Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Cho tròn chữ hiếu...
Ngày đăng: 17/01/2019

Cho tròn chữ hiếu... 

 

Thường khi nói về đạo hiếu, hầu như mọi người đều nghĩ tới bổn phận của mình với ông bà, cha mẹ ruột. Họ hay quên mất những người nâng đỡ thiêng liêng mà phụ huynh hay chính bản thân mình đã chọn khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

 

Nhận được tin nhắn chúc mừng của con vú vui lắm”, mẹ đỡ đầu của chị Nguyễn Thanh Liên (GP Long Xuyên) đã thổ lộ như thế khi lần đầu tiên chị gởi tin mừng sinh nhật bà. Đây cũng có thể là tâm trạng của rất nhiều các bậc cha mẹ đỡ đầu khi nhận được sự quan tâm từ những đứa con thiêng liêng. Có rất nhiều lý do khiến mối liên hệ giữa người đỡ đầu và người được đỡ đầu không thực sự bền chặt. Vì khoảng cách xa, vì bận việc gia đình… nên nhiều người con hiếm khi lui tới nhà cha mẹ tinh thần của mình. Anh Trần Hoàng Tân (GP Phú Cường) bộc bạch : “Cha đỡ đầu của tôi là bác ruột nhưng vì cả gia đình bác đã di cư đi nước ngoài nhiều năm, khó giữ liên hệ thường xuyên được nên không thân cận lắm”. Cứ thế, theo dòng thời gian, mối thân tình sẽ càng bị phai nhạt nếu người ta không chủ động gia cố.

 

Đôi khi chúng ta dễ bỏ qua việc cần phải thực hành bổn phận của người làm con với cha mẹ đỡ đầu, dù rằng trong lòng có tình cảm quý mến, do ngại hoặc vì thói quen. Chị Hoàng Thúy Anh (GP Bà Rịa) vẫn nhớ về biểu cảm xúc động của mẹ đỡ đầu hôm chị ghé thăm bất ngờ sau thời gian dài không lui lới. “Nhà bà ở Biên Hòa - Đồng Nai còn gia đình tôi thì ở Vũng Tàu, cộng thêm ngày thường ai cũng nhiều việc nên cả năm may lắm mới gặp nhau một lần vào ngày tết. Bữa đó tôi nghe tin bà bị bệnh nên đến thăm. Nhìn bà cười tươi rói mà mắt đỏ như muốn khóc làm tôi thấy mình có lỗi nhiều lắm”, chị kể. Và từ ngày đó, chị cố dành thời gian đi thăm mẹ nhiều hơn hay thường xuyên gọi điện, nhắn tin chúc mừng bà vào những ngày kỷ niệm. Tình cảm mẹ con nhờ vậy mà cũng thêm đậm đà.

Chị Nguyễn Ngọc Mai Thảo (TGP TPHCM) thì dành nhiều ngày trống trong lịch sinh hoạt của mình để đến nhà mẹ đỡ đầu hằng tháng. Chị cho biết : “Mẹ tôi sống độc thân nên nhà lúc nào cũng im ắng. Thế nên khi hai vợ chồng tôi ghé bà cứ dặn đi dặn lại là đến chơi nhiều hơn cho vui cửa vui nhà. Tôi muốn phụ bà làm việc nhà mà không được vì bà bảo chúng tôi đến nói chuyện là bà vui rồi nên chẳng cần làm gì hết”. Một trường hợp khác cũng giống như thế: chị Nguyễn Thị Yến (GP Xuân Lộc) cũng đều đặn sang nhà mẹ đỡ đầu và phụ giúp công việc trong nhà vì bà chỉ sống một mình. Khi bà được Chúa gọi về, chị cùng với các anh em của bà lo hậu sự thật chu đáo. Thật ra thì, có qua lại thường xuyên con cái mới hiểu được tình cảm mà cha mẹ đỡ đầu dành cho tràn đầy ra sao chứ không không dừng lại ở trách nhiệm giáo lý, kinh kệ.

Hiện nay, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mà người ta có thể nhanh chóng thể hiện sự quan tâm của mình với người thân bất chấp khoảng cách địa lý. Ông Nguyễn Văn Minh (GP Thái Bình) dẫu đã đi vào Sài Gòn sinh sống nhiều năm nhưng vẫn không quên thăm hỏi bố đỡ đầu đang ở quê nhà. “Ngay từ khi còn bé, bố mẹ tôi luôn dạy anh em chúng tôi phải quan tâm đến người đỡ đầu của mình. Lúc ở gần thì tranh thủ đến nhà thăm, giờ ở xa thì ít nhất phải gọi điện thoại. Vậy nên chúng tôi đã thành thói quen rồi”, ông giải thích.  

Còn với những người đỡ đầu thì sự quan tâm của người con mình đã nhận là món quà đem lại niềm vui lớn cho họ. Bà Phạm Thị Thu Hương (GP Hải Phòng) chia sẻ : “Tôi chỉ nhận đỡ đầu cho một người thôi mà qua mấy tháng sau thì tôi chẳng biết con mình đang ở đâu hay làm gì nữa. Từ đó đến nay đã gần 5 năm rồi mà chúng tôi chưa gặp lần nào. Thấy buồn quá!”. Tết, lễ Giáng Sinh, lễ bổn mạng, sinh nhật… là những dịp gặp gỡ thân tình nên những ông bố, bà mẹ tinh thần đều ít nhiều trông ngóng sự có mặt của những đứa con ngoài huyết thống.

Chẳng cần vật chất xa hoa, cũng không cần mất công tổ chức những buổi họp mặt xôm tụ, chính sự lưu tâm và những lời thăm hỏi nhẹ nhàng về cuộc sống, về sức khỏe đến từ những đứa con tinh thần đã là món quà ấm áp đem lại niềm vui cho những vú bõ. 

 

* cgvdt.vn  -  TRÚC YÊN

 

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Kỹ năng sống