Đá ấy Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta… Sau  khi Phục Sinh cũng nói với chính Phê Rô. Ngài nói: Hãy chăn dắt chiên của Ta. Ngài xây Giáo Hội chỉ trên một người duy nhất và Ngài trao phó  các chiên của Ngài cho ông chăn dắt. Và mặc dầu Ngài trao cho mọi Tông Đồ  một quyền bính ngang nhau song lại chỉ lập  một ngai tòa duy nhất  và bằng uy quyền của Lời Ngài. Ngài đã sắp đặt nguồn gốc và hình thái của sự duy nhất. Dù sao đi nữa, Phê Rô ( là ) thế nào thì những người khác ( các Tông Đồ ) cũng như vậy nhưng  quyền tối thượng  đã được trao cho Phê Rô và một Giáo Hội duy nhất đã được chứng tỏ ( cho chúng ta ). Tất cả đều là mục tử nhưng chúng ta được biết rằng chỉ có một đàn chiên duy nhất mà tất cả các Tông Đồ đồng tâm hợp ý với nhau chăn dắt. Kẻ không gắn bó với sự duy nhất mà Thánh Phao Lô khuyên dạy đó lại tưởng mình vẫn gắn bó với đức tin sao ?  Kẻ ruồng bỏ ngai tòa của Phê Rô mà Giáo Hội  đặt nền trên đó lại có thể vênh vang là mình  đang ở trong Giáo Hội sao ? ( nguồn: Giáo Phụ Tập I – Thánh giám mục tử đạo Cypriano ).

 

Chỉ có một Giáo Hội duy nhất do Đức Ki Tô thiết lập trên nền tảng Thánh Phê Rô Tông Đồ và Giáo Hội đó được gọi là Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền. Như vậy chúng ta có thể khẳng định ngoài Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền này ra  không  một …Giáo Hội nào có thể  là Giáo Hội  Chúa Ki Tô. Lý do hết sức đơn giản là vì Chúa không hề lập ra những…Giáo Hội đó. Nói  cách chính xác  đó chỉ là những giáo phái đã ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền mà thôi.

 

Có một nguyên nhân quan trọng  không thể không được biết đến đó là tại sao Đức Ki Tô  chỉ  thiết lập có một Giáo Hội duy nhất  đồng thời còn khẳng định không  thế lực nào có thể  khiến nó…sụp đổ ? “ Còn Ta  lại bảo ngươi rằng ngươi là Phê Rô. Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên tảng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó” ( Mt 16, 18 ).

 

Hẳn nhiên Chúa biết rõ mục đích  khi thiết lập  Hội Thánh  bởi  nếu không thì Ngài đâu có lập  và trao trọn  quyền bính trên chỉ một con người là Thánh Phê Rô như thế  ? Mục đích ấy  chính là để Hội Thánh  có thể chu toàn mạc khải của Ngài về Đấng Cha “ Cha Ta đã trao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

 

Đấng Cha  mà  Đức Ki Tô  mạc khải  ấy đồng thời cũng là một, không khác  với Nước Trời mầu nhiệm nội tại “ Người Pharisieu  hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến  thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói được: Đây này hay đó kia vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

 

Với Nước Trời  người ta không  thể nói đây này hay đó kia bởi đó  là  Thực Tại  vượt cả không gian lẫn thời gian. Thế nhưng mầu nhiệm thay Thực Tại ấy  lại vẫn sẵn đủ ở nơi mỗi người chỉ cần có lòng tin cùng với sự ăn năn sám hối quay về là gặp “ Thời đã mãn, Nước ĐCT đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).

 

Để  quay về hầu nhận biết Nước Trời ở nơi mình  như thế  cần  có hai điều kiện. Một là  thực lòng ăn năn, sám hối tội lỗi mình và hai là tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô. Lý do cần  tin vào Tin Mừng bởi vì nội dung Tin Mừng đó là Nước Trời mầu nhiệm nội tại. Tin có Nước Trời hiện hữu ở nơi Tâm  là điều vô cùng khó và cũng bởi khó như thế nên mới cần  thực lòng sám hối ăn năn chừa cải tội lỗi.

 

Giữa việc tin vào Tin Mừng và lòng sám hối, ăn năn có một mối quan hệ khăng khít với nhau. Lòng tin chỉ có thể tăng trưởng cùng với lòng ăn năn sám hối. Ngược lại không nhận biết tội mình và dốc lòng chừa cải  thì chẳng những đức tin không thể tăng trưởng mà còn bị tiêu mất…

 

Có thể nói đời sống tâm linh chỉ bao gồm  đức tin và  làm sao  cho đức tin ấy  ngày được triển nở. Thế nhưng làm sao có thể sống đức tin ấy  nếu không có Giáo Hội  Tông Truyền do Chúa thiết lập cùng với các Bí Tích nhất là hai Bí Tích Giải Tội và Thánh Thể ? Lại nữa làm sao  có hai Bí Tích ấy nếu không có thiên chức Linh Mục và làm sao  có thể có thiên chức Linh Mục nếu không có Tông Đồ đoàn là hàng ngũ giám mục hiệp thông với giáo chủ Ro Ma ?

 

Chính là với tính chất vô cùng quan hệ của Giáo Hội Tông Truyền như thế  Thánh Cypriano ( 200 – 258 ) đã chí lý khi nói rằng “ Người không có Giáo Hội làm Mẹ  thì cũng không thể có Thiên Chúa làm Cha” ( Habere  non protest Deum Patrem qui Ecclesiam non habet Matrem ).

 

Chỉ khi nào hết lòng gắn bó, yêu mến, tùng phục Giáo Hội, chúng ta mới có thể nhận biết Thiên Chúa, Đấng là Cha mình. Sở dĩ vai trò của Giáo Hội  quan hệ như thế là vì có Chúa Giê Su Thánh Thể…ở cùng “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ).

 

Qua các Bí Tích, Chúa Giê Su…ở cùng với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế và việc  Chúa…ở cùng như thế  cũng chỉ có  mục đích là để  chúng ta có được sự hiệp nhất  đúng  như lời cầu: “ Con chẳng vì họ cầu xin thôi đâu nhưng cũng vì  kẻ nhân lời họ mà tin Con nữa, để họ thảy đều hiệp làm một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Lại để cho họ cũng ở trong chúng ta hầu thế gian  tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 20 -21 ).

 

Chúa Giê Su cầu nguyện cho sự hiệp nhất và lời cầu ấy Ngài chỉ có ý nhắm đến các môn đệ  chứ không  cho thế gian. Lý do bởi vì sự hiệp nhất Chúa  muốn  đó là “ Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Chúa Giê Su có  sự hiệp nhất với Chúa Cha bởi vì Ngài đã…thấy biết về Cha “ Cha công chính ơi ! Thế gian chẳng từng biết Cha. Song Con đã biết Cha và những kẻ này ( các môn đệ ) cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho họ biết Danh Cha, lại còn tỏ cho họ biết nữa hầu cho sự thương yêu của Cha đem lòng thương yêu Con được ở trong họ và Con cũng ở trong họ nữa” ( Ga 17, 25 -26 ).

 

Chúa Giê Su  nói: Ngài thấy biết về Cha và sự thấy biết ấy hoàn toàn không phải bằng tri thức phân biệt nhưng bằng Tình Yêu Vô Phân Biệt “ Như Con ở trong Cha và Cha ở trong Con”. Nếu sự thấy biết bằng Tình yêu của Chúa đã làm nên sự hiệp nhất giữa Cha và Con thì về phần chúng ta  cũng phải làm sao để  có được sự hiệp nhất ấy thì mới xứng đáng là  môn đệ của  Ngài.

 

Hiệp nhất trong Tình Yêu  đó là con đường thực hiện tâm linh, đồng thời cũng là ơn gọi của mọi Ki Tô Hữu: “ Chỉ có một Thân Thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một ĐCT là Cha mọi người. Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6 ).

 

Chỉ có một Thân Thể, đó là Thân Mầu Nhiệm  Chúa Ki Tô cũng là  Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền. Sống gắn bó, tùng phục và yêu mến Giáo Hội đó là chúng ta sống trong Tình Yêu Hiệp Nhất  với Chúa Ki Tô, đầu của Nhiệm Thể: “ Hãy cứ ở trong Ta, Ta cũng ở trong các ngươi. Như nhánh nếu không cứ ở trong cây nho thì nó không thể tự kết quả được. Nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta thì cũng vậy. Ta là cây nho các ngươi là nhành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 4 -6 ).

 

Lạy Chúa, Giáo Hội là cây nho nhưng cũng được ví như con thuyền Phê Rô đang lênh đênh trên ba đào sóng dữ đại dương. Xin cho chúng con có được niềm tin Chúa vẫn…ở cùng “ Thầy đây, đừng sợ” ( Ga 6, 20 )./.

 

conggiao.info  -  Phùng  Văn  Hóa

You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Sống đạo