Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Sống tình trạng đau yếu
Ngày đăng: 11/10/2018

Sống tình trạng đau yếu 

1.

Nhiều người hỏi thăm tôi về sức khỏe. Tôi hay trả lời: “Đời tôi, đau yếu là bình thường, khỏe mạnh là khác thường”. Đúng thực là như vậy. Nói một cách khác: “Đối với tôi, đau yếu là người bạn trung thành nhất”. Khi nói “đau yếu”, tôi hiểu cả về thân xác lẫn tâm hồn.

Tôi đâu muốn yếu đau. Tôi muốn tránh. Nhưng tránh được đau yếu này lại phải chịu đau yếu kia. Tránh được một, lại gặp thêm hai. Thôi thì chịu đồng hành.

2.

Cùng đi với tình trạng đau yếu trên đường về quê trời, tôi xin Chúa cho tôi đón nhận được từ người bạn đồng hành này nhiều điều tốt. Chúa đã không từ chối. Người đã dùng yếu đau như người thầy để huấn luyện tôi.

Tôi xin vắn tắt chia sẻ vài nội dung sống động của những bài học tu đức đó.

3.

Nhận ra dung mạo nhân ái của Thiên Chúa tình yêu.

Rất nhiều khi nghe về Thiên Chúa, tôi đã hình dung Người là Đấng vô cùng cao cả, uy nghi, quyền phép, xa vời. Nhưng, từ lúc tôi bị đau yếu hoành hành thường xuyên, tôi hay cầu nguyện với Chúa Giêsu. Cầu nguyện một cách đơn sơ, vắn tắt, như: “Lạy Chúa, xin thương xót con”.

4.

Những lời cầu như thế đã trở thành những tâm tình thân mật. Rồi, không biết từ lúc nào, những tâm tình thân mật ấy lại đưa tới những gặp gỡ thiêng liêng.

Những gặp gỡ này dẫn tôi lại gần bên Chúa. Với đức tin, tôi thấy Người đơn sơ khó nghèo, đúng như hình ảnh Chúa Hài Đồng xưa trong hang đá Bêlem. Người vất vả lầm than, đúng như hình ảnh người thợ mộc xóm nghèo xưa ở Nadarét. Người êm đềm, gần gũi, đúng như nhà truyền giáo xưa ở Galilê. Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

5.

Tin vào lời Người, tôi xin Người nhìn gánh nặng của tôi. Gánh nặng đó là những bệnh tật, những tính mê nết xấu, những khổ đau tâm hồn và bao thứ lo âu sầu muộn. Người chia sẻ với tôi.

6.

Người chia sẻ bằng những ủi an. Đôi khi bằng cách Người cho tôi nhận ra dung mạo Người đẫm máu, như xưa trên thánh giá. Có lúc tôi cũng được nghe lại lời Người cầu nguyện xưa: “Lạy Cha, con xin dâng phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Người chịu khổ để đền tội cho tôi, vì Người thương tôi.

7.

Nhận thức như vậy, dần dần, tôi phó thác nơi Người. Phó thác tuyệt đối và đơn sơ. Tôi là gì, tôi có gì, tôi xin phó thác hết. Lòng tôi nhẹ nhàng. Bởi vì Chúa đã bao bọc tôi bằng tình xót thương của Người. Tôi nhận ra dung mạo Người. Người là Đấng giàu tình thương xót.

Cùng lúc đó, tôi lại được biến đổi cái nhìn của tôi đối với mọi người.

8.

Nhận ra mọi người đều được Chúa đi tìm, đợi chờ để ban ơn cứu độ.

Tôi nhận ra nhân loại tội lỗi được Chúa xót thương vô bờ bến. Đúng là như vậy. Chúa Giêsu có lần đã nói rõ: “Thầy không đến kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13).

9.

Không những Chúa kêu gọi, mà Chúa còn đi tìm. Đoạn Phúc Âm sau đây đã rất rõ: “Các con nghĩ sao? Ai có 100 con chiên, mà có một con đi lạc, lại không để 99 con kia trên núi, mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thực các con, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì 99 con chiên không bị lạc. Cũng vậy, Cha của các con, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18, 12-14).

Những lời Chúa Giêsu phán trên đây chính là sự thực. Sự thực này đã hoán cải lòng tôi. Lòng tôi được Chúa biến đổi, mở rộng ra theo lòng Chúa.

10.

Tình yêu cứu độ là quên mình, chia sẻ khổ đauTấm lòng truyền giáo là thao thức đi tìm. Trái tim mục vụ là cháy lửa bác ái, ngược xuôi lo cho mọi người. Chỉ những ai cố tình loại trừ mình ra khỏi tình thương cứu độ mới bị hư mất. Chứ đã là mục tử, thì không loại trừ ai. Ai càng lầm lỗi, càng đáng xót thương.

11.

Nhận ra chính mình mong manh, yếu đuối, rất cần được Chúa và mọi người tha thứ đỡ nâng.

Thực vậy, khi tôi đau yếu lâu dài, cả hồn lẫn xác, tôi mới kinh nghiệm sâu hơn về thân phận con người. Đau yếu là bất toàn, là đứt đoạn, là mong manh, là giới hạn, là dứt lìa, là rã rời, bất ổn, là cạn dần khả năng phục vụ, là gánh nặng, phiền hà cho người khác.

Không chỉ là thế, mà đau yếu còn là báo hiệu cho hành trình cuộc sống sẽ có lúc phải chấm dứt. Chấm dứt ở đâu? Giờ nào? Cách nào? Xác phải tan đi, nhưng hồn sẽ về đâu?

12.

Những thoáng suy nghĩ đó đưa tôi đến chỗ phải tìm cho đời mình một hướng đi. Hướng đi ấy sẽ giúp tôi sống mọi mảnh vụn cuộc đời với một ý nghĩa cao đẹp và hữu ích.

Nhờ vậy, đau yếu được tôi sống như một cách thanh luyện, một cách hiệp thông cứu độ, một cách tế lễ, một cách trở về với Chúa, một cách cảm thông với những ai cùng thân phận.

13.

Thực tế, khi vật vã với đau yếu, tôi thường xin ơn Chúa xót thương, ơn vâng phục ý Chúa và ơn cho mọi người đau khổ đều được xót thương.

Tâm tình xin xót thương được trả lời bằng Phúc Âm thánh Luca đoạn Chúa Giêsu nói về thái độ người cha nhân từ đối với đứa con phung phá: “Khi người con phung phá còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm lấy con và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20).

14.

Tâm tình xin xót thương cũng còn được trả lời bằng thái độ của Chúa Giêsu trên thánh giá đối với người kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Người. Phúc Âm thánh Luca nói vắn tắt về người tử tội đó. Anh nói với Chúa Giêsu: “Thưa ông Giêsu, khi ông vào Nước của ông, xin ông nhớ đến tôi với. Chúa Giêsu liền trả lời anh: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 42-43).

Chuyện người con phung phá và chuyện người trộm lành đã giúp tôi có một cái nhìn mới về bản thân mình.

15.

Tôi nhìn thấy cuộc đời tôi là một chuyến đi mang nhiều yếu đuối. Nhưng chuyến đi ấy sẽ được kết thúc bằng những xót thương. Tôi hy vọng bến bờ đón chờ mọi người cũng sẽ là những xót thương. Chỉ với một điều kiện là người ta khiêm tốn sám hối ăn năn, khiêm nhường đón nhận ơn xót thương, để được bước vào Nhà Cha.

16.

Trên đây là chút tâm sự của tôi về một cuộc đời đau yếu. Đau yếu chằng chịt, đau yếu liên miên, đau yếu xác hồn.

Chút tâm sự này phát xuất từ kinh nghiệm sống đức tin. Tôi biết những đợt bóng tối và sóng gió trập trùng vẫn không giảm. Người đau yếu luôn cần được thông cảm, nhất là đau yếu lại thêm tuổi già. Tôi tin tình Chúa xót thương luôn mạnh hơn tất cả. Xin hết lòng cảm tạ Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Xin hết lòng cảm ơn mọi người đã nâng đỡ tôi.

 

* cgvdt.vn  -  Đức Giám mục Bùi Tuần 

You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Sống đạo