Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Bài học từ chuột
Ngày đăng: 06/12/2018

Bài học từ chuột 

 

Do phúc đức của tổ tiên, gia đình chúng tôi thuộc dòng họ “nhà có điều kiện”, nhà cửa, xe cộ, đất đai, công việc, thu nhập… đứng bậc cao trong xã hội. Những năm gần đây, con cháu đã không còn giữ được nếp nhà. Dù chúng vẫn được nuôi dưỡng và cho một học vấn tốt nhưng trai thì u sầu nghiện ngập, gái thì sặc sỡ nông cạn. Một số thì tranh giành đấu  đá nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Không lẽ câu của các cụ “Không ai giàu ba họ” lại đúng với nhà tôi?

(Một người cao tuổi ở Hà Nội)

 

Vào những năm 1960, chuyên gia tập tính học và nghiên cứu hành vi người Mỹ John B. Calhoun (1917 - 1995) đã làm một thí nghiệm nổi tiếng. Ông cho 4 cặp vợ chồng nhà chuột sống trong một “lâu đài tình ái” được phục vụ đầy đủ thức ăn, nước uống và không có kẻ thù.

Với tốc độ nhân giống khá nhanh, cứ sau mỗi 55 ngày số lượng chuột lại tăng gấp đôi và cán mức 620 con vào ngày thứ 315! Kể từ cột mốc này, bầy chuột không còn giữ được cấu trúc xã hội và trạng thái hành vi bình thường trong cái “thiên đường” nay đã trở nên chật hẹp. Calhoun gọi là hiện tượng “tha hóa hành vi” (behavior sink).

Chẳng là trong tự nhiên, khi bầy chuột đông đúc con đàn cháu đống thì chúng sẽ tách bầy và di cư đến chỗ khác. Nhưng trong không gian giới hạn của thí nghiệm, chúng chẳng biết đi đâu và phải đấu đá với nhau để tranh giành số vị trí có hạn trong làng. Những con lép vế phải chịu sự khiêu khích và tấn công của các con khác, và trong số nạn nhân có kẻ trở thành “Chí Phèo” chuyên đi khiêu khích, đẩy nhanh vòng xoáy bạo lực trong cộng đồng chuột.

Tỷ lệ chết của con non lên tới 96% trong những nhóm chuột biểu hiện bất bình thường nhất. Với môi trường bất ổn như vậy, rất nhiều chuột cái không thể có thai hoặc chết trong khi sinh. Số còn lại không hoàn thành chức năng của chuột mẹ và bỏ rơi đàn con do nó sinh ra. Chúng trở thành những kẻ khiêu chiến và thường giành được quyền của con đực đầu đàn.

Một thế hệ chuột con bị mẹ ruồng bỏ, tự xoay sở để lớn lên, chúng không quan hệ với xung quanh và sống tách mình khỏi bầy đàn, Calhoun gọi chúng là “những kẻ xinh đẹp”. Chúng không chịu sinh nở, cũng chẳng đấu đá mà chỉ quan tâm tới ăn uống, ngủ và chăm sóc cho bản thân. Khi số lượng chuột trong quần thể suy giảm, “những kẻ xinh đẹp” không bị ảnh hưởng bởi bạo lực và tử vong, nhưng chúng không đi tìm bạn tình và cũng không chăm sóc con non trong đàn.

Thế là từ từ toàn bộ “cấu trúc xã hội” của đại gia đình chuột tan rã. Con chuột con cuối cùng ra đời vào ngày thứ 600, khi “dân số” lên đến hơn 2000, sau đó giảm đều cho tới khi cả quần thể bị tuyệt diệt.

“Những kẻ xinh đẹp” là những con cuối cùng còn sống sót, nhưng vì chúng không giao phối, số lượng quần thể không thể khôi phục.

Khi công bố kết quả thí nghiệm cách đây nửa thế kỷ, John B. Calhoun dường như đã cảnh báo cho tương lai của nhân loại, rằng khi không còn giữ vững được nhân tính, con người có thể cũng gặp phải nguy cơ phá hoại gia đình từ bên trong.

Trở về câu chuyện “Cha mẹ làm thầy, con đốt sách”, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” mà chúng ta đang trao đổi ở đây, điều có lẽ đã không đúng ở những dòng họ giàu có trăm năm ở Mỹ hoặc châu Âu.

Nghe nói có một nhà nho khi để lại một cơ ngơi cho con cháu, đã cho xây một cái hồ bán nguyệt trước nhà không tròn lắm. Mọi người ngạc nhiên hỏi thì nhận được câu trả lời: Để cho đời sau có việc để sửa sang mà không phá đi xây lại…

Phải chăng người Việt chúng ta có nếp nghĩ lo cho con cháu quá nhiều, dành cho thế hệ sau một đời sống đầy đủ đến nỗi chẳng cần làm cũng có cái ăn. Và với tư tưởng hưởng thụ, những người trẻ ấy bị tước mất cơ hội vượt khó và phấn đấu cho mục tiêu của đời mình?

 

* cgvdt.vn  -  THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Kỹ năng sống