Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Đức Maria và mầu nhiệm Lời Chúa
Ngày đăng: 17/05/2019

Đức Maria và mầu nhiệm Lời Chúa 

 

Tâm hồn trong sáng, khiêm nhu của Đức Ma-ri-a, khi đối diện với Lời Thiên Chúa cũng có lúc phải “đấu tranh tư tưởng” để có thể đồng cảm và chấp nhận Lời. Như sau này, chính Bà đã cưu mang Lời trong lòng và sẵn sàng thực hiện tất cả những đòi hỏi của ơn gọi làm Mẹ Chúa Cứu Thế. 

 

Ki-tô giáo thừa hưởng kho tàng mạc khải của Thánh Kinh và đã khám phá ra trong đó Lời Thiên Chúa nói với con người.

Mạc khải là việc Thiên Chúa vén tỏ tấm màn bí ẩn của Đấng-Tự-Hữu cho con người để nhờ lòng tin và sự đáp ứng ơn gọi, họ được thông hiệp vào sự sống thần linh.

Thiên Chúa là Đấng Thần Linh “ẩn khuất”, nhưng Người cũng là một Thiên Chúa biết nói (un Dieu qui parle). Người biết trao ban, biết ngỏ lời trong cuộc đối thoại. Thiên Chúa đã có sáng kiến “giao lưu” với con người trước qua hình thức giao ước. Người muốn tha thứ, kết ước với con người, đồng thời chia sẻ sự sống, tình yêu cho họ, vì “Người là Tình Yêu” (1Ga 4, 8).

Trong lịch sử cứu rỗi, Thiên Chúa không ngừng “nói” với con người.

 

* Thiên Chúa đã ngỏ lời.

Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã nói và đã hành động để thực hiện kế hoạch cứu sống nhân loại. Lịch sử Dân Thiên Chúa cũng chứng minh là con người đã đáp lại lời đề nghị yêu thương của Thiên Chúa như thế nào.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói qua các biến cố, các nhân vật, các ngôn sứ, các lễ nghi tôn giáo, các lề luật, các kinh nguyện…Tất cả qui hướng về một chóp đỉnh (cánh chung), đó là biến cố Lời thành xác phàm (Ga 1, 14). Biến cố Giê-su Na-za-rét. 

Đã lắm phen cùng nhiều kiểu xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri; Vào thời sau hết, tức là những ngày này, Người đã nói với ta nơi một Người Con, mà Người đã đặt làm Đấng thừa tự tất cả mọi sự, và cũng nhờ Ngài mà Người đã làm ra các thế giới…” (x. Dt 1,1 tt). [1]

Vào thời Tân Ước, khi Đức Giê-su Na-za-rét xuất hiện trong lịch sử, thì Thiên Chúa đã đích thân mạc khải mầu nhiệm và ý định của Người qua thân thế và sự nghiệp của Con-Thiên-Chúa-làm-người. Đức Giê-su là Lời của Thiên Chúa nên lời Ngài cũng là Lời của Cha Ngài. Chính bản thân và sự nghiệp của Ngài cũng là mạc khải và kiện toàn tất cả lời hứa của Thiên Chúa. Hơn hẳn bất cứ một tiên tri nào trong Cựu Ước, Đức Giê-su, Con Một đến từ cung lòng Cha đã là chính điều mà Thiên Chúa muốn nói và hành động.

Thực vậy, qua Đức Giê-su, chúng ta nghe, thấy và hiểu được Lời Thiên Chúa một cách cụ thể, chính xác và sâu xa nhất. Vì “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta…” (x. Ga 1, 14-18). Sau khi về trời, Chúa vẫn còn tiếp tục nói với chúng ta qua Hội thánh của Ngài. Ki-tô giáo được Chúa Ki-tô khai sinh, cũng vẫn tiếp tục loan báo và làm chứng về Lời Thiên Chúa, với tư cách một chứng nhân và một dấu chỉ của sự hiện diện của mạc khải. Đức Giê-su Ki-tô đã ủy quyền cho Hội thánh nhiệm vụ rao giảng Lời cho đến ngày Chúa lại đến (x.Mt 28, 19-20).

 

* Đức MA-RI-A và mầu nhiệm Lời Chúa

Đức Ma-ri-a là tấm gương điển hình về việc đón nhận và sống Lời Thiên Chúa.

Thuộc dòng dõi của A-bra-ham, cha của kẻ tin, Đức Ma-ri-a được giáo dục trong bầu khí tôn giáo của Lời Chúa. Bà sống đạo với tâm trạng hi vọng, chờ đợi và tin tưởng. Lòng tin và sự khiêm tốn vâng phục của Mẹ cũng có thể so sánh với tâm tình và thái độ của Tổ phụ A-bra-ham khi xưa.

Tâm hồn trong sáng, khiêm nhu của Đức Ma-ri-a, khi đối diện với Lời Thiên Chúa cũng có lúc phải “đấu tranh tư tưởng” để có thể đồng cảm và chấp nhận Lời. Như sau này, chính Bà đã cưu mang Lời trong lòng và sẵn sàng thực hiện tất cả những đòi hỏi của ơn gọi làm Mẹ Chúa Cứu Thế.

Để hưởng lời chúc phúc “Phúc cho Người, là kẻ đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa truyền phán dạy cho Người…” (Lc 1, 45), Đức Ma-ri-a đã phải sống cái kinh nghiệm của A-bra-ham. Tin tưởng vào Lời Thiên Chúa, mặc dù phải đánh mất tất cả: dự phóng riêng tư, ước vọng cá nhân, định kiến xã hội, tôn giáo vv. Tường thuật của Lc 1, 26-38 về biến cố Truyền tin đã cho thấy Mẹ bị giằng co, dằn vặt và phản ứng thế nào trước sự chiếu cố của Lời Thiên Chúa. Và cuối cùng, Bà đã cúi đầu vâng phục: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài”.

Đức Ma-ri-a đã đón nhận Lời Thiên Chúa qua sứ điệp của sứ thần với một tâm trạng phức tạp: lo âu, nghi ngại, vui mừng, kinh ngạc…, vì trong đời sống tôn giáo thầm lặng của mình, Bà chưa bao giờ phải đối diện với Lời Chúa một cách kỳ lạ như thế.

Đối diện với Lời Chúa, trước hết, chúng ta phải “chết đi cho chính mình”. Chết cho trí khôn ngoan và sự hiểu biết nhân loại, chết cho những ước vọng cá nhân, cho những dự phóng tươi đẹp, kể cả cho những định kiến, tâm thức tôn giáo “hẹp hòi” nữa.

Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào, chúng ta phải vượt qua chính mình, như Đức Ki-tô, chấp nhận hủy mình ra không trong mầu nhiệm Vượt qua của Ngài. Chúng ta phải trở nên trống rỗng, nghèo nàn và khiêm tốn sâu thẳm. Chính với con người thuần khiết trong sáng mà chúng ta tự do bước vào mầu nhiệm của Lời Chúa.

Ôi! Thẳm sâu thay sự giàu có, khôn ngoan, thượng trí của Thiên Chúa! Những phán quyết của Người vô phương dò thấu, đường lối của Người không kế dõi theo! Vì nào ai biết được tâm tư của Chúa, hay có ai đã làm cố vấn cho Người trước, để hòng được Người tạ lại?…” (x. Rm 11, 33-35).

Đức Ma-ri-a, trước khi được ban Lời-bằng-xương-bằng-thịt đã phải cưu mang Lời của mạc khải và mầu nhiệm. “Và nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con…”. Đó là một điều khó chấp nhận, khó hiểu, nghịch lý nhất. Lời Chúa đã khiến Bà bối rối và e ngại…

Tín hữu cũng sẽ có tâm trạng như Đức Ma-ri-a khi phải cưu mang Lời Chúa. Sẽ là đau đớn và thử thách. Sẽ là kinh ngạc và bối rối. Như khi Đức Ma-ri-a đã nghe : “Này! Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israen, và làm dấu gợi lên chống đối, và hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu, ngõ hầu ý nghĩa của nhiều tâm hồn phải bầy ra” (Lc 2, 34-35).

Đức Ma-ri-a, khi bước vào lộ trình của mầu nhiệm Lời Chúa, đã đi trước con đường tử nạn của Giê-su con mình. Từ biến cố truyền tin ở Na-za-rét đến Bê-lem, đến sân đền thờ với ông già Si-mê-on, việc lạc mất con trẻ ba ngày ở Giê-ru-sa-lem, đến hành trình lang thang khắp xứ sở Ga-li-lê-a…đến những vụ việc chống đối, bắt bớ, nghi kỵ của giới lãnh đạo tôn giáo đối với Giê-su…cuối cùng đến đồi trọc Gol-go-tha và dưới chân thập giá, Ma-ri-a im lặng trong sự chết lặng im của Giê-su và của chính bản thân mình. Ma-ri-a đã cùng chết với Đức Giê-su để Lời Chúa được thực hiện.

 

* Ki-tô hữu và mầu nhiệm Lời Chúa

Trước hết, mầu nhiệm Ki-tô giáo làm cho chúng ta khó hiểu: một cộng đoàn, các bí tích, những giáo huấn, những con người yếu đuối, những vấp ngã, những chia rẽ, kể cả những dáng vẻ bình thường và tầm thường! Thật khó mà tin vào mầu nhiệm ấy…

Nhưng tín hữu được mời gọi đi vào con đường của Đức Ma-ri-a. Con đường của đức tin và lòng khiêm tốn.

Các tông đồ của Chúa, những tín hữu Ki-tô giáo tiên khởi, đã chấp nhận bước vào “vùng tăm tối” của đức tin để tin nhận mầu nhiệm thương khó, tử nạn, sống lại và sự nghiệp thiên sai của Đức Ki-tô. Ngài trở nên trung tâm của việc rao giảng Tin Mừng của các tông đồ và cộng đoàn tiên khởi. Mầu nhiệm Ki-tô giáo trở thành Lời Chúa cho thế giới.

Phao-lô hăng say rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa với tư cách một thừa tác viên quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Phao-lô trước đó đã có cái kinh nghiệm “nhớ đời” trong biến cố Đa-mát. Biến cố ấy đã làm ông chết đi con người cũ và tái sinh trong con người hoàn toàn mới. Con người của đức tin và mầu nhiệm Ki-tô giáo. “Chúng tôi không hổ thẹn rao giảng thập giá Đức Kitô…rao giảng Giêsu Nazarét bị đóng đinh…rao giảng Tin Mừng được cứu sống nhờ bởi cái chết của một Người…”

Phao-lô đã nhận lãnh từ Đức Ki-tô phục sinh sứ mạng truyền giảng Lời Chúa với tư cách là một kẻ đã tin và một chứng nhân. Lời Chúa luôn sáng tạo nơi chúng ta một con người của đức tin. Và kẻ tin thì luôn mang niềm vui và hi vọng “Người công chính bởi tin sẽ sống”.

Ki-tô giáo cũng được gọi là cộng đoàn đức tin vì Lời Chúa đã phát sinh và qui tụ những kẻ tin vào Đức Ki-tô. Sống với Đức Giê-su, các môn đồ đã được thanh luyện từ từ để có được một nhãn quan mới, một trí năng mới, một tấm lòng mới, một con người mới.”Các người đã được sạch bởi lời Ta đã nói với các ngươi” (Ga 15, 3). Các ông phải loại trừ những gì là cũ, để sẵn lòng tiếp nhận cái mới bởi vì “Đã ban cho các ngưoi mầu nhiệm Nước Thiên Chúa…” (Mc 4, 11).

Để đón nhận mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, chúng ta khởi hành từ đức tin, rồi hoán cải và được tái sinh. “Ai không sinh lại bởi Nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa” (Ga 3,5).

Cuộc tái sinh của tín hữu sẽ khởi đầu từ việc đón nhận đức tin. Như Đức Ma-ri-a đã cúi đầu trước lệnh truyền của Thiên Chúa, “Xin vâng!”. Sau lời tuyên xưng khiêm tốn ấy, Mẹ bước vào thế giới của lòng tin, của mầu nhiệm và đời sống Mẹ trở nên một lời “Xin vâng” trọn vẹn vì đã tín thác hoàn toàn cho ý định của Thiên Chúa. Đó là một cuộc hoán cải của đức tin.

Khi bước vào cuộc hoán cải của đức tin, Đức Ma-ri-a đã chết đi từng ngày để Lời Chúa lớn lên trong Bà. Đức Maria đã theo Chúa Giê-su con mình trên con đường đau khổ, cho đến giây phút cuối cùng : “Đứng bên khổ giá Đức Giêsu, có Mẹ Ngài…” (Ga 19,25).

Đức Giê-su, Lời của Thiên Chúa, đã kêu gọi chúng ta chia sẻ mầu nhiệm vượt qua của Ngài. Lời của Chúa không ru ngủ chúng ta, trái lại đã thức tỉnh chúng ta qua việc đề nghị chúng ta “Vác thập giá theo chân Ngài”. 

Chính tính cách quyết liệt và dứt khoát của Lời Chúa đã khiến nhiều người bỏ Ngài.

Nhưng với những ai trung tín và vâng phục, thì tin và theo Đức Giê-su có nghĩa là đồng hành với Ngài trong cuộc hành trình vượt qua.

Mọi thời và khắp nơi, chúng tôi mang trong thân mình chúng tôi cuộc tử nạn của Đức Giêsu, ngõ hầu sự sống của Ngài cũng được tỏ hiện nơi mình chúng tôi” (2Cor 4, 10).

Kinh nghiệm của chúng ta là, khi nghe, tin và thực hành Lời Chúa là bắt đầu cuộc vượt qua cùng với Chúa Ki-tô. Bởi vì, thực hành theo Lời là vác thập giá, hoán cải theo Lời là khổ hình đau thương, tái sinh bằng Lời là tử nạn liên lỉ…

Tuy nhiên, với những kẻ tin, đằng sau và bên kia cuộc vượt qua trong Chúa Ki-tô, luôn luôn là ánh sáng bình minh của sự sống, bình an và hoan lạc. “Phúc cho ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa...”(x. Lc 11, 27; Ga 5, 24.6,40.8,51).

Mầu nhiệm của Lời Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh của Thánh Thần để hưởng ơn huệ dịu ngọt và sự bình an thiêng liêng. “Hỡi anh em, những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, chúng tôi nhận biết anh em là những kẻ được chọn, bởi vì Tin Mừng chúng tôi loan báo không chỉ đến với anh em bằng lời nói mà thôi, nhưng một cách quyền năng bằng Thánh Thần, và sự dồi dào mọi thứ…” (1Tx 4-5).

Vì được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn, chúng ta mới có cơ hội nhận lãnh Lời. Đây là ơn huệ nhưng không. Một hạnh phúc tuyệt vời. Chính Lời Hằng Sống sẽ đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Thiên Chúa và nhờ đó chúng ta có cơ may đến được vùng trời mới đất mới.

Đức Ma-ri-a được ơn hồn xác lên trời đã chỉ cho ta về một viễn ảnh tươi sáng. Mẹ đã cưu mang Lời, đã chia sẻ cuộc vượt qua của Đức Giê-su bằng việc vâng phục thánh ý Chúa, đã tin vào Lời Thiên Chúa và thi hành những gì Người phán dậy. Mẹ vinh hiển đang hạnh phúc và đang chờ đợi chúng ta…

Ki-tô hữu là người, nhờ đức tin chân thành, nhờ sự hoán cải sâu xa, nhờ ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, đã thấy được ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm các biến cố trong cuộc đời mình, và nhất là nhờ sự thông hiệp mật thiết với Đức Ki-tô phục sinh, Lời Chúa đã trở nên chính máu thịt của họ (x. Gl 2,20)./.

 

* gplongxuyen.org  -  Aug. Trần Cao Khải


 

- - - - - - - - - - -

CHÚ THÍCH:

[1] Những trích dẫn Kinh Thánh trong bài này dựa theo quyển Kinh Thánh bản dịch của LM Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, XB năm 1976

You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Sống đạo