Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Cuộc phỏng vấn ngoại thường đặc biệt với Cha giáo sư Dominique Tyl, S.J. về các vấn đề xã hội Việt Nam
Ngày đăng: 25/10/2021

Cuộc phỏng vấn ngoại thường đặc biệt

với Cha giáo sư Dominique Tyl, S.J.

về các vấn đề xã hội Việt Nam 

 

Truyền Thông Dòng Tên (JesCom) gửi đến quý vị độc giả cuộc phỏng vấn ngoại thường đặc biệt với Cha giáo sư Dominique Tyl, S.J. về các vấn đề xã hội Việt Nam và các ưu tiên tông đồ của Dòng Tên hiện nay. Cha Tyl là giáo sư chuyên ngành xã hội học của Dòng Tên ở Đài Loan. Trong cuộc phỏng vấn này, cha sẽ giúp cho chúng ta có được một cái nhìn mới mẻ của một nhà xã hội học về các vấn đề xã hội của Việt Nam ngày nay. 

 

  • Cha Quang Minh, S.J: Cha Tyl kính mến, chúng con cám ơn Cha rất nhiều vì đã nhận lời cuộc phỏng vấn này. Với tư cách là một Giêsu hữu và cũng là một nhà xã hội học, đã sống và làm việc nhiều năm ở Trung Hoa, và đồng thời có rất nhiều kinh nghiệm về các nước Châu Á khác như Việt Nam, Cha có thể cho chúng con biết cách khái quát về những đặc nét nghiên cứu xã hộ học ở các nước Châu Á; hay nói một cách khác, đâu là điều cần lưu ý khi chúng ta nghiên cứu xã hội học ở Châu Á?

 

  • Cha Dominique Tyl, S.J.: Tôi cám ơn rất nhiều vì đã cho tôi cơ hội để chia sẻ một vài phản tỉnh. Cha nói rằng tôi là một Giêsu hữu, quả thật tôi là một Giêsu hữu, tôi cố gắng để trở nên một người như vậy; và tôi cũng được học để trở thành một nhà xã hội học, dù không phải là một nhà xã hội học xuất chúng. Đối với tôi, cách tiếp cận của xã hội học khá là thú vị vì nó giúp hiểu những gì đang diễn ra ngoài xã hội và cả ơn gọi Giêsu hữu của tôi. Cha có đề cập rằng tôi có nhiều kinh nghiệm ở Trung Hoa, quả thực đúng như vậy; nhưng ở các nước Châu Á khác, tôi có ít kinh nghiệm hơn. Tôi cũng cám ơn Cha vì tôi được mời đến đây rất nhiều lần, và tôi thực sự vui khi được ở với các Học Viên và chia sẻ về xã hội học. Tôi đã từng đến nhiều nơi, nhưng với Hàn Quốc và Nhật Bản thì tôi thừa nhận là tôi không biết nhiều; tôi biết nhiều hơn về các nước Đông Nam Á. Một hiện tượng mà tôi rất quan tâm là sự thay đổi nhanh chóng về xã hội ở Trung Hoa và ở Việt Nam, chúng ta hãy bàn về hai quốc gia này. Một ví dụ minh họa là sự đô thị hóa, nhiều người rời bỏ làng quê để về các thành phố. Tất nhiên, điều này có thể nhận thấy ở rất nhiều quốc gia khác và ngay cả Châu Âu; nhưng ở đây chúng ta chỉ đang cảm nhận hiện tượng này và nó đang mang nhiều thay đổi về xã hội. Tôi cố gắng để thấy đâu là điều đang thay đổi, đâu là các bước nhỏ hay những dấu hiệu của những thay đổi về xã hội, để từ đó tránh không bị quá trễ để nói ‘ồ, xã hội đã không còn như trước.’ Thực ra, có nhiều điều có thể nhận thấy ngay khi nó mới vừa bắt đầu diễn ra; nhưng rất thường xuyên, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta không để ý, hoặc không sẵn sàng, hoặc không biết, cách để quan sát điều đang diễn ra.

 

  • Cha Quang Minh, S.J:  Con cám ơn Cha về những phản tỉnh mở đầu này. […]. Như Cha biết gần đây Dòng Chúa Giêsu đề cập đến điều được gọi là UAPs, những Ưu tiên Tông Đồ Phổ Quát, vốn được xem là điểm nhấn của sự dấn thân của Giêsu hữu trong việc tông đồ đối với thế giới, nhân dịp này chúng con xin Cha vui lòng cho biết vài cảm nghĩ về nó, tất nhiên trước hết trong tư cách là Giêsu hữu và cũng là nhà xã hội học. Vâng, trước tiên, đâu là những thách đố của Á Châu với sự đa dạng về thế giới quan tôn giáo và thần học cho việc hiểu các giá trị chung về chân-thiện-mỹ như một ví dụ?

 

  • Cha Dominique Tyl, S.J.: Có thể tôi muốn nói một vài điều liên quan đến kinh nghiệm của tôi trong tư cách là Giêsu hữu. Khi cha Arrupe được bầu làm Bề Trên Cả của Dòng, ngài đã khởi xướng một điều rất lớn là làm một cuộc khảo sát, và tôi đang là một học viên hay tập sinh tại thời điểm đó. Ngài đã hỏi rằng: ‘Điều gì đang diễn ra? Chúng ta hãy tìm hiểu xem xã hội như thế nào? Chúng ta quan sát điều gì?’ Từ quan sát là một từ tôi rất thường dùng, bởi vì với tôi nó rất quan trọng để nhìn, để cảm nhận, để nghe, điều mọi người đang sống. Vì thế, với UAPs, tôi giải thích thế này dù đây không phải là cách giải thích duy nhất, nó là một thách thức rất tích cực để hỏi rằng ‘à, bạn có biết điều đang diễn ra không?’ Ví dụ, như cha đã đề cập về sự đa dạng về văn hóa, nó có nghĩa là gì? Có phải nó có nghĩa là sự bình tâm để bạn chọn tin điều này hay tin điều nọ […] hay là có gì đó sâu hơn? Trong kinh nghiệm và quan sát của tôi, chúng ta có khuynh hướng nhắm tới những giá trị chung, nhân quyền như một ví dụ để thấy rõ, và tới những khác biệt lớn. Nhưng với tôi, chúng ta không nên nói ngay từ đầu rằng ‘à, chúng ta khác nhau’. Tôi là người Việt chứ không phải người Trung Hoa, hay tôi là người Pháp chứ không phải người Đức, điều đó là tất nhiên; tuy vậy điều này không có nghĩa là chúng ta không thể nói chuyện với nhau. Nếu chúng ta tiếp tục cuộc trò chuyện này, bạn có thể nói cho tôi điều mà bạn tin, và tôi sẽ nói với bạn điều tôi tin. Dĩ nhiên, chân lý không hoàn toàn đứng về phía tôi, vậy thì tại sao lại không thể nói chuyện. [Tôi thích thức ăn Trung Hoa, bạn thì muốn cái mà bạn gọi là thức ăn Pháp, tôi không biết đó là bơ hay là gì.] Vâng, có rất nhiều khác biệt, nhưng khi chúng ta nhìn lại hay đi sâu hơn đến các giá trị, chúng ta sẽ nhận thấy có vài điều tương đồng. Đó là điều tôi nghĩ là quan trọng, không phải vượt lên trên sự đa dạng, nhưng là ở ngay trong sự đa dạng. Tôi không phải là người đầu tiên nói điều này, nhiều người từng nói điều này. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt khi nói ‘có sự khác biệt’, điều này không có nghĩa là ‘chúng ta khác biệt’; chúng ta đều là con người, và nếu nhìn từ góc độ đức tin của chúng ta thì chúng ta đều là con cái của một Thiên Chúa duy nhất. Vậy bây giờ chúng ta có thể tiếp tục trò chuyện không? Tôi sẽ nói cho bạn biết điều tôi tin, và bạn sẽ nói cho tôi điều bạn tin. Đôi khi điều chúng ta cảm nhận là giá trị trường tồn của xã hội thực ra lại chỉ là kết quả của một vài tiến hóa về xã hội. Tôi có thể đưa ra một ví dụ cho điều này, đó là gia đình. Khi tôi ở Đài Loan, các Học viên, và cả các giám mục thường nói ‘ồ, triết học Trung Hoa, hay cách hiểu của người Trung Hoa về sự sống, dựa trên nền tảng gia đình.’ Được thôi, không có vấn đề gì với tôi nếu bạn muốn nói như thế; tuy nhiên, cấu trúc gia đình tại thời điểm đó đã thực sự biến mất. Tôi cũng nghe điều tương tự vậy, dù không giống hoàn toàn, ở Việt Nam, một đôi bạn trẻ từ làng quê lên thành thị sẽ gặp khó khăn vô cùng lớn nếu sống trong một gia đình nhiều thế hệ. Vậy, gia đình ở đây có nghĩa là gì, nó không phải là một gia đình nhiều thế hệ hay có nhiều tương quan họ hàng để đối mặt với cuộc sống mỗi ngày. Vậy, đa dạng ư? Tại sao không? Chúng ta cần sáng tạo nên điều chúng ta cảm thấy là tốt hơn cho cuộc sống sung mãn.

 

  • Cha Quang Minh, S.J:  Con cám ơn Cha rất nhiều, đặc biệt ví dụ về gia đình đã giải thích khá rõ. Giờ đây, con muốn chuyển sang chủ đề thứ hai. Như Cha đã biết, không chỉ Trung Đông hay Châu Phi, mà ngay cả châu Á đang đối mặt với những làn sóng di cư bởi kinh tế hay môi trường sinh thái, hay vấn đề tị nạn và đôi khi kỳ thị sắc tộc và thậm chí giới tính ở một số nước châu Á. Câu hỏi của con là chúng ta cần quan tâm điều gì khi chúng ta nỗ lực, tất nhiên trong mức độ khả năng có thể của chúng ta, để thăng tiến tình trạng xã hội của họ?

 

  • Cha Dominique Tyl, S.J.: Một điều đầu tiên có thể nói đó là về nghèo hoàn toàn và nghèo tương đối. Nghèo hoàn toàn thực sự tồn tại trên khắp thế giới; nhưng nghèo tương đối là khắp mọi nơi, và có nhiều hơn ở các xã hội mà ta gọi là phát triển hơn. Vậy, nghèo tương đối là gì? Đó là khoảng cách giữa giàu với nghèo được mở rộng, chúng ta có thể thống kê nó ở khắp nơi; nhưng điều đáng quan tâm là mỗi lần có sự biến đổi trong xã hội thì lại có những người bị bỏ rơi, bị bỏ lại phía sau. Họ không thể đuổi kịp những thay đổi của xã hội. Chúng ta làm gì với những người này? Chúng ta ý thức về điều này như thế nào? Tôi còn nhớ, nhưng nó đã khá lâu, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết và nhấn mạnh trong tông thư “Octogesima adveniens”[1], tôi nghĩ là năm 1961[2], hy vọng là không sai. Ngài đề cập rằng ‘xã hội thay đổi, điều đó tốt; bây giờ hãy nói về việc đô thị hóa: Điều gì sẽ xảy ra cho những người không kiếm được công việc tốt, không có được ngôi nhà, và phải sống ở các khu lán nghèo.’ Đó cũng là ví dụ về sự thay đổi ở Việt Nam. Tôi nhớ năm ngoái các Học viên đã làm một số khảo sát ở quận 7: Tuy có những tòa nhà rất cao lớn, nhưng lại có những nhà lán nghèo ven sông, điều gì sẽ xảy ra với những người nghèo này? Hoặc, điều gì sẽ xảy ra với người dân tộc thiểu số lên sống ở các thành phố. Điều xảy ra ở Việt Nam cũng xảy ra tương tự ở Trung Hoa, hay nếu bạn đến các nước Châu Âu cũng thấy như vậy – đâu đó vẫn có những người không thể đuổi kịp sự thay đổi của xã hội. Bởi vì giáo dục là một thách đố lớn đối với họ, và vì những lý do khác nhau, không chỉ về kinh tế, họ không thể theo học lên cao. Lấy ví dụ, chính tôi cũng thấy khá để tâm khi thấy những người trẻ thôi học ở tuổi 16, điều gì đã xảy đến với họ? Một vài người trong đó có thể là rất thông minh và làm kinh doanh rất xuất sắc; nhưng một vài người không được như vậy, vậy điều gì sẽ xảy đến với họ. Một vài người không thể đuổi kịp vì khuyết tật tâm lý hay thể lý, chúng ta sẽ làm gì với họ? Chúng ta không cần đến Nam Sudan, hay đây đó trên thế giới để gặp những người nghèo, tất nhiên là chúng ta nên đến đó, nhưng sẽ như thế nào với những người nghèo ở ngay trong xã hội của chúng ta. Điều đó cũng có ở Nhật Bản, dù tôi không chắc tỉ lệ phần trăm chính xác là bao nhiêu, nhưng nó có tình trạng đó. Ở Hàn Quốc, khi tôi đến nhiều năm trước đây, chúng ta có thể thấy khoảng cách giàu nghèo nới rộng. Việt Nam cũng ở một tình trạng tương tự. Trong tư cách là một kitô hữu, không phải là một nhà xã hội học, tôi sẽ nói ‘à, đối với họ thì sao, làm sao chúng ta có thể giúp họ đứng trên đôi chân mình và nói rằng “chúng ta bình đẳng, không phải ở bình diện trách nhiệm, nhưng ở phẩm giá con người.”’ Đó thực sự là một thách đố lớn cho chúng ta để đấu tranh cho phẩm giá con người, mà không chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy cảm hay duy vật, nhưng trao cho họ cơ hội để trở nên những người cạnh tranh. Tất nhiên, nếu chúng ta cho họ cơ hội để trở nên mạnh, họ có thể thách thức cái mà chúng ta gọi là quyền lực văn hóa hay kinh tế, nhưng đó lại là một tin mừng. Về mặt xã hội học, nó giúp chúng ta nhận ra ‘à, đối với họ thì sao?’ Trong tư cách nhà xã hội học, tôi không nói rằng chúng ta sẽ quyết định điều cần phải làm, nhưng chúng ta có thể nói ‘à, có một vấn đề hay một hiện tượng mà chúng ta nên đối mặt nếu không hệ thống giá trị của chúng ta không đáng giá là bao.’ Vì thế, với tôi, nghèo tương đối là những ai bị bỏ lại phía sau. Tôi chắc chắn nó có ở khắp nơi, ở Việt Nam cũng vậy. Hay ở Trung Hoa cũng thế, nó không chỉ xảy ra nơi các làng quê, nhưng còn ngay cả các thành phố, ở Thượng Hải, ở Quảng Châu, tất cả những nơi ấy. Tôi cũng chắc cũng một tình trạng ấy ở Malaysia, hay ở Indonesia dù tôi không biết nhiều, và ở Philippines. Vậy chúng ta làm thế nào để giúp họ đứng được trên đôi chân mình? Tất nhiên, đức tin của tôi giúp tôi ý thức về thực trạng này, nhưng đơn thuần từ sự quan sát mang tính xã hội học tôi sẽ nói ‘hãy nhìn, họ thì sao? Bạn sẽ nói gì?’ Đó là cách tôi muốn trả lời câu hỏi. Vì thế, chúng ta phải làm, phải sáng tạo một điều gì đó vì chúng ta không thể để mặc tình trạng như vậy. Thật không phải mà cách hay để nói ‘à, dù sao bạn cũng biết đó bạn cũng sẽ luôn có cái phải bỏ lại khi có một sự thay đổi.’ Nói vậy không đúng. Chúng ta cũng không nên để một ai lên tiếng rằng ‘này bạn, chúng tôi sẽ chăm sóc bạn, nhưng xin bạn đừng quấy rầy chúng tôi.’ Không, chúng ta phải nói với mỗi người, từng người, và tất cả mọi người rằng ‘bạn là một con người, vậy bạn có khả năng để ngồi với tôi trong cuộc nói chuyện này trong sự kính trọng lẫn nhau’.

 

  • Cha Quang Minh, S.J: Chúng ta hãy chuyển sang một ưu tiên tông đồ khác của Dòng Chúa Giêsu vốn quan tâm đến tình hình chính trị toàn cầu cũng như vấn đề sinh thái. Như một ví dụ, Jakarta đang bị nhấn chìm dần, Sài Gòn đang bị ngập lụt, sông Mêkông đang bị khai thác quá mức. Cha có chia sẻ gì với chúng con về sự ảnh hưởng qua lại giữa sự phát triển kinh tế xã hội và các vấn đề môi sinh, ít nhất ở Đông Nam Á.

 

  • Cha Dominique Tyl, S.J.: Về sinh thái học, tôi phải thừa nhận là tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này và tôi biết cũng rất ít. Có hai điều tôi muốn chia sẻ: thứ nhất, tôi muốn tránh chủ nghĩa duy cảm, cách nói ‘ồ, chúng ta sẽ quan tâm chăm sóc mẹ trái đất’ đại loại như thế; điều này cũng được thôi, nhưng tôi nghĩ sẽ không giúp ích nhiều lắm. Điều khác mà tôi nghĩ là quan trọng là việc phổ biến thông tin, nó phải được chia sẻ nhiều nhất có thể. Cha đề cập đến Jakarta, sông Mêkông, và nhiều điều khác; đó là những điều có thể làm. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ mà tôi dùng trong lớp học: vấn đề ô nhiễm ở biển. Khi bạn tìm kiếm ở google, bạn có thể thấy bức hình thật kinh khủng về chất thải ngay ở giữa Đại Tây Dương. Điều này cần phải được thống kê một cách có khoa học. Tôi khuyến khích các nhà huấn luyện rằng chúng ta có thể không cần đến một cuộc hội thảo bàn về chất thải, dù điều đó tốt, nhưng cần phải nói ngay là ‘à, bạn có biết điều gì đang diễn ra ở Jakarta? Tại sao nó lại là một vấn nạn?’ Điều này thật quan trọng không phải vì tôi tin rằng khoa học như thế sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề, nhưng ít nhất nó thừa nhận hiện trạng – không khó để làm như vậy. Bước đầu tiên để phổ biến thông tin là làm cho mọi người trở nên ý thức rằng có điều gì đó sai sai ở đâu đó. Điều thứ hai là sự kết nối giữa sinh thái và khó nghèo. Trong tông thư Laudato Si, điều này được nói rất rõ. Nếu bạn muốn kính trọng mọi người, bạn phải làm điều gì đó về kinh tế vì người nghèo là người chịu thiệt nhất. Tôi sẽ chết trước ngày tận thế, nhưng sẽ như thế nào với những người khác, với thế hệ tiếp theo. Nếu tôi vô trách nhiệm, điều đó cho thấy hệ thống giá trị của tôi có vấn đề.

 

  • Cha Quang Minh, S.J:  Câu hỏi cuối cùng liên quan đến giới trẻ như là một dấn thân mới về tông đồ của Giêsu hữu. Như cha biết phần lớn dân số trẻ của thế giới tập trung ở Châu Á, với kinh nghiệm của cha trong tư cách là giáo sư đại học, giới trẻ ở Á Châu nên được trợ giúp gì cho một sự chuẩn bị và hội nhất tốt hơn cho tương lai của họ?

 

  • Cha Dominique Tyl, S.J.: Tôi không phải là một triết gia, nhưng tôi sẽ dùng bản văn của Hannah Arendt, Sự khủng hoảng trong Giáo dục, một bản văn cũ. Bà ta nói một điều mà tôi thấy khá thú vị: mỗi con người là một người mới, điều mà bà gọi là sự sáng tạo, nhưng đồng thời chúng ta không thể là chính mình nếu không là một phần của xã hội. Chúng ta đã chậm để đến với sự liên đới. Là người trẻ, bạn không thuộc thế hệ của tôi, bạn có những điều mới, vì thế tùy thuộc vào bạn để xây dựng nên một xã hội mà bạn muốn. Tất nhiên, tôi sẽ chia sẻ với bạn kinh nghiệm của tôi, thành công hay thất bại, nhưng tôi không quyết định thay bạn. Tôi có thể thảo luận và nói ‘điều này là không nên, hãy cẩn thận, tốt hơn là điều kia’, và cũng cần làm cho người trẻ hiểu được họ chịu phần trách nhiệm nhiều như chúng ta. Tôi cũng đã chia sẻ nhiều với sinh viên ở nhiều nơi rằng ‘bạn muốn gì? Hình thức xã hội nào mà bạn muốn? Hãy làm để có nó, đừng nói suông.’ Tất nhiên, cách nào đó đây là sự đòi buộc về phía chúng ta để nói ‘tôi không phải là giải pháp. Vậy đâu là giải pháp? Bạn, những người trẻ, bạn muốn gì? Tôi sẽ giúp bạn để nhận định, nhưng việc quyết định không nằm ở tôi, nhưng là ở bạn, tất nhiên là bạn ở trong tương quan với Thiên Chúa. Và trách nhiệm cũng là ở bạn.’ Tôi nghĩ rằng, người trẻ thích như thế. Thật khó cho họ để thấu hiểu hết. Sẽ có nhiều vấn đề khi thực hiện, điều đó không sao. Nếu bạn không làm gì cho xã hội thì đừng có phàn nàn; nhưng nếu bạn làm một điều gì đó, bạn sẽ có nhiều điều nữa trong lòng mình chờ đợi để được nở hoa.

 

  • Cha Quang Minh, S.J:  Chúng con cám ơn Cha rất nhiều về những suy tư và chia sẻ này. Xin chân thành cám ơn Cha.

[1] Octogesima Adveniens “Kỷ niệm lần thứ 80” (của tông thư Rerum Novarum năm 1891 của Đức Giáo hoàng Leo XIII)

[2] Năm 1971.

 

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Kỹ năng sống