Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Nỗi niềm xa xứ
Ngày đăng: 05/01/2020

Nỗi niềm xa xứ 

 

Những ngày nơi phố thị, dẫu bận bịu với rất nhiều nỗi lo toan nhưng đâu đó trong sâu thẳm trái tim những người con xa quê vẫn hiện hữu hình bóng quê nhà. Họ cố tìm những món đồ quê hiếm hoi giữa chợ, cố gắng nấu vài bữa ăn đạm bạc mang hương vị xưa cũ. Những món ăn đã từng nuôi họ ngày bé thơ, đơn sơ, giản dị nhưng mỗi khi ai đó hỏi họ về đặc sản quê nhà, họ vẫn trả lời vanh vách và đầy kiêu hãnh về chúng.

 

Quê hương trong tim ai cũng có, nhưng có lẽ trong trái tim những đứa con xa quê luôn có một vị trí đặc biệt dành cho mảnh đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên này. Vì chính họ cũng chẳng thể biết chính xác được ngày trở về là khi nào, chỉ biết mỗi khắc mỗi giây trôi qua họ luôn mong phút giây sum vầy.

 

Chúng ta không thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng theo một lẽ nào đó ta vẫn dành cho nó một tình yêu rất lạ. Dẫu nơi đó có là vùng đất giàu có hay nghèo nàn, dẫu nơi đó có sầm uất hay chỉ là một vùng quê hẻo lánh thì tình yêu ấy trọn một kiếp người không đổi thay. Và những đứa con lớn lên từ mảnh đất ấy mỗi khi bôn ba xứ người luôn chọn mang theo những nét đặc trưng của quê mình, như thể cố bấu víu lại chút gì đó của tình yêu ấy theo về nơi xa.

 

Tôi, một đứa con lớn lên từ vùng quê nghèo khó nhưng người dân cần cù lao động. Ngay từ nhỏ tôi đã được dạy phải yêu lấy quê hương mình, vì nơi đây là cội nguồn, là nơi khởi đầu cho tất cả mọi vật sinh sôi. Như mẹ tôi vẫn hay nhắc, quê nghèo khó thì ta sống theo cảnh khó, riết rồi cũng thành quen, chứ đừng nản chí rồi rời bỏ nó đi. Mà cũng chính nhờ cái vùng quê nghèo ấy đã cho tôi một tuổi thơ tuyệt vời mà tôi nghĩ với những đứa trẻ thành thị xa hoa kia thì đó là một tuổi thơ xa xỉ.

 

Thật vậy, làm sao nơi phố thị xa hoa lại có được những món đồ chơi xinh đẹp được kết từ lá dừa như ở quê. Làm sao nơi đất chật người đông như thành phố lại có đủ chỗ cho đám trẻ con chơi chạy rượt hay trốn tìm như bọn tôi ngày bé. Và làm sao xứ phồn hoa lại có được những ngày chạy đồng ngược nắng, được hít hà cái hương thơm của những bông lúa trĩu cành, cái mùi sữa gạo non ấy lại dễ làm con người ta say hơn cả những chai rượu hạng sang khác ấy chứ. Quê nghèo có những buổi đầu trần chạy tồng ngồng thả diều giấy. Mỗi cánh diều giản dị nhưng chứa đựng biết bao khát khao của bọn trẻ con nhà quê lấm lem bùn đất. Từng cánh diều theo ngọn gió chiều bay vút lên bầu trời xanh thẳm, rồi bọn trẻ nheo mắt ngước lên, khoái chí reo hò. Cánh diều bay cao bay xa, rồi có khi mất hút trong những đám mây xanh, cũng như bọn trẻ làng ngày ấy lớn lên rồi cũng cắp hành lí đi xa, rất lâu mới về.

 

Không riêng gì bọn trẻ, mà dần dà nhiều gia đình cũng theo mộng đổi đời mà bỏ quê. Không phải họ chê, cũng chẳng phải họ muốn trèo cao tham sang giàu mà đi đâu. Họ thương quê nghèo ấy chứ, nhưng mà tình yêu ấy không thể tồn tại nếu cuộc sống của họ phải chạy vạy từng bữa cháo bữa rau. Họ yêu quê đấy, nhưng tình yêu ấy cũng chẳng thể thắng nổi ước muốn được đến trường như chúng bạn, được những bộ quần áo lành lặn hơn của những đứa trẻ quê hiện tại. Cuộc sống của chúng chẳng thể dễ dàng như của lứa bọn tôi ngày trước, bởi nhịp sống ngày một nhanh, người ta ai cũng vội vã lo cho đồng tiền bát gạo, thế nên cuộc sống chẳng dễ thở chút nào. Đến những đứa trẻ lớn lên từ quê nghèo như chính tôi cũng muốn đi xa, cũng bởi vì muốn được khám phá những điều mới lạ mà ở quê chưa từng có. Muốn đi xa để ngắm nhìn dòng đời xoay chuyển nhanh đến chừng nào, để thử sức bền chịu đựng khi ngoài kia là một cuộc chiến khốc liệt giành lấy chút lợi danh. Và hơn tất cả, bọn trẻ làng chúng tôi muốn có một sự đổi thay cho những thế hệ sau này. Không phải thay lòng đổi dạ với quê, mà để chất lượng cuộc sống được đảm bảo hơn bội phần. Chúng ta đừng chỉ nhìn bề ngoài mà vội trách những kẻ bỏ xứ tha phương, trong đó có tôi, bởi chẳng ai muốn một cuộc đời cơ cực bao giờ. Chỉ là họ gác lại chút tình quê mà xa xứ tha hương, để rồi mỗi khi trái gió trở trời lại đau đáu nỗi nhớ quê nhà thắt từng khúc ruột.

 

Những ngày nơi phố thị, dẫu bận bịu với rất nhiều nỗi lo toan nhưng đâu đó trong sâu thẳm trái tim những người con xa quê vẫn hiện hữu hình bóng quê nhà. Họ cố tìm những món đồ quê hiếm hoi giữa chợ, cố gắng nấu vài bữa ăn đạm bạc mang hương vị xưa cũ. Những món ăn đã từng nuôi họ ngày bé thơ, đơn sơ, giản dị nhưng mỗi khi ai đó hỏi họ về đặc sản quê nhà, họ vẫn trả lời vanh vách và đầy kiêu hãnh về chúng. Hay như đâu đó xuôi ngược trên đường, thoáng thấy bóng dáng đôi ba chiếc xe mang biển số quê, tự dưng chẳng ai bảo ai, tất cả họ đều nhoẻn miệng cười rồi hỏi thăm nhau vài câu chuyện, như quen tự bao giờ. Như một sự ủi an giữa mảnh đất phồn hoa tấp nập, họ vẫn có một nơi để nhớ về, vẫn có một cái tên để kể.

 

Khi tôi viết những dòng này thì cũng là lúc tờ lịch cuối cùng của năm được xé đi. Vậy là hết một năm bận rộn, chắc hẳn sẽ có những điều chúng ta chưa kịp hoàn thành trong năm cũ. Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa, đã đến lúc chúng ta tự thưởng cho mình một chút thời gian thư giản, bởi một năm qua dẫu thành hay bại thì tất cả chúng ta đã vất vã rất nhiều rồi. Ngoài kia dòng người thêm vội, ai cũng muốn nhanh chân về nhà cho kịp bữa cơm cuối năm. Bất giác khóe mắt tôi lại cay xè, dường như những giọt nước mắt chúng đã chờ khá lâu để có giây phút này. Đã rất lâu rồi tôi không khóc. Dường như cuộc sống bận bịu khiến tôi dần quên đi cảm xúc riêng của chính mình. Ngay lúc này tôi thèm leo lên xe chạy một mạch về nhà như bao người, khổ nỗi nhà người thì gần, nhà tôi thì xa quá đỗi. Ừ thì thôi vậy, đành trở về phòng trọ như mọi ngày, nấu vài món ngon coi như tự thưởng cho mình, cũng coi như có cái để cầu cho năm sau mọi thứ bớt nhọc nhằn hơn đôi chút. Ngoài kia đèn đã sáng choang, cờ hoa ngập lối. Người người xúng xính váy hoa xuống phố, vậy mà chính tôi lại thấy lạc lõng giữa những ồn ã quanh mình. Và những đứa con đang xa xứ ngoài kia cũng thế, Tết với họ cũng chỉ là giấc mơ, giấc mơ được về nhà. Bao nhiêu ánh đèn rực rỡ nơi này làm sao sánh bằng phút giây sum vầy với những người thân thương. Mai, đào dẫu có đẹp đến đâu cũng chẳng thể sánh bằng nụ cười hiền từ của người mẹ quê trông ngóng đứa con đã lâu lắm chưa về. Ai đã từng xa quê mới hiểu được nỗi lòng của những đứa con đang ngày đêm ngược xuôi phố thị. Họ vẫn miệt mài tìm cho mình chỗ đứng tương đối an toàn giữa thành phố này. Họ cất nỗi nhớ nhà sau những giọt mồ hôi, sau làn da rám đen và đôi bàn tay chai sần. Để rồi khi màn đêm đã tắt, họ thở dài và ngẫm về cuộc đời mình, về lời hứa trở về khi công thành danh toại. Vậy mà đã bao tờ lịch cuối cùng được dỡ đi, cũng là bấy nhiêu lời hứa hẹn được gửi về nơi xa. Ừ thì hứa vậy, hứa để mọi người an tâm, chứ thật lòng với họ, họ còn không tự trả lời câu hỏi cho chính mình rằng: “Bao giờ sẽ về?”

 

Xuân nào là của chúng ta, của những đứa con sống xa nhà? Ngoài kia pháo hoa đì đùng, mà lòng này thèm quá đỗi phút giây quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét, thèm được tỉ tê kể cho má nghe về đủ thứ chuyện vui buồn. Thèm được phụ một tay một chân dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, thèm được ôm những người thân yêu một cái thật chặt để biết rằng sau một năm dài ta vẫn còn có họ ở bên. Thèm cái mùi dưa hành dưa kiệu, thèm nồi thịt má kho, thèm vài ba cái bánh do chính tay má làm khi Tết đến. Thèm tất cả những điều từng thuộc về nơi ấy, mảnh đất nghèo ngày nào ta đành đoạn bỏ nó đi xa.

 

Tết, âu cũng chỉ là cột mốc để thấy đường về nhà gần hơn một chút, nhưng cũng là nỗi lo trăm phần của những kẻ tha phương. Còn quê hương, cũng chỉ là một nơi vẫn thường xuất hiện trong giấc mơ mỗi đêm. Để rồi cứ mỗi lúc giao thời, ta vẫn khát khao được một lần quay về nơi ấy, nhưng mọi thứ cũng chỉ là giấc mơ, ngày về còn xa xôi lắm ai ơi!

 

Ngân Tăng / caybuttre.vn

 

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Truyện - thơ