Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
TẬP CÁC EM CẦU NGUYỆN
Ngày đăng: 16/12/2019
TẬP CÁC EM CẦU NGUYỆN
 
 
Abbé G. Courtois (Dạy Em Ngoan Đạo)

Sứ mạng của bạn là đưa các em đến với Chúa. Đối với các em nếu Chúa mới chỉ là một ý tưởng lờ mờ, hoặc chỉ là một người xa lạ, thì kể là bạn chưa làm được bao nhiêu việc.

 
Phải làm cho các em nhận thấy Chúa là người bạn cao quý. Ngài biết các em, yêu thương từng em, và với Ngài các em có thể tâm tình tự sự được.
 
Nên nhấn mạnh cho các em câu định nghĩa về lời cầu nguyện mà chính một em đã nói ra: “Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa.” Muốn nói chuyện với ai, trước tiên phải nhìn vào người ấy, nên trước khi cho các em cầu nguyện, bạn phải dắt các em đối diện với Chúa.
 
Cũng nên để ý thái độ bên ngoài. Có thể nói với các em:
 
– Các em cẩn thận, chúng ta sắp nói chuyện với Chúa.
 
– Chúa đang trông nhìn chúng ta.
 
– Các em khoanh tay lại, nhìn vào Nhà Chầu, tượng Chúa chịu nạn, hay tượng Thánh Tâm Chúa…
 
Hoặc bằng một cách khác: “Các em nghĩ đến Chúa đang ngự trong các em. Các em nhắm mắt thể xác lại để nhìn Chúa bằng mắt tâm hồn….”
 
Nên cho các em đọc ra tiếng một kinh nào. Coi chừng các em đọc quá nhanh, quá lớn cách vô tâm vô trí.
 
Hướng dẫn các em chậm rãi, sẽ sàng, ngưng một giây sau mỗi phần kinh, khi cần nên kéo dài việc ngưng này, nhất là buổi đầu. Đừng ngại bắt các em lặp lại kinh đã đọc không nên.
 
Đừng cho các em đọc kinh khi chưa giải nghĩa cho các em trước.
 
Đừng đọc kinh dài, lâu. Các em sẽ mệt và hết hứng thú cầu nguyện.
 
Khi các em chưa đến 12 tuổi, chưa cho các em một lúc đọc 10 kinh Kính Mừng.
 
Một phương cách tốt nhất là cho các em lặp lại, khi thì lớn tiếng khi thì sẽ sàng, những lời nguyện tắt đơn sơ ngắn gọn vừa tầm trí các em. Chẳng hạn như:
 
Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa đang ở đây, trong Nhà Chầu.
 
Lạy Chúa Giêsu, con tin kính Chúa.
 
Lạy Chúa Giêsu, con trông cậy Chúa.
 
Lạy Chúa Giêsu, con muốn mến thương Chúa hơn nữa.
 
Xin cho con biết vâng lời.
 
Xin cho con biết sống can đảm.
 
Xin cho con biết thương giúp bạn bè.
 
Xin Chúa chúc lành cho Ba Mẹ con.
 
Xin Chúa chúc lành cho Thầy Cô con.
 
Xin Chúa chúc lành cho người già cả neo đơn, người bệnh hoạn tật nguyền và người nghèo khổ.
 
Để tập cho các em cầu nguyện tự phát, bạn thử sử dụng mấy cách sau đây:
 
Bảo các em nhắm mắt, đầu hơi cúi. Sau khi đã nhận định Chúa hiện diện và sẵn sàng nghe các em, bạn bảo các em lặp lại nhỏ tiếng các lời nguyện bạn cầu xin thay cho các em.
 
Cần để ra một vài phút cho các em kịp nhắc lại lời nguyện bạn gợi cho các em. Lúc này nên dùng số ít thay cho số nhiều.
 
Chẳng hạn như: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết con mến thương Chúa nhưng con muốn mến thương Chúa hơn nữa. Xin ban ơn giúp con không làm phiền Chúa bao giờ. Con muốn làm vui lòng Chúa luôn bằng cách làm vui lòng bạn bè con….”
 
Thỉnh thoảng bạn nên nói với các em: “trong mấy phút này không nói gì cả, nhưng các em làm thế nào cho Chúa Giêsu cảm thấy các em đang yêu mến Chúa hết lòng.”
 
Hay là khi đã làm cho các em nói: “Lạy Chúa, con muốn làm vui lòng Chúa.”
 
Bạn nói thêm: “Các em phải nghĩ xem hôm nay có thể làm gì cho Chúa được vui lòng.” Sau một hai phút bạn nói tiếp: “Tôi tưởng là các em đã tìm thấy việc phải làm, vậy các em nói sẽ, hứa với Chúa thế nào hôm nay cũng làm việc ấy.”
 
Điều can hệ hàng đầu là lời cầu nguyện của trẻ em phải thực là tiếng nói của con tim, chứ không phải lời đọc trên môi miệng. Đã hẳn cũng phải tập cho các em đọc kinh, nhưng không đọc như cái máy.
 
Chẳng hạn đừng bắt chước vị tu sĩ kia, để chuẩn bị cho cuộc du hành, nói với các em: “Các em hãy xin thánh Giuse cho ngày mai trời tốt.” Nhưng sau đó, không suy nghĩ gì cả, ông cất tiếng đọc kinh Kính Mừng… Dầu trong lời cầu nguyện, cũng phải có lôgích một chút. Các em bén nhạy hơn ta tưởng.
 
Trong chương trình tập các em cầu nguyện, nên nhấn mạnh về kinh tối. Trước khi lên giường ngủ, các em quỳ bên giường, nói lời xin Chúa tha thứ tội lỗi phạm trong ngày. Xin Chúa gìn giữ em và toàn thể gia đình qua đêm bình an. Làm dấu thánh giá đơn, kép, trang nghiêm cẩn thận.
 
Một điểm can hệ cao hơn nữa là làm thế nào cho các em có cảm nghĩ xác đáng về thánh lễ đối với các em.
 
Nếu Chúa Giêsu tái diễn trên bàn thờ lễ dâng trên thập giá chính là để các em được diễm phúc hoà hợp của lễ các em với của lễ của Chúa. Của lễ ấy Chúa cần có để áp dụng công ơn Chúa cứu chuộc cho các em.
 
Giải thích cho các em hiểu ý nghĩa các nghi thức thánh lễ: từ ca nhập lễ đến kinh Tin Kính. Theo tâm lý, các em coi là hệ trọng những gì chính là lấy làm hệ trọng.
 
Nên giúp các em chú trọng nhiều hơn đến phần Dâng lễ, Truyền phép và Hiệp lễ.
 
Ở phần Dâng lễ, lưu ý các em hợp lòng với chủ tế dâng lên Chúa những lao nhọc vất vả trong ngày. Và cùng với chủ tế xin Chúa nhận lễ vật này để tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho các em cùng toàn thể Hội Thánh.
 
Cũng cần nhấn mạnh ý nghĩa tượng trưng của giọt nước hoà tan trong rượu.
 
Trong kinh nguyện Thánh Thể, nhắc nhớ các em hợp với chủ tế cầu nguyện cho Hội Thánh, cho mọi người đã qua đời, trong số có ông bà cha mẹ anh chị của các em. Cũng cầu cho tất cả chúng ta còn tại thế được sống đẹp lòng Chúa như Đức Mẹ và các thánh để được cùng với các Đấng ấy ca ngợi và tôn vinh Chúa muôn đời.
 
Trước khi Truyền phép, chuẩn bị các em nhìn lên Mình Máu Thánh Chúa khi chủ tế nâng Mình và Chén Thánh lên, đồng thời các em đọc thầm lời nguyện tắt đã được chọn trước.
 
Sau khi Truyền phép, nhắc các em theo dõi lời nguyện của chủ tế để dọn mình rước lễ, nếu không thực sự thì cách thiêng liêng.
 
Rước lễ rồi giúp các em cám ơn Chúa. Lúc này không nên cho các em đọc kinh hoặc hát ngay.
 
Sau ít phút cám ơn, cầu nguyện, nên cho các em đọc một vài thánh vịnh có nội dung chúc tụng ngợi khen cảm tạ.
 
Mỗi nghi lễ, kinh đọc, bài hát đều phải được giải thích rành rẽ để tất cả đều nên của nuôi lòng đạo đức các em, nên nguồn sáng soi tâm trí các em.
 
Cho các em tham dự giờ chầu Thánh Thể cũng rất có lợi. Nhưng phải tránh sự quen lờn sinh nhàm chán.
 
Để được vậy phải chỉ định mục đích giờ chầu. Chọn bài hát có nội dung hợp với mục đích ấy, hẳn là khi hát lên đồng thời các em cũng cầu nguyện.
 
Dành ra mấy phút giúp các em tâm tình với Chúa về mục đích giờ chầu, hoặc dẫn giải một câu Kinh Thánh nào chỉ dạy các em sống tốt hơn.
 
Chặng đàng Thánh Giá cũng là nguồn ơn phúc và giúp các em hồi tâm, miễn là khéo ứng dụng cho độ tuổi các em.
 
Mấy điểm cầu lưu ý:
 
a) Không để các em ở nguyên một chỗ, mà cho các em đi đến từng nơi.
 
b) Xướng rõ danh xưng mỗi nơi. Diễn tả đôi điều vừa tầm các em hiểu, không phăng quá đáng, hoặc dùng từ ngữ không chỉnh. Kết thúc bằng một ước nguyện đơn sơ thực tại.
 
Tỷ dụ như: Chúng ta cùng xin Chúa đã chịu khổ nhiều vì chúng ta giúp chúng ta sống mạnh mẽ hơn.
 
Hoặc là: Chúng ta cùng nhau cam kết với Chúa sẽ cố gắng hơn vv…
 
c) Có thể ở lặng một vài giây, rồi đọc một ý nguyện: Lạy Chúa Giêsu đã thương yêu chúng con nhiều, xin ban cho chúng con ơn biết mến thương nhau hơn.
 
d) Không đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, kéo quá lâu.
 
e) Từ nơi này sang nơi kia, nên hát một điệp khúc có nội dung cảm thương Chúa, hoặc sám hối ăn năn.
Nguồn: http://tongdosongdao.org
You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Giáo lý