Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Tạo và giữ không gian cho các mối tan vỡ của chúng ta
Ngày đăng: 16/10/2019

Tạo và giữ không gian cho các mối tan vỡ của chúng ta 

 

Giáo dân rời nhà thờ vì không có một lời nào nói cho họ nghe sau khi họ bị sẩy thai, bị ly dị, bị chẩn đoán bệnh, bị tấn công, bị phá sản, bị động đất, bị là nạn nhân trong các vụ nổ súng.

 

Cách đây vài năm tôi có tham dự một buổi tĩnh tâm cuối tuần do một phụ nữ, người không giấu giếm gì về việc không thể có con là vết thương sâu đậm trong cuộc đời của bà. Vì thế bà hướng dẫn các buổi tĩnh tâm về nỗi đau không thể có con. Là người độc thân và cũng không có con, tôi là người đàn ông duy nhất tham dự một trong các khóa này của bà. Đa số người tham dự là phụ nữ, trung bình từ 40 đến 50 tuổi và họ không có con.

Dựa trên Sách Thánh, tâm lý học, các tiểu sử và thơ văn, bà xem xét vấn đề vô sinh dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Buổi chiều thứ bảy có một nghi thức trong nhà nguyện, các người tham dự khắc một cây thánh giá lớn, họ diễn tả nỗi đau để Chúa Giêsu và mọi người khác có thể hiểu họ. Tiếp theo đó chúng tôi cùng xem bộ phim Bí mật và Nói dối của nước Anh, nói lên nỗi buồn của một phụ nữ không thể nào có con. Kế tiếp là phần chia sẻ chân thành với nhiều nước mắt! Nhưng sau phần chia sẻ đau đớn và nước mắt tuôn trào thì bầu khí hoàn toàn thay đổi, như thể sau khi bị cơn bão đen tối hoành hành, chúng tôi được an toàn. Có sự nhẹ nhõm, rất nhiều tiếng cười và vui vẻ. Một cơn bão thực sự đã quét qua và chúng tôi yên hàn vô sự. 

Tất cả nỗi đau có thể chịu đựng được nếu chúng ta có thể chia sẻ. Triết gia Schopenhauer được cho là người nói câu này, nhưng ai nói trước cũng được, câu đó đã tóm gọn điều xảy ra trong buổi tĩnh tâm này. Một nỗi đau sâu đậm được chịu đựng dễ dàng hơn không phải vì nó được cất đi, nhưng vì nó được chia sẻ, và chia sẻ mang “tính cách bí tích”. Đúng, có những bí tích không được cử hành trong nhà thờ, nhưng luôn có sức mạnh của bí tích. Và chúng ta cần nhiều hơn các bí tích này.

Như bà Rachel Held Evans (1981-2019), người viết khảo luận đã viết : “Tôi thường được độc giả cho biết, họ rời nhà thờ vì không có một lời nào nói cho họ nghe sau khi họ bị sẩy thai, bị ly dị, bị chẩn đoán bệnh, bị tấn công, bị phá sản, bị động đất, bị là nạn nhân trong các vụ nổ súng. Khuynh hướng của người Mỹ là khuynh hướng chiến thắng, lạc quan bám gốc rễ trong thành công, trong tiền bạc, trong đặc quyền ưu đãi, những điều này làm lây nhiễm và tổn hại đến bất cứ cộng đồng đức tin nào đã mất đi khả năng để một khoảng không gian cho những người ưu buồn.”

Bà Evans đúng. Các nhà thờ chúng ta không tạo đủ không gian để giữ nỗi đau. Về bản chất: trong linh đạo hàng ngày của cộng đoàn, của cầu nguyện, của phụng vụ và của Thánh Thể trong các nhà thờ, chúng ta không dựa đủ trên sự việc Chúa Kitô là một thực tế vừa là một sự chết, nhưng cũng vừa là sự sống lại đang trỗi dậy. Chung chung chúng ta không xem phần hấp hối của Chúa Kitô nghiêm túc như chúng ta phải xem. Và đâu là hệ quả?

Một hệ quả là chúng ta không tạo đủ các nghi thức cử hành trong cộng đoàn để giáo dân cảm thấy thoải mái khi giữ lại, khi diễn tả sự buồn bã, chia ly của họ với cộng đoàn và theo cách “bí tích.” Dĩ nhiên các nhà thờ chúng ta có nghi thức mai táng, có bí tích xức dầu, có bí tích giải hòa, có các nghi thức cầu nguyện đặc biệt sau các biến cố bi thảm trong cộng đồng hay các nghi thức tập họp khác, các khoảng không gian mạnh mẽ để kiềm chế nỗi buồn và các tan vỡ. Tuy nhiên (ngoại trừ bí tích hòa giải là bí tích riêng tư), các bí tích khác thường gắn liền với một hoàn cảnh đặc biệt như ma chay, bệnh nặng, hay một bi kịch xảy ra trong cộng đồng. Những gì chúng ta thiếu là các nghi thức cộng đoàn thường xuyên, dựa trên giáo hội, tương tự như các cuộc họp của những Người nghiện rượu ẩn danh, qua đó, mọi người có thể đến để chia sẻ tổn thương của họ và làm chứng cho ân sủng mà chỉ có cộng đồng mới có thể đem lại.

Chúng ta cần nhiều loại cử hành “bí tích” khác nhau trong nhà thờ, qua đó, để sử dụng thuật ngữ của bà Rachel Held Evans, chúng ta có thể tạo và dành một khoảng không gian cho những người đang đau buồn vì tan vỡ, bị sẩy thai, bị phá thai, bị chẩn đoán một căn bệnh nặng, bị phá sản, bị mất việc làm, bị ly dị, bị về hưu non, bị thất tình, bị mất người thân, bị mất tự lập, bị lâm vào hoàn cảnh phải thích ứng với sự trống trải trong hôn nhân, bị vô sinh và đủ loại hụt hẫng khác.

Những nghi thức này sẽ như thế nào? Chung chung là chưa có, chúng ta phải phát minh ra. Triết gia người Canada Charles Taylor cho rằng cuộc đấu tranh tôn giáo ngày nay không phải là cuộc đấu tranh của đức tin mà là cuộc đấu tranh của trí tưởng tượng. Chưa ai từng sống trong loại thế giới này trước đây. Chúng ta cần các nghi thức mới. Chúng ta là những người tiên phong trên một vùng đất mới và những người tiên phong phải tùy cơ ứng biến. Chắc chắn, nỗi đau và sự tan vỡ luôn ở bên cạnh chúng ta, nhưng các thế hệ trước đã có các cách chung để tạo không gian cho nỗi đau. Các giúp đỡ, các cộng đoàn, các nhà thờ ngày đó ít có vấn đề với chủ nghĩa cá nhân như bây giờ chúng ta đang có, chúng ta một mình phải đối diện trước các tan vỡ của mình. Ngày nay, không còn một cấu trúc cộng đồng, giáo hội nào đủ để giúp chúng ta chấp nhận sự việc, trong cuộc sống này, chúng ta sống ”trong tang tóc và khóc than trong thung lũng nước mắt”.

Chúng ta cần hình dung một số nghi thức mới mang tính bí tích, qua đó chúng ta có thể vững vàng trước nỗi đau của mình.

 

gplongxuyen.org  -  Ronald Rolheiser

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Kỹ năng sống