Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Luyện ngục - Nơi thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa
Ngày đăng: 15/07/2019

Luyện ngục - Nơi thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa 

 

Tục ngữ Việt Nam có câu: Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ. Nghĩa là cái gì tai tôi phải nghe thấy, mắt phải nhìn thấy, tay phải chạm tới thì tôi mới tin. Nếu không thì tôi không tin. Tuy nhiên, xoay quanh kiếp nhân sinh, có những cái mắt tôi không hề thấy, tai không được nghe, nhưng tôi phải tin là nó có. Ví dụ như Luyện ngục-một trong ba tình trạng mà linh hồn phải đối diện sau khi ta chết.
 

 

Vậy luyện ngục là nơi thế nào? Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo diễn tả: Luyện ngục là một tình trạng của những người chết trong ơn nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa đạt tới sự thánh thiện cần thiết để được vào thiên đàng. Như thế, ai ở trong Luyện ngục thì không thể vào Hỏa ngục được nữa, họ chỉ chờ ngày được diện kiến dung nhan Thiên Chúa nơi Thiên quốc mà thôi.

 

Câu giáo lý trên gợi ra cho chúng ta một cách hiểu hai từ “Luyện ngục”. Đó chính là nơi thanh luyện. Thiên Thúa là Đấng sáng láng vô cùng, quyền năng vô cùng, tốt lành vô cùng. Do đó, tội lỗi không thể ở chung với Thiên Chúa. Như lời Thánh vịnh đã khẳng định “Ngài không phải là một vị thần ưa điều ác, ác nhân đâu được ở với Ngài” (Tv5,5). Nếu chúng ta muốn hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa trên Nước Trời, thì điều kiện tiên quyết là phải sạch tội. Chính vì thế, tội lỗi của chúng ta phải được tẩy cho sạch nơi luyện ngục trước khi diện đối diện với Thiên Chúa. Đó là cách hiểu thông thường về hai chữ Luyện ngục. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì chỉ phần nào diễn tả được một Thiên Chúa công thẳng mà chưa làm nổi bật được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho Dân Ngài. Do đó cần đi xa hơn nữa để nhìn Luyện ngục như là dấu chỉ tình yêu tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho con người.

 

Luyện tội là hi vọng của người muốn nên thánh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: tên của Thiên Chúa là lòng thương xót. Và luyện ngục chính là cách thức Thiên Chúa biểu lộ lòng thương xót của Người đối với con người. Nếu cứ phạm tội là sa hỏa ngục thì ai có thể được cứu. Trong khi đó Đức Giêsu khẳng định rằng “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Thiên Chúa muốn mọi người đều được cứu độ, chỉ có những ai không muốn mình được cứu thì mới không được cứu mà thôi. Như lời Đức Giêsu khẳng định  “ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (Ga 6, 39). Vì thế Luyện ngục là nơi mà niềm hi vọng của các tội nhân muốn nên thánh được hiện tỏ.

 

Một linh mục đã từng diễn tả về Luyện ngục rằng: “Luyện ngục dành cho những người quá tốt để vào hỏa ngục nhưng chưa đủ tốt để được lên thiên đàng”. Luyện ngục có thể được ví như giai đoạn chuẩn bị để được vào Thiên đàng, như tiền sảnh của Thiên đàng. Luyện ngục không phải là nơi chốn nhưng là một tình trạng, tình trạng thiếu vắng Thiên Chúa. Thánh Augustino nói “Lạy chúa, linh hồn con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên bên Chúa”.  Khi nào chưa được nghỉ yên bên Chúa thì linh hồn con người còn khắc khoải. Như thế hình phạt lớn nhất nơi luyện tội không phải là lửa thiêu, giòi bọ rúc rỉa cho bằng nỗi khó chịu, bức rứt, nhớ nhung, mòn mỏi, héo hon vì chưa được gặp và ở cùng Thiên Chúa, người yêu của linh hồn.

Vậy một người ở nơi luyện ngục có thể làm gì để cứu mình không? Thưa không. Trong kinh Bởi Trời có đoạn “Ôi! Linh hồn trong luyện ngục phải khổ cực dường nào, và lại không thể cứu mình cho khỏi, vì bây giờ mùa phúc đã hết, mùa tội phải đền”. Vì không thể làm được gì để tự cứu mình ra khỏi luyện ngục nên linh hồn ấy chỉ chờ mong ơn phúc của người sống chuyển cho. Do đó, người Kitô hữu có thể dâng lời cầu nguyện, xin lễ, tham dự Thánh lễ cách sốt sắng, và cả những việc bố thí, ân xá và những việc hãm mình để cầu cho các linh hồn nơi Luyện ngục.

 

Làm thế nào để không phải vào Luyện tội? Đức Giêsu đã chỉ ra cho người Kitô hữu một con đường đó là con đường của tình yêu. Yêu ai thì nghe lời của người đó. Mà “ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy” (1Ga 2,4). Tinh thần của đoạn Tin Mừng theo thánh Mattheu 25, 35-36 đã nói cho người Kitô hữu biết rằng con đường nên thánh thật dễ dàng: “xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm" (Mt 25, 35-36). Ngày hôm nay, không chỉ có những người đói về phần xác nhưng nhiều người còn đói về tình người, tình con Chúa.

 

Vậy trái tim của tôi đã bao giờ rung động khi nhìn thấy một người đói, khát, trần truồng hay chưa? Tôi đã bao giờ thăm nom người bệnh, bênh vực người yếu thế hay chưa? Người lạ tới nhà xin ăn, xin mặc tôi có tiếp rước, những ngươi đang đau khổ về tinh thần, thất bại về công ăn việc làm tôi có nâng đỡ, ủi an họ không? Và sự hiện diện của tôi có làm cho người khác thấy bình an hay tôi chỉ mang lại sự bất an cho người khác... Con tin rằng mỗi người trong cộng đoàn chúng ta sẽ có câu trả lời cho riêng mình, cầu chúc quý cộng đoàn luôn bình an và tràn đầy ân sủng của Chúa để trở nên người Ki tô hữu mẫu mực, xứng đáng với danh hiệu của những người theo đạo yêu nhau.

 

* conggiao.info  -  Hùng Nguyễn

You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Sống đạo