Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
LÒNG KIÊN NHẪN ĐÃ CẠN
Ngày đăng: 09/11/2018

LÒNG KIÊN NHẪN ĐÃ CẠN 

 

Kinh thánh bảo chúng ta là không bao giờ được mệt mỏi, nản lòng khi làm những chuyện đúng đắn. Tất nhiên, chúng ta gần như không có đủ sức mạnh để làm được như thế. Hầu hết chúng ta chỉ làm điều đúng đắn cho đến khi sự kiên nhẫn của chúng ta bị rút cạn.

 

Cách đây 30 năm, trước khi có vụ cướp máy bay ngày 11 tháng 9 năm 2001, trước vụ giấu bom trong giày, và trước khi có các kiểu khủng bố máy bay khác thì việc di chuyển bằng đường hàng không rất đơn giản. Bạn không cần phải bỏ giày để kiểm tra an ninh, bạn có thể đem chất lỏng theo mình, và nếu bạn có đem theo laptop hay các thiết bị điện tử khác, bạn chẳng phải lấy chúng ra khỏi xách hành lý của mình, cánh cửa phòng lái cũng chẳng phải bọc thép, và người ta cũng ít hoang tưởng về vấn đề an ninh hơn. Bạn thậm chí còn được gặp các phi công nữa.

 

Tôi nhớ một lần cách đây 30 năm, khi tôi gặp anh phi công thì anh đang thoải mái nói chuyện với một hành khách khác. Đó là chuyến bay sớm từ Dublin đến Luân Đôn, loại thông thường và không có khoang hạng thương gia. Tôi đang ngồi hàng ghế đầu ở giữa, và ngay hàng ghế bên kia là một phụ nữ trung niên, bà nhanh chóng tỏ ra cho biết mình sợ đi máy bay. Không lâu sau khi chúng tôi ngồi vào ghế, bà gọi tiếp viên hàng không và nói với cô rằng gia đình bà bảo bà nên đi máy bay, nhưng bà đang sợ chết khiếp và không muốn ở lại trên máy bay. Cô tiếp viên nhẹ nhàng cố gắng làm bà yên lòng, rằng tất cả mọi chuyện đều an toàn, thực sự trên máy bay còn an toàn hơn trên mặt đất nữa. Nhưng một người bị nỗi sợ ám ảnh thì họ chẳng dễ gì nghe theo lô gíc. Bà yên lòng được vài phút, chỉ vì máy bay chưa cất cánh và bà đang ngồi cách cánh cửa 5 mét, lúc đó vẫn đang còn mở.

 

Nhưng khi cánh cửa đóng lại và máy bay bắt đầu chạy lùi, thì bà bắt đầu bồn chồn hoang mang hơn. Cô tiếp viên lại đến và xoa dịu bà, nhờ đó có hiệu quả trong vài phút. Bà dần dần bình tĩnh và máy bay đi vào đường băng chuẩn bị cất cánh. Bất ngờ, bà rơi vào tâm trạng hốt hoảng hoàn toàn, hét gọi tiếp viên xin cho mình xuống máy bay gấp. Cô tiếp viên, đã hai lần không thể trấn an bà đành phải mở cửa phòng lái để nói chuyện với phi công, và trong vòng một phút, viên phi công xuất hiện, bắt đầu nói chuyện với người phụ nữ đang hoảng hốt.

 

Ông có vẻ là nhà tư vấn chuyên nghiệp, với lòng kiên nhẫn và cảm thông dành cho bà khách. Ông cầm tay bà, nhẹ nhàng trấn an: “Cảm giác này của bà rất bình thường! Nhiều người có nhiều nỗi sợ khác nhau. Bà tuyệt đối an toàn ở đây. Tôi đã lái đường bay này bằng chính chiếc máy bay này vô số lần rồi, tôi bảo đảm nó an toàn. Gia đình bà sẽ chờ bà ở Luân Đôn, bà tưởng tượng xem họ sẽ vui đến như thế nào khi thấy bà xuống máy bay! Và một khi bà đã làm được chuyện này rồi, bà sẽ không còn sợ bay nữa đâu. Đích thân tôi sẽ hộ tống bà bước xuống máy bay ở Luôn Đôn!”

 

Những lời của ông phi công như có phép màu, bà khách dịu lại và gật đầu ra dấu sẵn sàng. Đúng, bà đang chuẩn bị sẵn sàng để bay. Viên phi công về lại phòng, và tôi ngồi đó cảm phục sự kiên nhẫn của ông.

Nhưng chứng ám ảnh sợ vẫn còn đó. Chỉ vài phút sau, khi máy bay chuẩn bị cất cánh, bà lại lên cơn kích động, lần này còn tệ hơn lần trước. Tiếp viên đến ngay và nhanh chóng vào phòng lái nói cho phi công biết chuyện này. Không ai bước ra nói lời nào hết, và cánh cửa phòng lái đóng lại, máy bay chuyển hướng chầm chậm về lại cửa sân bay. Khi đến nơi, viên phi công tuyên bố rằng chúng tôi phải về sân bay vì có một hành khách ở trong “tình trạng khẩn cấp” nhưng chúng tôi sẽ không phải ở lâu lại đây. Cầu thang máy bay cập đến và cửa máy bay được mở ra. Cô tiếp viên mở cửa phòng lái và tôi nghe tiếng viên phi công, rất rõ ràng. Bất bình, phẫn nộ, với một giọng cứng rắn, ông nói với tiếp viên: Đưa bà ta ra! Chỉ cần đưa bà ta ra khỏi máy bay! Sự kiên nhẫn, ân cần, nồng hậu, và cảm thông của ông ấy đã không còn nữa. Ông đã cố gắng mà chẳng được gì. Bà khách đã có cơ hội để làm quen với máy bay. Và giờ đây đã hết rồi. Đưa bà ta ra! Chỉ cần đưa bà ta ra khỏi máy bay!

 

Tất cả chúng tôi đều cảm thông với sự mất kiên nhẫn của viên phi công. Chúng tôi cũng mất hết kiên nhẫn với bà này rồi. Chúng tôi cần phải bay đúng lịch trình của mình. Không thể nói là viên phi công đã không cố gắng. Ông đã hết kiên nhẫn, đã chịu hết nổi, thế là đủ rồi. Việc ông làm có thể hiểu được và đáng chấp nhận. Ông đã làm tốt, thực sự là tốt… nhưng đến cuối cùng, vẫn không đủ.

 

Cuối cùng ông đã mệt mỏi với chuyện này, mà Kinh thánh lại bảo chúng ta là không bao giờ được mệt mỏi nản lòng khi làm những chuyện đúng đắn. Tất nhiên, chúng ta gần như không có đủ sức mạnh để làm được như thế. Hầu hết chúng ta chỉ làm điều đúng đắn cho đến khi sự kiên nhẫn của chúng ta bị rút cạn, và rồi lúc đó là: Chỉ cần đưa bà ta ra khỏi máy bay!

 

* gplongxuyen  -  Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

 

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Kỹ năng sống