Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Xem lại việc hát Tung hô Tin Mừng và Ca Tiến Lễ
Ngày đăng: 16/08/2019

Xem lại việc hát Tung hô Tin Mừng và Ca Tiến Lễ 

 

I - Nền tảng để nhìn lại

Một trong những yếu tố quan trọng để nhìn lại các thực hành phụng vụ là xem xét sự tiến hóa của phụng vụ. Thật vậy, phụng vụ của Hội Thánh nói chung và thánh nhạc nói riêng là một thực tại sống động (một sự ký thác/kho báu sống động), cho nên không ngừng được cải cách (“semper reformanda”), nghĩa là không bao giờ có lời cuối cùng cho công cuộc này. Trái lại, phụng vụ luôn có sự thay đổi, tiến hóa và phát triển cần thiết qua thời gian cho phù hợp với thời đại, với văn hóa, với sức sống của Hội Thánh, với những nghiên cứu mới nhất của khoa thần học và phụng vụ… hầu hướng Dân Chúa tới sự viên mãn chân - thiện - mỹ của Thiên Chúa, vinh danh Chúa Giêsu Kitô và Ba Ngôi Chí Thánh cũng như để huấn dậy tín hữu cách tốt đẹp hơn (x. Mediator Dei, số 47).

Sự phát triển của phụng vụ diễn ra theo quy tắc là luôn luôn tiến về phía trước trong đó Hội Thánh cổ võ những hình thức mới mẻ, nhưng vẫn đảm bảo tính liên tục và căn tính của phụng vụ; Hội Thánh không xóa bỏ truyền thống đích thực xét như là một thực tại được sống một cách năng động trong lòng Hội Thánh dưới tác động của Chúa Thánh Thần mà là loại bỏ theo nhu cầu của mình một số thực hành được nhận thấy là ít xứng hợp; và Hội Thánh trung thành tuyệt đối với những gì thuộc bản chất của thánh lễ và các bí tích, nhưng cũng không quá hoài cổ (x. Mediator Dei, các số 47; 52-53).   

 

II - Sự tiến hóa của phụng vụ

Sự tiến hóa này được thể hiện qua một số thay đổi như sau:

a - Giữ lại hầu hết nhưng bỏ đi một số yếu tố. Ví dụ, đã từng có tới 5000 Ca tiếp liên vào thời Trung cổ, nhưng hầu hết đã bị loại bỏ bởi Công đồng Trentô. Sách lễ Rôma 1570 chỉ giữ lại 4 Ca tiếp liên được sử dụng phổ biến: 2 Ca tiếp liên cho mùa Phục Sinh (Victimae Paschali Laudes) và cho lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Veni, Sanctae Spiritus); 2 Ca tiếp liên cho lễ Corpus Christi (Lauda Sion) và lễ Ðức Mẹ Sầu Bi (Stabat Mater). Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] số 64 cho biết: “Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục Sinh và lễ Hiện xuống thì được tùy ý, và được hát trước Alleluia.”

b - Có những yếu tố bỏ đi không còn được sử dụng ở dịp này nhưng lại được phép sử dụng ở chỗ khác. Ví dụ, Ca tiếp liên Dies irae  (Ngày thịnh nộ) trước đây được hát vào Chúa nhật I mùa Vọng vì nói đến ngày phán xét, sau thêm vào 6 triệt nữa và dành cho lễ Cầu hồn (An táng). Từ năm 1969, Dies irae không còn nằm trong Sách lễ Rôma và không còn hát trong Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời nữa vì Giáo hội muốn canh tân các bản văn phụng vụ để diễn tả rõ ý nghĩa vượt qua của sự chết, tuy nhiên có thể sử dụng Dies irae trong Giờ kinh Thần vụ tuần XXXIV của năm.[1]

c - Có những yếu tố được rút ra khỏi chỗ này nhưng không có nghĩa là mất đi, chúng chỉ  nằm ở một nơi khác mà thôi. Ví dụ: trong Sách lễ Rôma 1962,[2] chúng ta thấy có cả 3 yếu tố được in ra: Ca nhập lễ (Introitum) - Ca dâng lễ (Offertorium) - Ca hiệp lễ (Communionem); nhưng trong Sách lễ Rôma hậu Công đồng Vaticanô II (với 3 ấn bản 1970-1975-2002) thì chỉ giữ lại Ca nhập lễ và Ca hiệp lễ, còn Ca dâng lễ vẫn nằm trong cuốn Các Bài Ca Tiến Cấp Của Phụng Vụ Rôma (Graduale Romanum) và cuốn Các Bài Ca Tiến Cấp Ðơn Giản Của Phụng Vụ Rôma (Graduale Romanum simplex).

d - Sự thay đổi một vài số trong các văn bản liên quan đến luật phụng vụ khiến cho thực hành cần phải thay đổi theo. Ví dụ, khác với “Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma” (= QCSL) [1975] số 132, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000 / 2002] số 138 nói chi tiết hơn về phần lời nguyện tín hữu cho phù hợp với số 144 của sách Lễ nghi Giám mục (= LNGM), đặc biệt xác định rằng, không chỉ phó tế xướng ý nguyện mà có thể là “ca viên hay độc viên hay một người khác” nữa; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000/2002] số 315 nói chi tiết hơn Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [1975] số 276 khi cho biết về vị trí của nhà tạm (phù hợp với LNGM 49), hơn nữa, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000/2002] số 316 còn bổ sung thêm về ngọn đèn gần nhà tạm: “Theo thói quen truyền thống, gần nhà tạm phải có một ngọn đèn riêng cháy sáng thường xuyên, đốt bằng dầu hay sáp, để chỉ và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô”. Ðiều này phù hợp với số 940 của Bộ Giáo Luật. Về việc hát Tung hô Tin Mừng cũng vậy, đã có sự khác biệt giữa QCSL [1975] và QCSL [2000/2002] đòi hỏi chúng ta phải thay đổi thực hành.

 

(còn tiếp)

 

cgvdt.vn  -  LM Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

 

You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Sống đạo