Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Thiên Chúa hay vô thần - Điều nào hợp lý hơn?
Ngày đăng: 10/06/2022

Thiên Chúa hay vô thần - Điều nào hợp lý hơn? 

 

Kết luận rằng Thiên Chúa hiện hữu thì không cần đến đức tin. Chủ nghĩa vô thần mới đòi hỏi phải có niềm tin.

 

Tin vào Thiên Chúa có là điều hợp lý không? Nhiều người cho rằng đức tin và lý trí đối lập nhau; rằng niềm tin vào Thiên Chúa và lý luận logic chặt chẽ giống như dầu và nước. Họ sai. Niềm tin vào Thiên Chúa  thì hợp lý hơn nhiều so với chủ nghĩa vô thần. Lý luận logic có thể cho thấy có một vị Thiên Chúa. Nếu bạn nhìn vào vũ trụ với lý lẽ thông thường và một tâm trí rộng mở, bạn sẽ thấy rằng vũ trụ chứa đầy dấu tay của Thiên Chúa.

Một khởi đầu tốt là lập luận của thánh Tôma Aquinô, nhà triết học và thần học vĩ đại ở thế kỷ 13. Cuộc tranh luận bắt đầu với việc quan sát không gây giật mình lắm rằng mọi thứ đều chuyển động. Nhưng không có gì chuyển động mà không có lý do. Phải có điều gì gây ra chuyển động đó, và bất cứ điều gì gây ra chuyển động đó phải do điều gì khác nữa gây ra, và cứ thế. Nhưng chuỗi nhân quả này không thể cứ đi ngược lại mãi mãi. Phải có một sự khởi đầu. Cần phải có một nguồn khời động vốn không chuyển động để bắt đầu mọi chuyển động trong vũ trụ, một quân cờ domino đầu tiên để bắt đầu toàn bộ chuỗi chuyển động, vì vật chất đơn thuần không bao giờ tự chuyển động.

Một phản đối hiện đại đối với lập luận này là một số chuyển động trong cơ học lượng tử - ví dụ như phân rã phóng xạ - không có nguyên nhân rõ ràng. Nhưng hãy chờ một giây. Chỉ vì các nhà khoa học không tìm ra nguyên nhân không có nghĩa là không có một nguyên nhân. Điều đó chỉ có nghĩa là khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân đó. Có thể một ngày nào đó họ sẽ tìm ra. Nhưng sau đó sẽ phải có một nguyên nhân mới để giải thích nguyên nhân họ mới tìm ra. Và vân vân. Nhưng khoa học sẽ không bao giờ tìm ra nguyên nhân đầu tiên. Đó không phải là cú đánh vào khoa học. Điều đó đơn giản có nghĩa là nguyên nhân đầu tiên nằm ngoài lĩnh vực khoa học.

Một cách khác để giải thích lập luận này là mọi thứ bắt đầu đều phải có nguyên nhân. Không có gì có thể đến từ số không. Vì vậy, nếu không có nguyên nhân đầu tiên, thì không thể có nguyên nhân thứ hai - hoặc bất cứ điều gì. Nói cách khác, nếu không có đấng sáng tạo thì không thể có vũ trụ.

Nhưng bạn có thể hỏi:  điều gì sẽ xảy ra nếu vũ trụ đã tồn tại từ lâu lắm rồi không thể xác định được. Tất cả các nhà khoa học ngày nay đều đồng ý rằng vũ trụ không tồn tại từ lâu lắm rồi không thể xác định - mà nó đã có một sự khởi đầu, trong vụ nổ lớn Big Bang. Nếu vũ trụ có sự khởi đầu, thì trước đó nó không tồn tại. Và những thứ không tồn tại phải có một nguyên nhân đưa nó đến tồn tại.

Lập luận này được xác nhận từ khoa vũ trụ học liên quan đếnvụ nổ lớn Big Bang. Bây giờ chúng ta biết rằng tất cả vật chất, tức là toàn bộ vũ trụ, đã bắt đầu tồn tại cách đây khoảng 13,7 tỷ năm, và nó đang giãn nở và nguội đi kể từ đó. Không có nhà khoa học nào nghi ngờ điều đó nữa, mặc dù trước khi nó được khoa học chứng minh, những người theo thuyết vô thần đã gọi đó là “thuyết sáng tạo trá hình”. Bây giờ, hãy thêm vào tiền đề này một tiền đề thứ hai rất hợp lý, đó là nguyên tắc nhân quả, rằng không có gì bắt đầu mà không có nguyên nhân cân xứng, và bạn nhận được kết luận rằng bởi vì đã có một vụ nổ lớn, vậy thì hẳn phải có một “người làm ra vụ nổ lớn”.

Nhưng “người làm ra vụ nổ lớn” này có phải là Thiên Chúa không? Tại sao không thể là một vũ trụ khác? Bởi vì thuyết tương đối rộng của Einstein nói rằng mọi thời gian đều liên quan với vật chất, và vì mọi vật chất đều bắt đầu cách đây 13,7 tỷ năm, nên tất cả thời gian cũng đều bắt đầu cách đây 13,7 tỷ năm. Vì vậy, không có thời gian trước vụ nổ lớn. Và ngay cả khi có thời gian trước vụ nổ lớn, ngay cả khi có đa vũ trụ, tức là nhiều vũ trụ với nhiều vụ nổ lớn, như lý thuyết dây – string theory - nói là điều có thể xẩy ra về mặt toán học, thì điều đó cũng phải có sự khởi đầu.

Một sự khởi đầu tuyệt đối là điều mà hầu hết mọi người có ý nói về “Thiên Chúa”. Tuy nhiên, một số người vô thần nhận thấy rằng sự tồn tại của vô số vũ trụ khác hợp lý hơn sự tồn tại của một đấng sáng tạo. Đừng bận tâm đến chuyện đó vì không có chút bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy có tồn tại bất kỳ một vũ trụ nào trong số các vũ trụ mà người ta chưa biết này, chứ đừng nói đến một nghìn hay một tỉ tỉ vũ trụ nào đó.

Các nhà khoa học sẽ đi bao xa để tránh phải kết luận rằng Thiên Chúa đã tạo ra vũ trụ? Đây là những gì mà nhà vật lý của đại học Stanford, Leonard Susskind nói: “Các nhà khoa học thực sự thì chống lại sự cám dỗ muốn giải thích sự sáng tạo bằng sự can thiệp của thần thánh. Chúng tôi chống lại cho đến chết tất cả các giải thích về thế giới dựa trên bất cứ điều gì ngoại trừ các định luật vật lý.” Tuy nhiên, cha đẻ của vật lý hiện đại, Ngài Isaac Newton, lại tin tưởng nhiệt thành vào Thiên Chúa. Ông có phải là một nhà khoa học thực sự không? Bạn có thể tin vào Thiên Chúa mà vẫn trở thành một nhà khoa học, và không phải là một kẻ lừa đảo không ? Theo Susskind, rõ ràng là không. Vậy chính xác thì ai mới là những người có tâm trí kép kín trong cuộc tranh luận này?

Khi kết luận rằng Thiên Chúa hiện hữu người ta không cần phải nhờ đến đức tin. Chủ nghĩa vô thần mới đòi hỏi phải có niềm tin. Cần phải có niềm tin thì mới có thể tin rằng mọi thứ đến từ con số không. Chỉ cần có lý luận là đủ để tin rằng mọi thứ đều đến từ Thiên Chúa.

 

Tác giả: Peter Kreeft,

giáo sư triết học tại Đại học Boston, làm việc cho Prager University.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Nguồn: catholiceducation.org

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Kỹ năng sống