Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Bêlem đêm hôm ấy
Ngày đăng: 03/12/2018

Bêlem đêm hôm ấy 

 

Thân xác của mình thì đang tĩnh tọa trong một căn phòng rộng bốn mươi mét vuông của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. Nhưng tâm và trí lại đi lang thang trong “hang đá Bêlem đêm hôm ấy”. Cả không gian và thời gian đều xa vời vợi. Thời gian thì xa hơn hai ngàn năm. Không gian thì xa hơn tám ngàn cây số. Dù xa và xưa quá như thế, mình vẫn nhìn thấy rõ mồn một.

1.  Một đôi vợ chồng trẻ lặng lẽ đi tới. Anh chồng đi trước bước vội vào hang, dùng cây gậy đẩy rác vào một xó, rồi lấy rơm chùi cái máng và đặt vào sát vách đá. Cô vợ vào sau xòe hai bàn tay thon thả đặt trên cái bụng vượt mặt và ngơ ngác hỏi chồng:

- Đấng Cứu Thế sanh ra ở đây sao anh ?

- Đành vậy. Anh đã dốc hết khả năng để có một nơi xứng đáng cho Người ra chào đời, mà… đành phải bó tay. Hỏi nhà trọ, thì họ trả lời lạnh tanh: “Hết chỗ rồi! Nhưng nếu… trả tiền gấp đôi thì tôi nhường phòng của tôi cho”. Anh rờ túi và chỉ biết cúi đầu mà rút lui. Đến gõ cửa nhà dân, thì chỗ nào người ta cũng lắc đầu và thở dài: “Sanh con thì máu me tèm lem làm mắc uế từ nhà đến người. Ra hang đá mà đẻ, rồi đi thanh tẩy. Thanh tẩy xong thì vô đây tao nuôi luôn cho tới lúc cứng cáp cả mẹ lẫn con”. Cùng đường rồi, chẳng biết làm thế nào nữa.

Em cứ tưởng Đấng Cứu Thế phải sinh ra trong Cung điện nhà vua. Ai ngờ… lại thê thảm đến mức độ này. Ý Chúa mầu nhiệm quá anh nhỉ. Chính mình cứ ghi khắc trong lòng mà ngẫm nghĩ. Con đường chúng mình đi dù gồ ghề quanh co hay là thẳng băng và nhẵn thin đều có bàn tay Chúa dìu dắt. Em không phiền trách anh đâu. Anh đừng buồn nha.

Không buồn sao được. Là thằng đàn ông lưng dài vai rộng, đội đá vá trời xanh mà để cho Đấng Cứu Thế phải ra đời trong cảnh túng thiếu tồi tệ như thế này, thì không đau mới lạ. Là thằng chồng mà để cho vợ sanh con trong cảnh cô đơn và nhếch nhác như thế này, thì chịu sao nổi.

Anh chồng đang bứt tóc giật râu, thì cô vợ kêu “ái” một tiếng, rồi ôm bụng mà rên …

 

2.  Cô vợ trẻ hồi nãy vật vã rên la, bây giờ thì đang ngồi gọn ghẽ, lặng lẽ như một pho tượng có linh hồn. Hai mi mắt khép hờ. Hai làn mi không nhấp nháy. Dường như cô đang xuất thần.

Cô đê mê nhìn ngắm một vật thể kỳ diệu: một Thiên Chúa làm người; một Ông Trời hóa thân làm người. Tình mẫu tử bùng vỡ. Người mẹ trẻ ôm chặt lấy bé thơ, mơn man và vuốt ve. Hạnh phúc lên đến tột đỉnh. Mẹ và con chỉ còn là một. Tuyệt vời !

3.  Anh chồng vai u thịt bắp, hồi nãy giật râu bứt tóc, bây giờ thì quỳ mọp trên hai đầu gối, chắp tay cung kính, hai mờ môi mấp máy. Anh đang đê mê nhắm nhìn bé thơ. Bé nằm trong máng cỏ, bụng phập phồng như mọi bé thơ, nhưng… là con của Đấng Tối Cao. Dường như ký ức nhắc cho anh biết một mầu nhiệm cao cả, anh vội vàng chống hai bàn tay lên nền đất, rồi xá lia lịa. Xá mãi không muốn ngừng nghỉ. Anh rơi vào thế giới thần linh …

4. Hai vợ chồng đang say đắm nhìn ngắm Bé Thơ, thì bỗng giật mình. Cả hai dang tay nhìn vào không gian cao thẳm. Dường như có tiếng ca dập dìu. Dường như có tiếng hát du dương. Vương vương văng vẳng. Lắng nghe mãi mới lọt lỗ tai:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời.

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Bầu trời Bêlem đêm nay có vẻ khác lạ. Ánh chớp nhấp nháy, nhấp nháy, rồi tối thui. Tiếng hát vang vọng, văng vẳng, rồi êm ru. Trời lại tối như mực và im lặng như có ma.

 

5.  Hang Bêlem vắng lặng như tờ. Không có tiếng dế gáy. Không có tiếng chuột kêu. Chỉ có một ngọn đèn dầu cháy chập chờn cho thấy bé thơ nằm im thin thít. Hai mắt nhắm nghiền. Chỉ có cái bụng phập phồng. Hai vợ chồng trẻ đang ru hồn vào thế giới thần linh, thì bỗng giật mình cùng trố mắt nhìn ra ngoài cửa hang... Một đám mục đồng ồn ào như vỡ chợ. Đứa nào cũng gậy gộc. Đứa nào cũng râu tóc. Đứa nào cũng hôi rình. Chính nó tràn vào hang. Đứa nào cũng la lên “Đúng rồi”. “Đúng rồi” có nghĩa là “Đấng Cứu Thế đây rồi”.

Chúng nó đua nhau kể: “Chúng tôi đang thức để canh giữ bầy chiên, thì sứ thần hiện đến báo tin: Đấng Cứu Thế đã ra chào đời ở Bêlem. Hãy đi tìm. Cứ dấu này mà nhận ra, đó là một bé thơ, quấn tã, nằm trong máng cỏ”.

Chúng nó đua nhau ngắm nhìn Bé Cứu Chúa. Đứa nào cũng lết trên hai đầu gối để được rờ vào ngón chân Bé Thơ một cái. Sướng quá ! Vinh dự quá !

Ngắm cho đã, rờ cho đã, chúng lục tục ra về. Vừa đi vừa ca hát và nhảy múa như bọn trẻ con lên cơn điên.

Về đến làng, chúng đập cổng nhà giàu, gõ cửa nhà nghèo và gào lên: “Đấng Cứu Thế đã đến rồi !”; “Lịch sử sang trang rồi”; “Đất nước sắp độc lập rồi !”; “Hallêluia ! Hallêluia !”

 

6.  Một rừng đuốc bập bùng và trập trùng tiến về hang đá Bêlem. Một rừng người chen chúc trước cửa hang. Ai cũng luồn lách để vào. Vào để ngắm Đấng Cứu Thế. Vào để chiêm ngưỡng Hai Đấng Sinh Thành của Đấng Cứu Thế.

Một bà mệnh phụ đến ôm chầm lấy người mẹ trẻ và ân cần hỏi han:

- Em tên gì ?

- Tên em là Maria.

- Quê em ở đâu ?

- Quê em ở Nadarét, xứ Galilê.

- Ui da ! Xa thế ! Em đưa Bé về nhà chị mà nghỉ. Ở đây khổ quá ! Không có nước mà tắm giặt; không có nệm cho Bé nằm; không có giường cho Mẹ Đấng Cứu Thế ngủ.

Bà mệnh phụ đang xun xoe, thì bỗng cụt hứng. Có một ông cụ cao tuổi, tóc bạc phơ, râu dài đến rốn, e hèm lên giọng:

- Không được đâu. Để tôi rước Đấng Cứu Thế về nhà tôi. Nhà tôi có đông con cháu phục dịch, có tiện nghi đầy đủ, xứng hợp với Con Vua Đavít.

Mọi người đồng thanh ủng hộ: “Đúng rồi !”. Một người đàn ông đạo mạo giải thích: “Cụ cao tuổi nhất làng; con cháu chút chít xúm xít xung quanh bàn ăn như chùm ôliu; lại còn có nhà cao cửa rộng, thì ai mà qua mặt được”.

Bà mệnh phụ tiếc hùi hụi, nhưng vẫn niềm nở thân thưa: “Con xin nhường lộc thánh cho cụ, vì cụ xứng đáng hơn con”.

Cụ già vội vàng ôm Bé Hài Nhi, hôn nhẹ lên trán một cái rồi trao cho bà mẹ trẻ, nhắc khẽ một câu:

- Về nhà tôi nhá !

- Dạ, cảm ơn Bác.

Một đoàn người kéo nhau về nhà cụ già, y như một đoàn biểu tình.

Nhà cụ già rộng rinh, nhưng vẫn chật ních, vì chẳng ai muốn về nhà mình. Họ lăng xăng hỏi chuyện. Họ biết mẹ của Đấng Cứu Thế là Maria. Họ biết cha của Đấng Cứu Thế là Giuse. Nhưng họ lại nói nhỏ với nhau: “Đấng Cứu Thế chả giống cha một tí nào”. Ông bố vạm vỡ nhìn bà mẹ xinh. Hai người cười với nhau một cách dí dỏm…

“Hang Bêlem đêm hôm ấy” là như vậy. Một niềm vui bùng vỡ, nhưng vẫn có một cái gì chưa ai hiểu hết. Chỉ có thời gian mới trả lời được.

 

* cgvdt.vn  -  Tùy bút

Lm Piô Ngô Phúc Hậu

 

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Truyện - thơ