Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Có một cuốn sách giáo khoa như thế đó
Ngày đăng: 09/10/2018

Có một cuốn sách giáo khoa như thế đó 

 

Tôi từng đọc bài của tác giả Đỗ Hồng Ngọc với tựa “Chuyện ông Carnot…”, đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật cách đây đã khá lâu, trong đó dẫn lại một bài tập đọc của sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư - xuất bản vào thập niên 20-30 của thế kỷ trước, cùng với những dòng suy ngẫm của tác giả ở cuối bài.

Sách này ngày xưa tôi cũng học, giờ vẫn còn nhớ chuyện ông Carnot, và gần như thuộc lòng nhiều bài trong đó. Cuốn sách đáng yêu làm sao! Tái bản không biết mấy chục lần. Ngày xưa đất nước còn nghèo nên giấy in không được trắng, kỹ thuật in không được rõ ràng, sắc nét như các sách giáo khoa ngày nay, cũng chẳng có hình màu, toàn là hình đen trắng vẽ bằng bút sắt rồi làm bản kẽm, nhưng sao nó gần gũi, thân thương với học trò đến thế!

Với những người ở tuổi tri thiên mệnh, hẳn sẽ có một chút so sánh dù chỉ ở một góc hẹp của vấn đề giáo dục qua những thời kỳ, đó là sách giáo khoa.

Xưa sách giáo khoa rất ổn định, một chương trình cho cả nước, cho nhiều năm không thay đổi. Bố học xong rồi gói ghém sách giữ lại cho con; anh chị học xong rồi cất giữ lại cho các em. Cứ lớp trước chuyển giao lại cho lớp sau, cũng một nội dung đó, cũng một cuốn sách đó. Ông nội thuộc những bài trong sách kể lại cho các cháu, sửa sai cho các cháu. Bố mẹ thuộc làu kể lại cho các con, kiểm soát được bài vở của các con, chúng học đến đâu, bài nào đã thuộc, bài nào chưa thuộc, bố mẹ đều biết cả.

Sách giáo khoa ổn định nên các thầy giáo dạy vài năm là thuộc lòng cả sách, trang nào bài gì thầy đều nhớ cả, chỉ cần bổ sung những kiến thức mới thôi.

Sách giáo khoa ổn định nên tiết kiệm cho ngân quỹ gia đình biết bao nhiêu tiền bạc của cải. Hơn nữa, ngày xưa việc xuất bản sách giáo khoa thuần túy nhắm mục tiêu phổ cập giáo dục nên giá rất rẻ so với các sách khác cùng khổ, cùng số trang. Do đó, mùa tựu trường dù ở miền quê nghèo, các phụ huynh vẫn bình thản, không có cảnh nháo nhào lên vì tiền trường, tiền sách. Tôi nhớ như in những năm học lớp một, lớp hai, bố tôi lấy chiếc cặp da cũ của anh tôi, sửa lại cái khóa cài, rồi để vào đó cây bút chì, cái thước, cục tẩy, tờ giấy thấm, cây bút ngòi lá tre, lọ mực tím, mấy cuốn giáo khoa cũ đã được đóng lại bằng chỉ theo kiểu sách chữ nho và vài cuốn tập giấy rơm (gọi thế vì còn thấy rõ xơ rơm màu vàng trên mặt giấy), kèm theo một nắm cơm và mấy con tôm kho khô để ăn trưa tại trường vì phải học 2 buổi. Hành trang chỉ có thế, thật nhẹ nhàng và đơn giản nhưng dấu ấn vẫn đậm nét tới ngày nay dù đầu đã muối nhiều hơn tiêu.

Xem ra không phải chỉ có tôi mà nhiều người hơn tuổi tôi nữa cũng có tâm trạng tương tự. Còn nhớ cách đây hơn mười năm, một Việt kiều ở Mỹ ở tuổi trên 75, về Việt Nam, nghe nói tôi có những sách cũ, xưa, đã đến tìm lại cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp ba in năm 1937. Tôi đã tìm ra và ông xin photo một bản đem về Mỹ làm kỷ niệm để nhớ về thời thơ ấu.

Ngày nay, đất nước thống nhất đã hơn 40 năm mà sách giáo khoa xem ra vẫn chưa ổn định. Chương trình đổi mới liên tục, sách giáo khoa năm trước học, năm sau “quá đát”, đàn em chẳng học nhờ được sách của anh chị, cứ phải mua cuốn mới; cặp thì to đùng, đeo nặng đến vẹo xương sườn. Phụ huynh tới kỳ tựu trường phần đông choáng váng về tiền trường, tiền sách cho con đi học.

Theo tôi, việc thay đổi sách giáo khoa quá nhiều gây thiệt hại về tài chánh của nhân dân, gây bất ổn về tâm lý học sinh và có khi biến thành cơ hội làm giàu hợp pháp nhưng không mấy nhân đạo cho một số cá nhân và tập thể, từ việc thay đổi năm này qua năm khác! 

 

* cgvdt.vn  -  Lm Giuse Nguyễn Hữu Triết

Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM

 

You are here: Trang chủ >> Văn hóa >> Kỹ năng sống