Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Mùa chay: dành cho Chúa không gian trong tâm hồn
Ngày đăng: 14/03/2019

Mùa chay:

dành cho Chúa không gian trong tâm hồn 

 

Mọi sự đều có lúc

Tác giả sách Giảng viên viết: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” (Gv 3,1). Câu này quả thật chạm đến một chân lý của cuộc sống. Ðó là sự thay đổi chuyển vận của thế giới xung quang chúng ta: cảnh vật cứ thế biến thiên qua các mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Chu kỳ ấy vẫn lặp lại và đó cũng là cái vòng xoay chuyển của đời người. Mỗi một mùa, hình như chúng ta đều chờ mong một điều gì đó. Tuy nhiên, niềm hy vọng này vẫn chưa bao giờ hoàn thành trọn vẹn. Ðối với Kitô hữu chúng ta, Chúa Giêsu sống lại đem đến cho chúng ta hy vọng và đảm bảo ơn cứu rỗi của chúng ta. Niềm hy vọng của chúng ta đã được hoàn tất rồi qua biến cố Chúa Kitô phục sinh, dẫu rằng chúng ta vẫn hằng mong đợi ngày hồng phúc, là ngày Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta ngự đến. Nhưng để nhận thức hay hiểu được một cách tỏ tường hơn gía trị của mùa Phục sinh - mùa của ánh sáng và niềm vui - chúng ta phải bước qua mùa Chay.

 

Khung cảnh mùa Chay

Mùa Chay được định nghĩa là một “Thời kỳ 40 ngày” trước lễ Phục sinh nhằm mục đích để các tín hữu chuẩn bị một cách tích cực và ráo riết cho cử hành mầu nhiệm vượt qua. Theo các giáo phụ, đây là thời gian chuẩn bị cho: i] các hối nhân lãnh ơn hòa giải vào sáng thứ Năm Thánh sau khi đã thi hành việc thống hối công khai trong vòng 40 ngày; ii] các dự tòng lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy vào đêm Vọng Phục sinh sau một thời kỳ khai giáo; iii] toàn dân tham dự đích thực vào lễ Canh thức Vượt qua bằng việc nhớ lại phép Rửa và tinh thần thống hối.1

Hạn từ “Mùa Chay” chúng ta sử dụng ngày nay bắt nguồn bởi từ Latinh Quadragesima nghĩa là một “Thời kỳ 40 ngày”. Tuy nhiên, mùa Chay diễn ra trong mùa Xuân ở vùng Bắc bán cầu, thế là người Anh dùng từ Lent để gọi mùa này vì nó nối kết với từ “lengthen” nghĩa là “kéo dài thêm” nhằm chỉ ra một thực tế là thời gian ban ngày trong mùa Xuân thường kéo dài hơn các mùa khác. Thêm nữa, sau những tháng mùa Ðông dài lạnh lẽo, cây cỏ trơ trọi, mùa Xuân đến là chúng ta thấy cả một thế giới mới, hoàn toàn khác với cảnh vật một vài tháng trước đó. Như vậy, nếu thế giới tự nhiên phải trải qua quá trình tái sinh và đổi mới trong mùa Xuân, thì mùa Chay được hiểu là thời gian để các Kitô hữu suy niệm về cuộc tái sinh chính mình nhờ phép Thánh tẩy và quyết tâm dấn thân đổi mới đời sống thiêng liêng của mình nhằm chuẩn bị cho đại lễ Phục sinh. Theo đó, các tín hữu phải chết cách thiêng liêng cùng với Chúa Kitô để được cùng sống lại với Ngài ngày lễ Phục sinh (2Tm 2,11).

Ðể giúp chúng ta hoàn thành những mục đích vừa nêu, dẫu rằng ngày nay không còn các biểu hiệu bên ngoài như xưa [chẳng hạn: thống hối công cộng, hối nhân mặc áo nhậm, đi chân không trong cuộc hành hương, vv…, nhưng rõ ràng, khung cảnh và phụng tự của Giáo Hội trong mùa Chay khác biệt một cách đáng kể so với các mùa phụng vụ khác: bụi tro được sử dụng để cho thấy tính cách thống hối của mùa Chay và thân phận hay chết của con người; phẩm phục tím được sử dụng; không trưng hoa trên hay gần bàn thờ; các bài thánh ca mang âm hưởng trầm lắng hơn; không hát Halleluia và kinh Vinh danh trong suốt mùa Chay;2 chỉ đệm đàn nhằm nâng đỡ tiếng hát; tượng chịu nạn và các ảnh tượng thánh được che phủ nhằm nhấn mạnh tội lỗi làm chúng ta xa cách Chúa như thế nào vì màn che tượng trưng cho việc tách rời tội nhân khỏi bàn thờ, giống như các tội nhân công khai bị tuyệt thông vậy.

 

Bốn mươi ngày và bốn mươi đêm

Hiện nay, theo tài liệu “Những Quy luật Tổng quát về Năm Phụng vụ và Lịch chung Rôma”, mùa Chay bắt đầu vào thứ Tư lễ Tro và kéo dài cho đến chiều thứ Năm Thánh, ngay trước Thánh lễ Tiệc ly.3 Tiếp đó, chúng ta cử hành Tam nhật Vượt qua vốn không thuộc về mùa Chay cũng không thuộc về bất cứ mùa phụng vụ nào mà là đỉnh cao nhất của toàn bộ năm phụng vụ.4 Ngày xưa, mùa Chay gồm chính xác là 40 ngày trước lễ Phục sinh theo đúng tên gọi của nó trong tiếng La-tinh là “Thời kỳ 40 ngày” (Tempus Quadragesima) do không tính 6 Chúa nhật dù chúng có tên là Chúa nhật mùa Chay, vì theo truyền thống, Giáo Hội loại trừ việc ăn chay và thống hối vào Chúa nhật.5 Ngày nay, “40 ngày” phải được hiểu theo ý nghĩa lịch sử và biểu tượng chứ không phải theo nghĩa số học.6

Chúng ta nhấn mạnh con số 40 bởi vì trong Kinh Thánh, con số này nối kết với biến cố lịch sử cứu độ mà nhiều giáo phụ sử dụng để giải thích ý nghĩa của mùa Chay. Chúng ta có thể liệt kê ra đây một số bản văn Kinh Thánh để biết về ý nghĩa đặc biệt của con số 40 trong mùa Chay:

* Vào thời ông Noe, cơn hồng thuỷ kéo dài bốn mươi ngày trên mặt đất (St 7, 7. 12. 17).

* Dân Israel hành trình đi đến đất hứa trong vòng 40 năm (Xh 16, 35).

* Ông Môsê ở trên núi bốn mươi ngày bốn mươi đêm để lắng nghe tiếng Chúa và tìm biết ý định cũng như kế hoạch của Ngài (Xh 24, 18).

* Những người do thám Do Thái được Môsê cử đi thăm dò miền đất hứa trong vòng 40 ngày (Ds 13, 25tt).

* Trận chiến giữa Goliat và Israel trong đó sáng nào chiều nào tên Philitinh cũng tiến ra và đứng như thế suốt bốn mươi ngày (1Sm 17, 16)

* Chạy trốn âm mưu giết hại ông của Jezeben, suốt bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, tiên tri Elia lên đường đi đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa để gặp gỡ Chúa uy quyền và vinh quang ở đó (1V 19, 8).

* Ông Giôna vào thành, đi một ngày đường và công bố chỉ còn bốn mươi ngày nữa thì Ninivê sẽ bị phá đổ. Dân thành đã thống hối, tin vào Thiên Chúa, ăn chay và mặc áo vải thô (Giona 3, 4-5).

* Chúa Giêsu bị Satan cám dỗ nơi hoang địa và Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày (Mt 4, 1-11; Lc 4, 1-3).

 

Dành thời gian và không gian trong tâm hồn cho Chúa

Khi cuộc sống chúng ta trở nên nhộn nhịp, dồn dập và bận bịu hơn, thì sẽ có nguy cơ rất lớn là tiếng Chúa bị nhấn chìm hay quên lãng. Ngay trong thời của Chúa Giêsu, câu chuyện tại Bêtania với hai chị em Maria và Martha cũng cho chúng ta thấy những bổn phận và lắng lo trong đời sống hàng ngày dễ làm người ta xao nhãng lắng nghe Chúa (Lc 10, 38-42). Như một phương thuốc giải độc cho tâm hồn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “Hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 5,31). Trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, có những tín hữu nam nữ đã đón nhận lời mời này một cách triệt để theo nghĩa đen, họ rút lui khỏi đời thường mà vào sống cô tịch trong sa mạc ở Ai Cập hay Syria. Thậm chí, vào mùa Chay, họ còn tiến vào những nơi hoang vắng sâu hơn nữa. Từ đó, thực hành của họ hình thành nên truyền thống đan tu Kitô giáo. Không phải ai trong chúng ta cũng được Chúa kêu gọi để trở nam nữ đan sĩ cả. Tuy nhiên, có nhiều kỷ luật và thực hành trong Giáo Hội mà nếu chúng ta sẵn sàng và trung thành tuân giữ, thì chúng sẽ giúp ta sống mùa Chay - mùa canh tân cuộc sống - một cách trọn vẹn hơn: “Hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 5,31).

 

* cgvdt.vn  -  Lm Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

______________________________________________________________________

1 Xc. Trần Ngọc Quỳnh, Năm Phụng Vụ (Sài Gòn: Tủ Sách Ðại Kết), 135.

2 Không hát Kinh Vinh danh trong các Chúa nhật mùa Chay nhưng vẫn được hát nếu cử hành lễ trọng hay lễ kính rơi vào mùa Chay.

3 Những Quy luật Tổng quát về Năm Phụng vụ và Lịch chung Rôma, số 28

4 Ibid., số 59.

5 Xc. Edward McNamara, “Picking the Day Lent Begins” trích trong The ZENIT Daily Dispatch (28 FEB. 2006).

6 St. Augustine, Letter 55,14 trích lại trong Bernard Raas, SVD, Liturgical Year, vol. 2 (Philippines: Logos Publications, Inc, 2008), 19.

 

You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Sống đạo