Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Các thừa sai Dòng Tên đầu thế kỷ 17 học và ký âm tiếng Việt
Ngày đăng: 19/11/2020

Các thừa sai Dòng Tên đầu thế kỷ 17 học và ký âm tiếng Việt 

 

Những tiến bộ của ngành hàng hải giúp Christophe Comlombo đến được Châu Mỹ năm 1492, cũng đã nối dài những bước chân truyền giáo của các thừa sai vượt đại dương, đến Châu Á. Kể từ sau khi thánh Phanxicô Xaviê lần đầu tiên đặt chân đến Châu Á năm 1542, các thừa sai Dòng Tên đã thực sự “đổ bộ” rầm rộ lên Châu Á huyền bí, gặp không ít khó khăn và đã có nhiều sáng kiến và nỗ lực thích nghi để giới thiệu Tin Mừng với các dân tộc xa lạ, cách riêng tại Việt Nam.

Từ nhu cầu học tiếng Việt…

Đặt chân lên các miền đất xa lạ, khó khăn đầu tiên mà các thừa sai gặp phải chính là ngôn ngữ bất đồng. Đoàn thừa sai Dòng Tên có mặt đầu tiên ở Đàng Trong năm 1615 không được học tiếng Việt trước khi đến đây, vì xem ra mục đích chính là giúp Nhật kiều Công Giáo (chạy trốn các cuộc cấm đạo ở Nhật đến đây), đồng thời xem xét hoàn cảnh thực tế nếu truyền giáo cho người Đàng Trong được thì càng tốt. Sau khi các Giêsu hữu tiếp xúc với người Việt, các ngài nhận ra đây là cánh đồng truyền giáo phì nhiêu.

Lúc mới đến xứ này, cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) cảm thấy bị choáng ngợp khi nghe người Việt nói chuyện như “chim hót”, và ngay lúc đó ngài thú nhận rằng dường như ngài đã mất “niềm hy vọng để có thể học được ngôn ngữ này.” Còn cha Filippo de Marini, người đã từng đến Đàng Trong những thập niên đầu thế kỷ 17, viết: “Dường như đối với người Việt, nói và hát cũng là một. Khi đọc, người Việt không cần phải thay đổi tiếng mà vẫn làm cho một tiếng ấy có nhiều nghĩa khác nhau, bởi vì họ chỉ cần lên giọng hoặc hạ giọng tùy theo cường độ và nhịp điệu.”

Ban đầu, các thừa sai phải nhờ thông ngôn, xem ra toàn là Nhật kiều ở Hội An. Chính những người này chắc gì đã am hiểu tiếng Việt, họ cũng chỉ là những người đi tị nạn tôn giáo hoặc được giấy phép của chính quyền Nhật đến đây buôn bán. Vì vậy, vốn liếng tiếng Việt của họ cũng chỉ là ở mức thông thường. Bây giờ phải phiên dịch những từ ngữ tôn giáo, lại là Kitô giáo, không tránh khỏi lệch lạc, thậm chí sai lầm tận gốc. Câu chuyện Cristoforo Borri thuật lại trong sách của cha về người thông dịch viên giúp cha Francesco Buzomi rửa tội, cho thấy rõ: Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam? [Con nhỏ muốn vào lòng Hoa lang [người Bồ Đào Nha] chăng?] Đáng lý phải dịch như sau mới là đúng ý và lời của cha Buzomi khi cha hỏi người dự tòng: bau dau Christian chiam? [muốn vào đạo Khirixităng [Christiam của Bồ Đào Nha] chăng?]

Thấy việc dùng thông ngôn vừa bất tiện vừa không chính xác, lại mong ước được chung sống lâu dài với người dân bản xứ, cùng để thuận tiện cho việc rao giảng Tin Mừng, thu phục người nghe, và theo kinh nghiệm của các thừa sai đi truyền giáo ở nhiều vùng đất khác, các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong đã nhanh chóng học tiếng Việt trên đất Việt.

Ban đầu các ngài học tiếng Việt với thông ngôn người Nhật, cũng có khi học trực tiếp với người bản xứ, và với các thừa sai đàn anh đến trước. Như cha Đắc Lộ (đến Đàng Trong tháng 12/1624) đã học tiếng Việt với cha Francisco de Pina (đến Đàng Trong đầu năm 1617) và được sự trợ giúp của một thiếu niên trạc tuổi 10-12 cực kỳ thông minh: “Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ Châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc học viết tiếng Latinh và đã có thể giúp lễ”. Nhờ thế mà chưa đầy bốn tháng, cha Đắc Lộ đã có thể giải tội, và chưa đầy sáu tháng, cha ấy đã có thể giảng tự do bằng tiếng Việt.

…tới sáng kiến dùng mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt

Thuở ấy, người Việt vẫn nói tiếng Việt như bây giờ. Song cả xứ Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài chỉ có hai thứ chữ được sử dụng: chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Hán rất khó học, phải ròng rã 10 năm cũng chẳng đọc hết được mọi chữ, vì có tới 60.000-80.000 chữ, mặc dù chỉ cần thuộc lòng 3.000-4.000 chữ là đủ dùng; đến chữ Nôm cũng chẳng dễ dàng tí nào. Bao nhiêu năm đèn sách, dùi mài kinh sử mới đạt được kết quả!

Các thừa sai vốn thân quen với các mẫu tự Latinh trong các ngôn ngữ Âu châu, không khỏi “ngao ngán” trước loại chữ tượng hình biểu ý mà dân Việt đã dùng từ lâu đời này, nên mong muốn có một thứ chữ viết dễ dàng hơn, không lệ thuộc vào dạng Hán tự (khó nhớ). Chính khi các ngài học trực tiếp, rồi mày mò ký âm lại theo mẫu tự Latinh để dùng riêng cho mình, dần dần xuất hiện từng chữ, từng câu của loại chữ mới này. Ngoài các mẫu tự Latinh, các thừa sai còn dựa phần nào vào chữ Bồ Đào Nha, Ý và mấy dấu Hy Lạp, để dần dà làm thành một thứ chữ viết mới cho người Việt.

Có lẽ việc cần thiết đầu tiên là phải ký âm các từ có tính cách địa dư, để viết lên một địa danh nào đó, hoặc các chức bậc lạ đối với Phương Tây, nhất là khi phải viết thư từ, báo cáo, tường trình thường niên với các bề trên ở Áo Môn (Macao), Lisbon, Roma… Ví dụ: Annam, Sinoa [Xứ Hóa: Huế], Banco [Bàn Cổ], Nuocman [Nước Mặn], Quamguya [Quảng Ngãi], Quignin [Qui Nhin: Nhơn], Unsai [Ông Sãi], Ungue [Ông Nghè], Ontrũ [Ông Trùm]… Những kiểu ký âm này được ghi lại trong các bản tường trình thường niên của João Roiz, Gaspar Luís năm 1621, tức là 6 năm sau khi các Giêsu hữu bắt đầu hiện diện ở Đàng Trong.

Sau đó ký âm được từng câu văn, như: Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam? [Con nhỏ muốn vào lòng Hoa lang chăng?], Dàdèn Lùt [Đã đến lụt], Tuijciam Biet [Tui chẳng biết]…do Cristoforo Borri ghi trong sách Relatione della nuova Misione…xuất bản tại Roma năm 1631.

Góp phần Latinh hóa tiếng Việt còn phải kể đến cuốn Từ điển Annam – Bồ Đào Nha của Gaspar d’ Amaral biên soạn vào khoảng năm 1631-1645 tại Áo Môn và cuốn Từ điển Bồ Đào Nha – Annam do António Barbosa soạn thảo vào khoảng những năm 1636-1645. Cha Đắc Lộ đã dựa vào hai cuốn Từ điển này mà soạn thảo và cho xuất bản hai sách chữ Quốc ngữ đầu tiên tại Roma năm 1651: Từ điển Việt – Bồ – La và Phép Giảng Tám Ngày.

 

dongten.net  -  Tổng hợp: Hv. Văn Quynh S.J.

 

Tài liệu tham khảo:

Đỗ Quang Chính, S.J., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, AnTôn & Đuốc Sáng, 2006.
—————————–Giáo Hội Công Giáo với chữ Quốc ngữ, Tp. HCM, tháng 10/2004.
—————————–Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, NXB Tôn Giáo, 2008.
Klaus Schatz, S.J., Hoa trái ở Phương Đông, Phạm Hồng Lam dịch, NXB Phương Đông, 2015.

 

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Kỹ năng sống