Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Xác loài người ngày sau sống lại
Ngày đăng: 09/11/2018

Xác loài người ngày sau sống lại 

 

Một thực tế là không ai biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày sau hết, vào ngày tận thế hay ngày cánh chung. Tất cả những gì chúng ta bàn đều dựa trên những suy luận và niềm tin. Tin vì chính Kinh Thánh nói đến xác loài người ngày sau sẽ sống lại; mặt khác có những nhà thần học giải thích về tín điều này, nhưng phải thừa nhận rằng suy luận về điều này quả là vượt quá sức tưởng tượng và hiểu biết của chúng ta. Chúng ta chỉ hiểu được trong đức tin, một suy luận của con tim!

Không ít người cho rằng làm gì có chuyện người chết sống lại. Nhưng chân thành mà nói, sự sống đời sau và sự sống lại luôn là câu hỏi hiện sinh của mỗi người, của mọi thời. Thật ra không chỉ con người ngày nay ngạc nhiên về điều này. Thời các Tông đồ, thánh Phaolô ghi nhận rằng: “Sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? […]Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” (1Cr15,12-14.19-20). Đó là hy vọng của những ai tin vào Thiên Chúa. Ngược lại, những ai phủ nhận kẻ chết sống lại, họ cũng không tin có một Thiên Chúa với đầy đủ uy quyền làm điều ấy. Hoặc cực đoan hơn, họ không tin vào Thiên Chúa, và cái chết là điểm chấm hết cho hiện sinh của một con người.

Trước những tranh luận, nghi vấn liên quan đến chủ đề này, Công Ðồng Nixêa tuyên xưng rằng: “kẻ chết sống lại” hay “xác loài người ngày sau sống lại” (như trong kinh Tin Kính các Tông Ðồ). Khi tuyên xưng những lời ấy, không ít bạn trẻ đặt vấn đề về thân xác” và sự sống lại của thân xác” xảy ra như thế nào? Chết là chấm dứt mọi thứ, như người vô thần nói; hoặc sau cái chết linh hồn con người sang thế giới bên kia, như người Công giáo vẫn tin. Ngày xưa tư duy Hy Lạp cho rằng con người gồm“thể xác, linh hồn và tinh thần”. Trong Cựu ước, thân xác, linh hồn và thần khí là một tổng thể của con ngươi. Cũng vậy, Tân Ước cho rằng con người có xác thịt, tâm linh và thần khí, nhưng không phân tách từng phần rời rạc như kiểu nói của triết thuyết Plato: thân xác là mồ chôn của linh hồn. Nói như thế để cho thấy Xác” ở đây không những đưa về thực tại sinh lý mà còn nói lên một con người toàn vẹn, là thể xác, linh hồn và tinh thần. (theo cha Lm. Phêrô Phan Ðình Cho. Đọc thêm sách của cha với tiều đề: 101 Giải Đáp Về Cái Chết Và Sự Vĩnh Hằng).

Mặt khác Thánh Kinh khi nói về “thân xác” là muốn nói rằng thân phận con người thật mỏng dòn, vì phải mang thân phận của một thụ tạo phải chết. Đó là hậu quả của tội lỗi. Điều ấy chỉ xảy ra ngoài Vườn Địa Đàng. Tuy nhiên, vì là thụ tạo giống hình ảnh Thiên Chúa, nên thân xác chúng ta không thấp hèn như nhiều người nghĩ. Chính Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm (nhập thể), để cứu chuộc loài người. Khi đó Giáo Hội tin rằng, Đức Giêsu không chỉ cứu lấy linh hồn ta mà cả thân xác của ta nữa. Niềm tin ấy có cơ sở vì chính Chúa Giêsu đã chết và đã phục sinh từ trong kẻ chết. Giờ đây Người hằng sống đời đời. “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.”(Ga11,1-45). Đó là một cuộc cách mạng Thiên Chúa thực hiện để đưa nhân loại đến cuộc sống vĩnh hằng. Ở điểm này, người ta nói vui rằng giá như Tần Thủy Hoàng thay vì đi tìm thuốc trường sinh bất tử, ông nên tin vào Đức Giêsu thì ông ấy đã không phải chết! Tiếc là ông ấy sống trước Đức Giêsu hơn 3 thế kỷ, nên ông chỉ mài mê đi tìm thứ thuốc trường sinh và sau cùng cũng chết, để lại tai tiếng là một ông vua ác độc!

Ai cũng biết khi ta chết, thân xác ta trở về cát bụi, tựa như “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”. Còn tình trạng linh hồn tùy thuộc vào niềm tin của mỗi người. Vô thần cho rằng chết là hết, phật Giáo tin linh hồn sẽ được đầu thai (luân hồi chuyển kiếp), Kitô giáo tin rằng linh hồn đến gặp Thiên Chúa và chờ hợp nhất lại với xác vào ngày tận thế. Đó là niềm tin của chúng ta. Đó là ý nghĩa tích cực khi phải đối diện với cái chết, vì “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô và chết là một mối lợi.” (Pl1, 21). Còn thân xác ta sẽ sống lại thế nào, lại là một màu nhiệm khiến ta không tài nào hiểu hết. Trong niềm tin ấy, giờ phút lâm trung là lúc Chúa Kitô sẽ tới đưa ta vào cuộc sống đời đời, nếu ta trông vậy vào Người. Hay nói như thánh Têrêsa Hài Đồng:“Không phải cái chết sẽ đến đón tôi mà là chính Thiên Chúa”. Hoặc thánh Têrêsa Avila:“Tôi muốn thấy Thiên Chúa và để thấy Thiên Chúa, tôi phải chết.”

Một điều khiến chúng ta để tâm suy nghĩ là mọi người đã chết đều sẽ sống lại. Đó là thời gian phán xét chung của Thiên Chúa. “Ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án.” (Ga5, 29; Đn12, 2). Ước gì khi tin vào “xác loài người ngày sau sống lại”, chúng ta sống hy vọng trong Thiên Chúa phục sinh. Cuộc sống trần gian không phải là chốn trường sinh, nhưng chính Nước Trời mới là quê hương đích thực! Về điểm này, thời Cựu Ước sách Giảng Viên nhắc người trẻ rằng: “Vào thời thanh xuân, con hãy nhớ đến Đấng Sáng Tạo … trước khi bụi trở về với đất như cũ và sinh khí trở về với Đấng đã ban nó cho con.” (Gv12,1-7).  

Ước gì trong tín điều xác loài người ngày sau sống lại, mỗi người nhận thấy cái chết có ý nghĩa của nó. Để trong tháng 11 này, nơi nghĩa trang hay trước nấm mồ người đã khuất, một ngày nào đó, chúng ta sẽ được trùng phùng, diện kiến Thiên Chúa và hy vọng được hưởng hạnh phúc thiên thu. Trong tâm thế đó, mỗi người xin với Chúa:“Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì chị Chết mà không ai thoát khỏi được. Vô phúc cho người chết trong tội trọng và diễm phúc cho người được chết trong ân nghĩa Chúa, vì cái chết lần thứ hai sẽ không làm cho họ đau khổ.” (Thánh Phanxicô Assisi).

 

* dongten.net  -  Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

 

You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Sống đạo