Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
GIA ĐÌNH KITÔ HỮU
Ngày đăng: 13/08/2019

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU 

 

Gia đình chính là nơi đầu tiên mà mỗi người học được cách đón nhận và trao ban yêu thương. Quả vậy, một người không thể trở thành một con người đúng nghĩa khi không có đời sống xã hội, đời sống cộng đoàn.

 

1. Cộng đoàn của sự hiệp thông

Con người được Thiên Chúa tạo dựng để hiệp thông với Ngài và với nhau. Đó chính là chiều kích xã hội của con người. “Ngài đã tạo dựng có nam và có nữ” (St 1, 2-7). Thật vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính. Con người chỉ có thể sống và phát triển tài năng mình khi có sự liên đới với những người khác (x. Gaudium et Spes, số 12). Con người sinh ra là để sống cùng, sống với và sống cho mọi người. Nhà tu đức Thomas Merton (1915-1968) người Mỹ nói: Không ai là mt hòđảo. Đây cũng là tựa đề của một bài thơ rất nổi tiếng (No man is an island) của thi sĩ John Donne (1572-1631). Vì thế mỗi con người cần phải sống trong mối tiếp thông với người khác.

 

2. Cộng đoàn nơi đón nhận và trao ban yêu thương

Gia đình chính là nơi đầu tiên mà mỗi người học được cách đón nhận và trao ban yêu thương. Quả vậy, một người không thể trở thành một con người đúng nghĩa khi không có đời sống xã hội, đời sống cộng đoàn. Cũng thế, con người cũng không thể học biết sống yêu thương khi tách rời mọi người. “Con người ở một mình không tốt” (St 2, 18). Để có thể trở thành một người thành đạt trong xã hội, một người phải đón nhận biết bao nhiêu sự dạy dỗ từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè, những người gặp gỡ trong cuộc sống. Vì vậy, để có trở thành một Kitô hữu sống và giữ đạo tốt ngay từ thuở ấu thơ, mỗi người cũng đã đón nhận lời chỉ bảo từ ông bà cha mẹ trong gia đình, từ những việc nhỏ nhất như yêu thương nhau; làm dấu thánh giá, các kinh thường đọc và những lần được theo ông bà cha mẹ dự lễ ở nhà thờ... Nhờ đó đức tin của mỗi người mới cắm rễ sâu và lớn lên.

 

Khi Thiên Chúa yêu thương mỗi người thì Ngài cũng muốn chính mỗi người Kitô hữu-những người đã được thương yêu- cũng phải sống thương yêu anh chị em mình như thế. “Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4, 19). Càng cảm nhận và lãnh nhận được tình yêu từ Thiên Chúa thì người Kitô hữu càng phải sống và trao ban tình yêu ấy đến cho mọi người trước nhất là những thành viên trong gia đình. Việc trao ban yêu thương không những không làm hao mòn tình yêu nhưng lại làm tình yêu ấy thêm sung mãn và tràn đầy.

 

Đời sống trong gia đình chính là nguồn sống nuôi dưỡng tình yêu. Một người không thể trao ban tình yêu khi tách rời mọi người; lại càng không thể trở thành con người khi không có một ai đón nhận tình yêu của mình. Với ý nghĩa này, mỗi người đều phải cần phải có đời sống cộng đoàn mà cộng đoàn trước hết của mỗi người là gia đình. Đời sống gia đình là nền tảng rất cần cho sự phát triển viên mãn của mỗi thành viên. “Chúng ta liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12, 5). Chính trong gia đình, yêu thương được đón nhận và trao ban sẽ giúp cho mỗi người luôn được lớn lên về phương diện tâm lý và tinh thần.

 

3. Cộng đoàn của những liên đới

Đời sống gia đình là đời sống của những liên đới và hỗ tương. Thật vậy, mỗi người đều cần đến nhau. Chính khi mỗi thành viên sống thương yêu nhau là lúc giúp người khác cũng có thể biểu lộ và lớn lên trong tình yêu và ngược lại là làm ngưng đọng sự phát triển khả năng yêu thương của người khác.

 

Trong gia đình, khi mỗi thành viên luôn biết đón nhận nhau trong tình yêu thương chính là lúc mỗi người đang giúp đỡ nhau được lớn lên như một con người và như một người Kitô hữu. Khi một thành viên khép kín chính mình thì vô hình trung họ đã cắt đứt mối dây hiệp thông yêu thương ấy. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân họ nhưng còn ảnh hưởng đến những thành viên khác. Chính tính hỗ tương trng gia đình là phương thế giúp mỗi thành viên biết ra khỏi chính mình, không co cụm với chính mình nữa.

 

Để có thể tồn tại, con người cần người khác. Mỗi thành viên không hiện hữu cho chính mình nhưng là hiện hữu cho người khác. Đời sống gia đình là một đời sống mà mỗi người cùng giúp nhau lớn lên trong tình yêu thương. “Nếu chúng ta sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Ngài là đầu. Chính Ngài làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được cấu kết chặt chẽ, dầu mỗi phần đều riêng rẽ nhưng hoạt động theo chức năng của mình. Vì thế, thân thể được lớn lên và được xây dựng vững mạnh trong tình yêu” (Ep 4, 15-16). Để thực sự lớn lên và triển nở viên mãn, các thành viên trong gia đình cần được và có quyền sống trong một cộng đoàn thật sự tràn ngập tình yêu thương. Mỗi người đều phải có trách nhiệm và nỗ lực xây dựng và bảo vệ bầu khí yêu thương hiệp nhất trong gia đình của mình.

 

4. Cộng đoàn giúp các thành viên có kinh nghiệm về Thiên Chúa

Kinh nghiệm sống yêu thương với nhau trong gia đình là điều kiện tiên quyết để có thể có kinh nghiệm yêu thương về Thiên Chúa. “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng họ không trông thấy” (1 Ga 4, 20).

 

Sống tình yêu đích thực sẽ biến gia đình thành nơi có sự hiện diện của một bầu khí thiêng thánh. Chỉ khi nào mỗi thành viên biết đón nhận và sống tinh thần yêu thương và trách nhiệm với gia đình thì họ mới có thể có một kinh nghiệm thực sự về Thiên Chúa. Thần học gia Karl Rahner (1904-1984) nói rằng: “Những gì suy tư, kinh nghiệm về Thiên Chúa chính là mối tương quan giữa con người với nhau. Điều này có nghĩa là mối tương quan của một người đối với những người khác phải là một sự tin tưởng vô điều kiện và khách quan, là một sự sẵn sàng tín nhiệm những người chung quanh, để chấp nhận trách nhiệm đối với họ. Nói cách khác, nó phải trở thành một mối quan hệ của tình yêu. Chỉ từ nền tảng này, mới có thể nắm bắt cách có hiệu quả những gì Thiên Chúa muốn nói, và chỉ có thể là người tuân giữ Lời Chúa dạy khi người ấy bắt đầu yêu mến Thiên Chúa”.

 

5. Cộng đoàn nơi cá nhân được tôn trọng

Mỗi người là một cá thể độc đáo. Gia đình là một cộng đoàn là một sự tập hợp những thành viên với những đặc điểm cá biệt độc đáo. Mỗi người có những điều mà người khác không thể có. Đó là điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã tạo dựng. Chính những khía cạnh độc đáo ấy làm cho gia đình thêm phong phú và triển nở khi mỗi người biết kết hợp hài hòa khía cạnh cá nhân và cái chung trong gia đình. Mỗi người đều phụ thuộc lẫn nhau để có thể có cảm nghiệm thực sự về ân huệ của Thiên Chúa thể hiện nơi những độc đáo của từng thành viên. “Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận thì làm sao trở thành thân thể được? Như thế, tuy có nhiều bộ phận nhưng chỉ là một thân thể. Vậy mắt không có thể nói với bàn tay: 'tôi không cần đến bạn'… Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cũng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung” (1Cr 12, 19-21. 25. 26).

 

6. Nơi chũa lành những tổn thương

Trong mỗi gia đình, rất có thể sẽ có thành viên có những lầm lỗi. Vì vậy, gia đình phải là nơi đón nhận, cảm thông, tha thứ và chữa lành vết thương nơi các thành viên ấy. Gia đình phải là nơi người ấy quay về và cảm thấy được yêu thương sau những lần vấp ngã.

 

Thiết nghĩ, nếu không được thấu hiểu thì họ sẽ ngày càng thu rút vào chính mình và tình trạng của họ sẽ càng ngày càng bi đát hơn. Kinh nghiệm này sẽ ghi dấu sâu đậm trong tâm hồn của họ và rất khó để họ có thể vực dậy. Khi đó, họ sẽ luôn sống và cắn rứt với chính những lầm lỗi ấy. Tự nhiên, họ sẽ cảm thấy sợ hãi. Những người này rất cần sự nâng đỡ của gia đình. Gia đình được mời gọi để chữa lành vết thương này bằng tình yêu của Chúa Kitô. Gia đình cần làm cho những thành viên ấy cảm thấy rằng mọi người đang chờ đợi để lắng nghe, thứ tha và đón nhận họ. Đó phải là một sự lắng nghe chân thành với cả con tim chứ không phải trong tâm thế xét đoán hay chỉ trích. Những thành viên này cần lắm một tình yêu và sự lắng nghe sâu xa và chân thành hơn mức bình thường. Họ phải được lắng nghe một cách sâu xa và được đón nhận cách đầy đủ. Đó chính là dấu hiệu tốt giúp họ vượt qua những mặc cảm của bản thân. Chỉ có tình yêu - tình yêu của Thiên Chúa trong chính bản thân mỗi người, trong những người tin mới có thể sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ những thành viên đặc biệt như thế.

 

* gplongxuyen.org  -  Felicitas

You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Sống đạo