Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Cha xứ và con chiên
Ngày đăng: 13/03/2019

Cha xứ và con chiên 

 

Có lẽ không hình ảnh nào đẹp bằng người chăn chiên và đàn chiên khi nói về tương quan giữa cha xứ và giáo dân. Bởi thế trong khi rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu thường ví mình là mục tử tốt lành, và những người tin theo Người là những con chiên cần được bảo vệ chăm sóc. Chính Đức Giêsu đến để cho từng con chiên được sống và sống dồi dào. (Ga10, 10). Rồi sau khi về trời, Đức Giêsu trao đoàn chiên là Giáo Hội cho các Tông đồ tiếp tục sứ mạng ấy. Lời căn dặn của Đức Giêsu dễ thương và quan trọng vô cùng. Thương vì trước khi trao sứ mạng, Đức Giêsu hỏi ông Phêrô đến ba lần “con có yêu mến Thầy không?”, sau ba lần ông thưa có, Đức Giêsu tin tưởng trao cho ông sứ mạng: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” (Ga21, 15-17). Bởi đó sau này người ta thường gọi những người tin theo Đức Giêsu là những con chiên. Quan trọng vì đó là chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Nhiều bạn trẻ thắc mắc sao lại lấy hình ảnh con chiên để biểu tượng cho giáo dân? Trước hết, giáo dân là những ai đã lãnh nhận bí tích rửa tội, nhưng không chịu chức thánh, họ ở trong Hội Thánh và tin vào Thiên Chúa. Giáo sĩ hay linh mục (mục tử) là những người có chức thánh. Cũng giống như người Việt vốn là “con rồng, cháu tiên”, người giáo dân là “con chiên, đàn chiên của Chúa”.

Nếu các bạn có dịp đi đến Đất Thánh, nơi đó chúng ta dễ bắt gặp những người chăn chiên và những đàn chiên. Con chiên thuộc vào loài động vật hiền từ và luôn nghe theo tiếng chủ. Chúng hiền đến nỗi dễ bị sói giữ rình rập ăn thịt. Bởi đó, vai trò của người chăn chiên hay mục tử thật quan trọng biết bao. Không chỉ bảo vệ, người mục tử biết chỗ nào có đồng cỏ xanh, suối nước mát để dẫn đàn chiên của mình đến nghỉ ngơi. Từ thời xa xưa trong Cựu Ước, dân Do Thái xem Đức Chúa như là mục tử chăn dắt họ, và họ không còn thiếu thốn chi. (Tv 22).

Một hình ảnh thật đẹp khi ta có dịp về những làng quê Công giáo Việt Nam, nơi đó có người mục tử và đoàn chiên. Con chiên luôn tin tưởng và cộng tác với mục tử của Chúa để làm cho đoàn chiên ngày càng lớn mạnh. Họ đoàn kết và yêu thương nhau, nhờ đó con chiên có sức chống lại những bách hại của thế lực bài xích đạo. Chúng ta xúc động nghe lại câu nói của Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp trước quan lính: “Tôi sống giữa đàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đàn chiên, không đi đâu cả”. Đức Giêsu, vị mục tử tốt lành luôn cần những mục tử như thế, dám hy sinh mạng sống để cho chiên được sống dồi dào.

Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, của thế hệ ông bà chúng ta. Hoàn cảnh hôm nay dường như khác xưa rất nhiều. Người mục tử cần tìm nhiều cách thế phù hợp để chăm sóc con chiên của mình. Số là đoàn chiên sống giữa nền kinh tế trị trường, giữa thế giới phẳng, nên không thể quy tụ thành một đoàn nhỏ hẹp nơi giáo xứ mình nữa. Người trẻ theo dòng người tha phương kiếm sống, để lại nơi nhiều giáo xứ thôn quê người mục tử cùng với người già và trẻ em. Từ đó, dường như mọi sinh hoạt giáo xứ cũng khó khăn. Khi con chiên ra khỏi môi trường xóm đạo, đương nhiên họ sẽ gặp những thách đố trong đời sống đức tin. Cuộc sống xô bồ cướp mất thời gian để con chiên phụng thờ Thiên Chúa. Không ít bạn trẻ như những con chiên đi lạc giữa cuộc sống thị thành. Đó là thực trạng luôn khiến các mục tử của Chúa canh cánh trong lòng. Làm sao để giúp cho con chiên xa xứ luôn có được sức sống thần linh?

Trước câu hỏi trên đây, như Giáo Hội mời gọi: “Người giáo dân có ơn gọi sống dấn thân trong đời sống xã hội để làm cho Nước Thiên Chúa lớn mạnh nơi trần thế.” Hơn nữa, Giáo Hội nhắc nhở những người trẻ cần suy nghĩ đến địa vị, vai trò mà Thiên Chúa muốn họ phải đảm nhiệm trong Giáo Hội. Thiết tưởng dù sống nơi đâu, họ luôn có giáo xứ để tìm về, để sinh hoạt. Xin đừng sợ những linh mục của Chúa. Một trong những nhu cầu của con người là thuộc về một nhóm nào đó. Khi tách ra khỏi giáo xứ, người trẻ có nguy cơ bơ vơ đến khủng hoảng trong đời sống đức tin. Tôi biết không ít bạn trẻ chẳng màng gì đến đạo nghĩa. Họ để Thiên Chúa ở lại nhà xứ. Dĩ nhiên vắng Chúa, vắng mục tử, họ quay cuồng mất định hướng trong chốn thị thành. Ước gì người trẻ chúng ta đừng rơi vào con đường ấy. Ngược lại mình cần giữ liên lạc với vị mục tử để được chăm sóc chở che. 

Hơn nữa, là mục tử tốt lành, các ngài muốn chăm sóc đời sống thiêng liêng của con chiên. Về phần các linh mục, chúng ta thấy các ngài đã, đang và sẽ có nhiều sáng kiến để giúp đoàn chiên của mình. Có lần ĐTC Phanxicô “yêu cầu những mục tử hãy mang nặng mùi con chiên của mình”. Để được như thế, mục tử phải là con người của cầu nguyện, có kinh nghiệm về Thiên Chúa để hướng dẫn đoàn chiên đến với nguồn sống là Đức Giêsu. Hơn nữa, trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều người cần mục tử nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực của Lời Chúa, của bí tích và ủi an.

Con chiên cần những mục tử có trái tim đồng cảm và lắng nghe. Hơn nữa, con chiên phấn khởi khi nghe ĐTC Phanxicô chia sẻ với những mục tử của thời đại hôm nay với những cụm từ đầy ý nghĩa: cầu nguyện, tiến bước, chia sẻ, đừng khó tính, giảng ngắn lại, nên linh mục đường phố, gần gũi với những người trẻ, nên khí cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa. Tóm lại, người mục tử lý tưởng theo Đức Thánh Cha Phanxicô là “người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm như sự tự do trước mặt Chúa, cũng như sự khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ của cuộc sống.”

Như thế thật thách đố cho cả con chiên và mục tử biết bao. Nhưng nhờ ơn Chúa và nỗ lực của con người, chúng ta ước mong Giáo Hội luôn có nhiều mục tử tốt lành và đoàn chiên có nhiều sức sống.  

* dongten.net  -  Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

 

You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Sống đạo